Tin tức - Sự kiện

Việt Nam không "hội nhập vị hội nhập"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam trong buổi trao đổi sáng 30/9 với giới báo chí nhấn mạnh, Việt Nam không hội nhập vị hội nhập, mà hội nhập để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực theo hiệu quả hơn và minh bạch hơn.

Theo đó, ông Khánh đưa ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập này không đơn giản. Các đối tác trong các FTA thế hệ mới không chỉ yêu cầu mức độ cam kết sâu hơn đối với những nội dung truyền thống như hàng hóa và dịch vụ, mà còn yêu cầu cam kết cả những nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước… Đây đều là các lĩnh vực mới và khó đối với Việt Nam.

Để vượt qua thách thức này và nắm bắt các cơ hội mới, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Việt Nam cần làm một số việc sau.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh 
 
Thứ nhất, cần chuẩn bị một “cái gốc” thật chắc. Trước hết, cần có sự nhất quán cao độ về sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể là, không hội nhập vị hội nhập mà hội nhập để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực theo hiệu quả hơn và minh bạch hơn.
 
Sau đó giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế có sự tác động qua lại nhưng cải cách kinh tế trong nước luôn phải là yếu tố quyết định và là nền tảng của hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Không nên dùng “bên ngoài” để ép “bên trong” vì dễ làm phát sinh tình trạng thực thi hình thức thậm chí là phản ứng không thuận của xã hội, từ đó làm giảm hiệu quả của hội nhập. và nếu tích tụ lâu ngày sẽ làm xói mòn các nỗ lực cải cách kinh tế .
 
Cuối cùng cần đưa cải cách kinh tế đi vào chiều sâu, đặc biệt thực hiện có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, đầu tư công và nông nghiệp. Bởi có cải cách thành công trong lĩnh vực này thì mới giúp Việt Nam tiếp cận với các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế cao hơn.
 
Thứ hai, trong môi trường đa tầng nấc, cần có chiến lược rõ ràng và bước đi phù hợp trong việc lựa chọn đối tác cũng như cấp độ hội nhập. Là một nền kinh tế nhỏ, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng vai trò của hệ thống thương mại đa phương WTO.
 
Thứ ba, cần có sự thay đổi về định hướng chính sách phát triển. Cho tới nay để phục vụ mục tiêu phát triển, các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế đều cho phép dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho những nước đang phát triển như Việt Nam.
 
Việt Nam có thể tận dụng điều này nhưng không nên lạm dụng. Vì duy trì các biện pháp hỗ trợ đặc biệt thiếu hiệu quả nào đó sẽ không tốt bằng việc chủ động tái cơ cấu và thúc đẩy nâng cao năng suất cạnh tranh, nâng cao trình độ công nghệ và phát triển nguồn nhân lực… là những thành tố quan trọng để phát triển dài hạn.
 
Thứ tư, quan tâm hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo minh bạch và thuận lợi hóa trong môi trường kinh doanh.
 
Cuối cùng là lợi ích, chi phí hội nhập kinh tế quốc tế thường được phân bổ không đồng đều nhất là ở những nước phát triển như Việt Nam. Do đó, cần có giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập tới những đối tượng bị tác động nhiều nhất và tạo cơ hội công bằng cho tất cả các đối tượng trong xã hội trong việc tiếp cận các thành quả của hội nhập.
 
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, chỉ có như vậy mới đảm bảo được đồng thuận của xã hội, yếu tố quan trọng giúp hội nhập kinh tế quốc tế đa tầng nấc thành công.
 
Hiện nay, Việt Nam tham gia 8 hiệp định thương mại (FTA), trong đó có 6 hiệp định giữa ASEAN với các đối tác và 2 FTA với Nhật Bản và Chi Lê. Hiện Việt Nam đang đàm phán 7 FTA khác, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCET) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo