Tin tức - Sự kiện

Việt Nam là nòng cốt trong phát triển sáng kiến của WEF tại ASEAN

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, nông nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận. Việt Nam là một ví dụ rất thành công của mô hình PPP và Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp của khu vực.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Cao Đức Phát để tìm hiểu về hoạt động của ông tại Davos.

Chương trình nông nghiệp phối hợp giữa Việt Nam và WEF, trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới cho ngành nông nghiệp” đã được tiến hành từ năm 2010, ông đánh giá như thế nào về chương trình này? Chương trình đã đạt được những hiệu quả gì trong 3 năm đầu thực hiện?

Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF), tổ chức từ ngày 5-7/6/2010, TPHCM, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển công thôn (NN&PTNT)  Cao Đức Phát đã tham dự và chủ trì các phiên họp về “Tầm nhìn cho nông nghiệp Đông Nam Á” và các phiên họp với các Doanh nghiệp, Tập đoàn đa quốc gia, công ty đa quốc gia của WEF liên quan đến về nông nghiệp nhằm nâng cao triển vọng thúc đẩy Mô hình  đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ NN&PTNT và 15 Tập đoàn, Doanh nghiệp quốc tế (ADM, Bunge, Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, METRO Cash & Carry Vietnam, Fresh Studio, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Toepfer Swiss Re, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam, Yara International, Pioneer Hi-Bred Vietnam, .…)  đã nhất trí thành lập “Nhóm đối tác công - tư ngành nông nghiệp” nhằm nâng cao phát triển sản xuất, tăng cường chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, duy trì ổn định thị trường, tăng giá trị gia tăng của một số mặt hàng chủ lực nông nghiệp Việt Nam. 

Cho đến nay Nhóm PPP ngành nông nghiệp đã tiến hành thành lập 5 Nhóm đặc trách chuyên biệt về các loại nông sản khác nhau đồng chủ trì các Nhóm là đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một Tập đoàn đa quốc gia, công ty đa quốc gia và các thành viên khác tham gia gồm các doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng nông sản, địa phương vùng triển khai các dự án, các Viện nghiên cứu, đại diện các cơ quan chứng nhận quốc tế khác. 

Trước mắt 5 Nhóm đặc trách chuyên biệt PPP ngành nông nghiệp được thành lập bao gồm: Rau, hoa quả; cà phê; chè; thuỷ sản; và Nhóm hàng hoá chung.  Từ tháng 9  năm 2011, Nhóm đối tác công - tư ngành nông nghiệp đã nhất trí thành lập Nhóm đặc trách về tài chính, tín dụng (micro-finance) nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của các cơ quan của Chính phủ đặc biệt liên quan đến cung cấp tài chính tín dụng để mở rộng  phạm vi triển khai và đa dạng  hoá các loại nông sản. Nhóm  đặc trách về tài chính, tín dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì với  Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), đến nay, IFC/WB đàm nhận vai trò đồng chủ trì.

Nhóm PPP ngành nông nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả trong việc phát triển sản xuất theo quy trình mới, chứng nhận, tiêu thụ,  liên kết công tư, tăng cao năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê, thủy sản, rau quả. 

Mô hình cũng rất chú trọng đến việc tăng cường năng lực về kỹ thuật cạnh tác, dinh dưỡng, bệnh cây, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, sử dụng giống, thị trường, GAP... cho người nông dân tham gia trong mô hình bên cạnh đó các phương thức canh tác mới giảm phát thải và tưới tiết kiệm cũng đã được nhân thử nghiệm và nhân rộng.  

Với các kết quả đã đạt được sau ba năm thực hiện, Mô hình đối tác công – tư ngành nông nghiệp của Việt Nam đã được WEF đánh giá cao và được xem như là một mô hình điển hình cho các nước khác học hỏi và nhân rộng. Năm 2014, WEF đang dự định nhân rộng mô hình và phát triển kế hoạch 2014 - 2018.  

Chính phủ đã có những cải thiện gì về chính sách và khung pháp lý để nâng cao hiệu quả của dự án?

PPP ngành nông nghiệp tại Việt Nam là một mô hình mới nhằm kết hợp giữa công và tư cho phát triển nông nghiệp. Bước đầu thí điểm Mô hình đã đạt được kết quả tốt và được Chính phủ ghi nhận và WEF đánh giá rất cao. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp rất ủng hộ Mô hình PPP ngành nông nghiệp và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Mô hình hoạt động. 

Để cho mô hình có thể hoạt động có hiệu quả hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng một cơ chế đối tác công - tư riêng cho ngành nông nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó kết quả triển khai mô hình là một trong  những căn cứ rất quan trọng để Bộ xây dựng cơ chế PPP nông nghiệp. 

Thưa Bộ trưởng, dự định cho năm 2014 của chương trình hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với WEF là gì? 

Như đã đề cập ở trên, trong năm 2014, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với WEF để triển khai Mô hình, đồng thời sẽ dự định nhân rộng Mô hình, kêu gọi thêm các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty đa quốc gia và công ty trong nước tham gia vào Mô hình. Đồng thời mở rộng phạm vi sang các mặt hàng, lĩnh vực khác. Tăng cường hơn nữa sự tham gia của các Bộ, ngành các địa phương, các công ty, tổ chức, cá nhân trong nước. Trong năm 2014 Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với WEF để xây dựng và phát triển kế hoạch hoạt động 2014 - 2018 của Mô hình đối tác công - tư ngành nông nghiệp.  

Đồng thời để thúc đẩy triển khai sáng kiến “tầm nhìn mới trong nông nghiệp”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với WEF tích cực thúc đẩy thực hiện  “Liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh (Green Growth Action Alliance A2G2)”, trong đó huy động các nguồn lực tài chính thông qua mô hình đối tác công tư là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh để huy động thêm các nguồn lực tư khối tư nhân để  thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với WEF để chia sẻ kinh nghiệm và các bài học kinh nghiệm của Mô hình đối tác công - tư ngành nông nghiệp của Việt Nam với các nước khác thông qua Diễn đàn kinh tế thế giới 2014 tại Davos, Diễn đàn Kinh tế Đông Á năm 2014 và các cuộc họp của WEF tại Việt Nam trong năm 2014.  Việt Nam sẽ là nòng cốt trong việc phát triển sáng kiến WEF trong ASEAN.

Đây là lần thứ ba Bộ trưởng tham gia hội nghị thường niên của WEF tại Davos, Bộ trưởng nhận định như thế nào về hội nghị năm nay?

Tại Diễn đàn năm nay lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục được đánh giá cao và được đưa vào chương trình nghị sự của Diễn đàn cụ thể ở đây là WEF tổ chức một phiên họp riêng liên quan đến nông nghiệp với chủ đề “ Đổi mới để đạt được tầm nhìn mới về nông nghiệp”. Tại phiên họp này lãnh đạo các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia sẽ cùng nhau trao đổi các thực tiễn và giải pháp tốt nhất để đạt được tầm nhìn mới về nông nghiệp. 

Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về các tiến bộ khoa học có thể áp dụng để kinh doanh toàn diện và bền vững, cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối giao thương để tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, điều chỉnh chính sách để tăng trưởng nông nghiệp theo định hướng thị trường. 

Giải pháp đưa ra từ phiên họp này sẽ là đầu vào quan trọng cho WEF xây dựng chương trình nghị sự nông nghiệp toàn cầu, tăng cường cho sáng kiến mới về nông nghiệp và là chất xúc tác cho các cơ hội hợp tác mới. Đặc biệt tại Hội nghị năm nay sẽ thông qua kế hoạch triển khai sáng kiến Kế hoạch triển khai sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp giai đoạn 2014-2018.

Như tôi đã  trao đổi ở phần trên, chương trình chủ đề về biến đổi khí hậu không phải năm nay lần đầu tiên WEF đưa vào Diễn đàn. Tuy nhiên năm nay biến đổi khí hậu  còn mở rộng phạm vi và nội dung, do đó  nội dung về an ninh  và sử dụng bền vững được đưa vào chương trình nghị sự.

Dựa trên sự thành công của dự án đã và đang thực hiện trong 3 nước thuộc nhóm ASEAN là Việt Nam, Indonesia và Myanmar, tại Davos năm nay, dự định đưa sáng kiến “Tầm nhìn mới cho ngành nông nghiệp” lên tầm khu vực sẽ được công bố chính thức. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này?

Sáng kiến tầm nhìn mới về nông nghiệp của WEF đang được tiến hành tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh, đây có thể được xem là một sáng kiến toàn cầu. Mô hình đối tác công - tư ngành nông nghiệp đang được triển khai rất hiệu quả tại Việt Nam, Indonesia và Myanamar, được WEF đánh giá cao và được xem như là một mô hình điển hình cho các nước khác học hỏi và nhân rộng. Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm ASEAN lần thứ 35 tổ chức tại Malaysia tháng 10 năm 2013, WEF đã phối hợp   với ASEAN thúc đẩy và nhân rộng mô hình này trên cơ sở kết quả triển khai tại Việt Nam Indonesia và Myanamar ra các nước khác trong khu vực châu Á với chủ đề „tăng trưởng Châu Á“. 

Bên cạnh việc phát triển tại Châu Á,  mô hình cũng sẽ tích cực được mở rộng cả ở châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Đồng thời WEF trao đổi và thống nhất Kế hoạch triển khai sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp giai đoạn 2014-2018 với hy vọng huy động 250 doanh nghiệp trên thế giới tham gia, huy động 5,7 tỷ USD từ các nguồn khác nhau trong đó chủ yếu từ khối tư nhân và sẽ mở rộng phạm vi của sáng kiến triển khai đến hàng chục triệu nông dân trên thế giới. Bên cạnh đó những kết quả của sáng kiến cũng sẽ được đưa vào chương trình của G8 và G20.

Đối với Việt Nam, sau khi Chính phủ thông qua cơ chế PPP nông nghiệp, Bộ tiếp tục triển khai sâu rộng mô hình PPP nông nghiệp để tăng đầu tư vào nông nghiệp và phát triển theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Một trong những phiên thảo luận của hội nghị lần này có bàn về ảnh hưởng của những lực đẩy về môi trường, kinh tế và xã hội đến vấn đề an ninh lương thực. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tới nông nghiệp Việt Nam?

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới lần này, biến đổi khí hậu đặc biệt là an ninh nguồn nước được đưa vào chương trình diễn đàn, cụ thể là WEF tổ chức một phiên họp với chủ đề “ An ninh nguồn nước”. Đây là một nét mới của Diễn đàn Davos 2014. Theo báo cáo đánh giá nguy cơ toàn cầu thì nước là một trong năm nguy cơ hàng đầu trong năm 2013 có ảnh hưởng đế sinh kế của người dân. Một điều có thể nhận thấy là nước tiếp tục sẽ là chủ đề chiến lược được quan tâm trong toàn cầu, khu vực và tại các nước.

Việt Nam là một trong những nước bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, nhất là đối với ngành nông nghiệp. Thích ứng với biến đổi khí hậu đang được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm để giảm thiểu các tác động của Biến đổi khí hậu tới nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. 

Bộ NN&PTNT đang thực hiện “Liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh (Green Growth Action Alliance A2G2)” theo sáng kiến của WEF, đồng thời hướng tới một nền nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt chương trình giảm phát thải khí nhà kính để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành nông nghiệp, phát triển bền vững khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh sản xuất an toàn. Chúng tôi hy vọng sẽ giảm 20% phát thải khí nhà kính.

Theo CafeF
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo