Việt Nam chọn dự án tiềm năng cho Samsung
Văn phòng Chính phủ có văn bản 862/VPCP - QHQT thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về mở rộng hợp tác với Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) trong đó có yêu cầu: “Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng sẽ làm việc với tập đoàn về khả năng tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc đầu tư”. Nhưng theo một đại diện của SCIC, việc này chưa có gì cụ thể.
Công văn của Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lựa chọn một số dự án tiềm năng, cũng như dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2020 giới thiệu cho Samsung.
Hai bộ Công Thương và Giao thông Vận tải làm việc với Samsung về khả năng đầu tư vào Dự án Nhiệt điện Vũng Áng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ, giới thiệu địa điểm để Samsung triển khai đầu tư hạng mục nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các hạng mục phụ trợ liên quan và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) được yêu cầu chủ động đẩy mạnh khả năng hợp tác với Samsung để thu hút tập đoàn này đầu tư, hoặc tham gia vào tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp tàu thủy.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời một vị đại diện có thẩm quyền quản lý ở SCIC cho biết, nếu hợp tác với SCIC thì hình thức hợp tác có thể là Samsung và các công ty con mua cổ phần của các doanh nghiệp do SCIC quản lý và muốn thoái vốn, còn việc SCIC mua cổ phần hay đầu tư vào Samsung là rất khó có thể xảy ra.
Thời gian gần đây, Samsung đã bày tỏ sự quan tâm đến công nghiệp đóng tàu, giàn khoan và dự án nhiệt điện Vũng Áng III tại Hà Tĩnh.
Mới đây, khi Phó chủ tịch Samsung - Jung Yeon Joo đến Việt Nam, Samsung C&T, công ty thành viên của tập đoàn đã ký văn bản ghi nhớ với Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Theo đó, đơn vị này sẽ tham gia phát triển các dự án, từ xây dựng các nhà máy điện, sân bay, đóng tàu đến các dự án cơ sở hạ tầng viễn thông.
Tận dụng nhân công rẻ nhưng chậm chuyển giao công nghệ
Không chỉ trong các lĩnh vực như công nghiệp đóng tàu, giàn khoan và dự án nhiệt điện, sân bay, trong lĩnh vực điện tử, Samsung cũng có hàng loạt dự án triển khai tại Việt Nam bằng chứng là mới đây Samsung tuyên bố sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam sau 12 năm hoạt động.
Lý do được phía Samsung đưa ra là do nhân công tại Việt Nam đang rẻ hơn 3 lần so với nhân công tại Trung Quốc.
Nhưng có lẽ còn một nguyên nhân khác hấp dẫn sự đầu tư của Samsung Electrolics khi vào Việt Nam còn do những ưu đãi lớn từ thuế.
Đầu tư vào Việt Nam, Samsung Electronics đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam công nhận công ty con tại Bắc Ninh - Samsung Electronics Việt Nam là doanh nghiệp (DN) công nghệ cao.
Điều này có nghĩa Samsung muốn hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập DN.
Nếu theo đúng Luật Công nghệ cao, Samsung Electronics Việt Nam, vào lúc đó chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận là DN công nghệ cao, vì Điều 18 của Luật quy định rõ rằng, DN chỉ được xét duyệt là DN công nghệ cao sau khi đã hoạt động ít nhất 3 năm.
Một điều nữa cần phải nói là nếu xét về danh mục sản phẩm để được công nhận là sản phẩm công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao thì sản phẩm điện thoại di động do Samsung sản xuất cũng không nằm trong danh mục công nghệ cao.
Mặc dù vậy, sau hai năm đàm phán với các cơ quan Chính phủ, Samsung Electronics Việt Nam đã chính thức được công nhận là DN công nghệ cao. Những ưu đãi về thuế đó sau này cũng được dành cho phần đầu tư mở rộng trị giá 830 triệu USD tại Bắc Ninh và đầu tư mới 2 tỷ USD tại Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung.
Tuy nhiên, khi tham gia thị trường Việt Nam các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Samsung vẫn được đánh giá là chậm trong việc chuyển giao công nghệ cao. Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từng cho biết, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ưu thế lớn trong sử dụng và chuyển giao công nghệ cao cho các DN Việt Nam, song thực tế, hoạt động này diễn ra còn chậm, khi nhiều doanh nghiệp không đầu tư nhiều vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô-Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết qua theo dõi và nghiên cứu số liệu hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài suốt hơn 20 năm qua cho thấy, chưa có bằng chứng đủ thuyết phục cho thấy đã diễn ra quá trình chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài cho các DN Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines