Tin tức - Sự kiện

Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ thế giới”

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân mong muốn Thông tư 20 sớm ban hành trở lại để có những quy định kiểm soát chất lượng thiết bị máy móc nhập khẩu. Nếu không, những thiết bị công nghệ cũ và lạc hậu tiếp tục đổ vào Việt Nam và chúng ta sẽ trở thành “bãi rác của công nghệ thế giới”.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý IV của bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây về cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ; phát triển thị trường công nghệ và chuyển giao công nghệ; hiện tượng chảy máu chất xám…

PV: Hiện nay có cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ thải các công nghệ cũ vào Việt Nam để họ cập nhật công nghệ tiến bộ hơn. Và Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành một nước nhập công nghệ lạc hậu lần hai. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết chúng ta sẽ ngăn chặn làn sóng này như thế nào?

- Bộ Khoa học và Công nghệ có đại diện ở Trung Quốc nên chúng tôi thường xuyên tiếp cận và có được những tư liệu của Trung Quốc. Nội bộ của họ hằng năm thường công bố những doanh nghiệp, công nghệ lạc hậu, ngừng sản xuất.

Dựa trên báo cáo đó chúng tôi có cập nhật lưu ý thông báo rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của Bộ và của Chính phủ danh mục các công nghệ của Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường có thể được nhập khẩu vào Việt Nam và danh mục các doanh nghiệp của Trung Quốc bị đóng cửa vì ô nhiễm, lạc hâu, đề phòng họ bán doanh nghiệp đó vào Việt Nam.

Ngay cả những tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản khi họ là ăn không thành công ở các địa bàn khác thì họ cũng di chuyển thiết bị máy móc của họ về Việt Nam khi mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi cũng phải tăng cường kiểm tra chất lượng và những vấn đề khác của họ.

Hy vọng với sự thống nhất của các bộ ngành và sự quan tâm của xã hội thì Thông tư 20 sẽ sớm được ban hành trở lại, phục vụ cho kiểm soát chất lượng. Nếu chúng ta không có quy định kiểm soát chất lượng thì những thiết bị công nghệ cũ và lạc hậu tiếp tục đổ vào Việt Nam và chúng ta trở thành “bãi rác của công nghệ thế giới”.

PV:Có ý kiến cho rằng chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện đang quá yếu kém. Bằng chứng là Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng trong hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học cho đến nay cũng không có đề tài nào nghiên cứu về phân bón. Ngoài ra là một nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới nhưng các giống lúa lai hiện nay vẫn nhập từ Trung Quốc?


- Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường. Đã cái gì vào cơ chế thị trường thì thị trường quyết định. Tại sao miền Bắc toàn dùng giống lúa lai Trung Quốc trong khi, các nhà khoa học Việt Nam còn tạo ra hàng trăm giống lúa còn tốt hơn.

Có ba nguyên nhân. Một các giống lúa lai Việt Nam tạo ra chưa được thương mại hóa để có thể cạnh tranh được trong khi lúa giống Trung Quốc giá rất rẻ. Hai là hệ thống dịch vụ của chúng ta quá yếu. Làm ra giống rồi nhưng phải có các công ty, doanh nghiệp làm giống chuyên nghiệp quy mô lớn mới có sản lượng lớn được. Lí do thứ ba là giá gạo kể cả gạo xuất khẩu rất thấp, nông dân không đảm bảo được 30% lợi nhuận như Chính phủ mong muốn.

Trách nhiệm của Bộ là luôn luôn đổi mới nhưng không phải chỉ Bộ Khoa học và Công nghệ đổi mới mà hệ thống chính trị của chúng ta cũng phải đổi mới về tư duy quản lý, áp dụng cơ chế thị trường một cách đầy đủ. Hiện nay chúng ta sống quá lâu trong bao cấp nên một vài đổi mới ở phần ngọn chưa giải quyết được những căn nguyên.

PV: Về vấn đề chảy máu chất xám Việt Nam, có ý kiến cho rằng tài chính chưa phải yếu tố giữ chân các nhà khoa học mà môi trường và điều kiện cũng hết sức quan trọng. Điền hình nhất gần đây là trường hợp của ông Trần Quốc Hải được Campuchia trao tặng huân chương cao quý. Vậy đâu là nguyên nhân của chảy máu chất xám Việt Nam hiện tại? Và giải pháp cho vấn đề này là gì thưa bộ trưởng?

- Đây là vấn đề chúng ta nói rất nhiều từ nhiều năm rồi. Bao giờ cũng là nước chảy chỗ trũng. Ở đâu mà làm việc tốt hơn, lương bổng cao hơn, được đối xử tôn trọng hơn thì những người làm khoa học người ta đến đấy. Tuy nhiên, bức tranh khoa học công nghệ Việt Nam không phải quá xám xịt như là chúng ta thường nghĩ. Nó có những điểm xám và cũng có những nền tương đối sáng. Ít nhất là chúng ta đứng ở vị trí trung bình của thế giới (xếp thứ 71/143 quốc gia) so với vị trí về kinh tế và môi trường đầu tư ở cuối bảng thế giới.

Nguyên nhân là do chúng ta chưa tạo ra điều kiện tốt nhất cho những người làm khoa học nhất là về tài chính. Người nông dân của chúng ta sang Campuchia được Campuchia tặng huân chương cao quý. Thông tin này chưa được kiểm chứng. Nhưng liệu chúng ta có chấp nhận ngân sách nhà nước Việt Nam giao cho một người nào đấy kể cả nhà khoa học nổi tiếng 200 000 USD một cách thoải mái mà không cần thẩm định dự toán, không cần thuyết minh?

Thứ hai chúng ta đang sửa luật, kể cả luật Khoa học và Công nghệ; luật Ngân sách. Luật Khoa học và Công nghệ sẽ có phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, tức là cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học không lệ thuộc quá nhiều vào hóa đơn chứng từ. Nếu chúng tạo điều kiện tốt, đổi mới cơ chế chính sách thì sẽ giữ chất xám lại với Việt Nam.

PV: Trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ có những chính sách nào để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu phát triển?

- Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ xác định rõ đầu tư của nhà nước chỉ là đầu tư cho những lĩnh vực tư nhân không làm như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu xã hội nhân văn, an ninh quốc phòng. Còn lại huy động đầu tư của xã hội chủ yếu là doanh nghiệp.

Luật Khoa học và Công nghệ quy định là doanh nghiệp Nhà nước bắt buộc phải dành một phần nhất định tỷ lệ lợi nhuận trước thuế đầu tư cho khoa học công nghệ bằng việc thành lập Qũy Phát triển Khoa học Công nghệ của doanh nghiệp. Vừa rồi Nghị định 95 quy định là doanh nghiệp nhà nước trích ít nhất 3% lợi nhuận trước thuế.

Nhà nước khuyến khích mức tối đa là 10%. Ngân sách nhà nước đầu tư hơn 1 tỷ USD nhưng gần 90% là cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Nếu doanh nghiệp quan tâm lập tức ta có nguồn lớn hơn rất nhiều.

Chúng tôi đặt mục tiêu đến 2015, đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ là 1,5% GDP, đến 2020 là 2% GDP quốc gia; trong khi đó nhà nước chỉ đầu tư khoảng 0,5 – 0,6% GDP (2% tổng chi ngân sách). Yêu cầu cả nước có 60 viện nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế. 60 khu ươm tạo công nghệ cùng đội ngũ 5 000 doanh nghiệp khoa học công nghệ; tốc độ đổi mới công nghệ dao động từ 15 – 20%/năm. Tốc độ tăng trưởng công bố quốc tế và sáng chế từ 10 – 15%.

Trân trọng cảm ơn ông!




 

Thu Hà (ghi)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo