Thị trường

Việt Nam - EU hoàn tất đàm phán chống khai thác gỗ trái phép

Ngày 11/5, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).

Hiệp định sẽ giúp cải thiện quản trị rừng, giải quyết khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp được xác nhận từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác, theo tin tức trên báo Vietnamplus.

Sau gần 6 năm đàm phán, hai trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam và EU là tiến sỹ Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Phát triển bền vững toàn cầu, Tổng cục Môi trường của Ủy ban châu Âu, đã ký tắt lời văn của Hiệp định VPA/FLEGT. Việc ký kết này đánh dấu việc kết thúc chính thức tiến trình đàm phán hiệp định. 

Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Vụ trưởng Vụ phát triển bền vững toàn cầu của EC Astrid Schomaker ký tắt lời văn của Hiệp định VPA/FLEGT. (Ảnh: TTXVN).

Hai bên sẽ tiến hành rà soát pháp lý lời văn hiệp định đã được thỏa thuận, sau đó hiệp định sẽ được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của EU và tiếng Việt. Trước khi hiệp định có hiệu lực, mỗi bên sẽ phải hoàn thiện thủ tục ký kết và thông qua phù hợp với các quy trình nội bộ. 

Để triển khai hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) để đảm bảo rằng gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm các hệ thống xác minh gỗ nhập khẩu đã được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với các quy định có liên quan tại nước khai thác. 

Hiệp định cũng quy định cơ chế khiếu nại và đánh giá độc lập, cũng như các cam kết để các bên có thể tham dự vào tiến trình thực thi và công bố thông tin. 

Một Ủy ban thực thi hỗn hợp (JIC) sẽ giám sát việc thực thi hiệp định. Trong khi hiệp định chưa có hiệu lực, hai bên cũng đã thống nhất các yếu tố then chốt cho các sắp xếp/chuẩn bị quản trị tạm thời và các biện pháp khác để chuẩn bị cho việc thực thi hiệp định. 

Sau khi được thực thi đầy đủ, các lô gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải có giấp phép FLEGT chứng minh tính hợp pháp. Trước khi cấp phép FLEGT, sẽ có một giai đoạn thực thi và đánh giá để xác minh rằng tất cả các cam kết đưa ra trong Hiệp định VPA đã được hoàn thành và hệ thống được đưa vào vận hành đáp ứng các tiêu chí sẵn sàng vận hành như được qui định tại một Phụ lục tương ứng của hiệp định. 

 

Trước đó, trong 2 ngày 20 – 21/2/2017 tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa diễn ra cuộc họp lần thứ 11 nhóm công tác của APEC về chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp (EGILAT). Cuộc họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp của APEC (SOM 1), theo Thời báo Tài chính Việt Nam.

Đây là cuộc họp đầu tiên của nhóm EGILAT được tổ chức tại Việt Nam trong khuôn khổ năm APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, cuộc họp thu hút sự tham dự của các nhóm EGILAT của 21 nền kinh tế thành viên, sự tham dự của các quan sát viên và các tổ chức quốc tế, khu vực khác quan tâm đến ngành lâm nghiệp nói chung và vấn đề chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Cuộc họp cũng thảo luận về các đề xuất dự án của các nền kinh tế thành viên liên quan đến kiểm soát chuỗi cung ứng, chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp góp phần vào quản trị rừng và phát triển bền vững của APEC.

Ngoài ra, cuộc họp tổng kết kết quả hoạt động và bài học kinh nghiệm của EGILAT giai đoạn 2013-2017 và thảo luận về những ưu tiên và hoạt động của EGILAT giai đoạn 2018-2022. 

Bên cạnh đó, tại cuộc họp, các tổ chức quốc tế và khu vực và các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài APEC cung cấp thông tin, chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm nhằm thực hiện nỗ lực quản trị rừng, chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. 

 

Cuộc họp lần thứ 12 của EGILAT sẽ được tổ chức vào tháng 8/2017 trong khuôn khổ của Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp của APEC (SOM 3).

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Vietnamplus, Thời báo Tài chính Việt Nam)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo