Việt Nam cam kết bảo vệ Gazprom trên Biển Đông
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Trung Quốc yêu cầu Nga dừng các dự án khai thác dầu khí ở biển Đông tại buổi họp báo thường kỳ chiều nay, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao khẳng định: Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Sự hợp tác này phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNLOC) năm 1982.
Ông Nghị cũng nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam.
Cũng trong buổi họp báo chiều nay, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cũng thông tin thêm diễn biến vụ việc Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân và hai tàu cá của Việt Nam. Ông cho biết, Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề này với phía Trung Quốc ở nhiều cấp khác nhau. Trung Quốc cần tôn trọng lập trường và đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam, không để vụ việc ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Bình luận về vụ va chạm gần đây giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu hải quân Philippines trên Biển Đông, ông Nghị nói: “Chúng tôi quan tâm đến vụ việc này và cho rằng các bên liên quan cần tránh có những hành động làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực”. |
Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trên Biển Đông do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra trong chuyến công du Ấn Độ năm 2011.
Khi đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định rằng các dự án hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông với các đối tác nước ngoài đều nằm trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhà nước Việt Nam cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài hợp tác làm ăn với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Trước đó, ngày 5/4, hãng năng Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận liên doanh khai thác khí đốt với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) tại Biển Đông.
Theo thỏa thuận này, Gazprom sẽ nắm 49% cổ phần của dự án này, số cổ phần còn lại do Petro Vietnam nắm giữ. Gazprom và Petro Vietnam sẽ tiến hành khai thác khí đốt tại hai lô 05.2 và 05.3 ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau sự kiện này, Trung Quốc đã đánh tiếng yêu cầu Nga dừng khai thác dầu khí ở Biển Đông. Đây không phải lần đầu, Trung Quốc gây áp lực với các công ty nước ngoài có hợp tác làm ăn với Việt Nam trên Biển Đông.
Nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã có những hành động can thiệp tương tự với lý do họ có "chủ quyền không thể tranh cãi” trên hầu như toàn bộ Biển Đông được bao chiếm bởi "đường lưỡi bò” phi lý và phi khoa học
Mấy ngày trước khi sự kiện Gazprom đạt được thoả thuận hợp tác với Việt Nam tại các lô mà BP đã từng rút lui diễn ra, Trung Quốc cũng đưa ra một thông điệp cảnh báo các công ty Ấn Độ sẽ phải "trả giá” vì đã hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển mà nước này tuyên bố "có chủ quyền không thể tranh cãi”.
Tuy nhiên, để khẳng việc thỏa thuận giữa hai bên hoàn toàn đúng luật và thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, trong chuyến thăm Ấn Độ hồi cuối tháng 3 vừa qua, Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố khu vực mà Việt Nam hợp tác với Ấn Độ không hề có tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ vì khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng 200 hải lý, thuộc chủ quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò” bao chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực.
Yêu sách "đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý quốc tế, cũng không được sự thừa nhận của bất cứ tổ chức quốc tế hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Do vậy yêu sách phi lý và phi khoa học này không thể trở thành căn cứ, làm cơ sở pháp luật để nước này phản đối các hoạt động hợp pháp của các quốc gia khác trong khu vực.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng