Tin tức - Sự kiện

Việt nam liệu có đón được làn sóng Doanh nghiệp Nhật

Làn sóng doanh nghiệp Nhật, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang đổ về ASEAN để tìm kiếm cơ hội làm ăn sau những khó khăn trong nước và những rủi ro từ thị trường Trung Quốc.

 

(SGTT.VN) Nhật là thị trường sở hữu các thiết bị máy móc công nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu thông tin về thiết bị thuỷ lực tại gian hàng của công ty Sakura Sonic Việt Nam tại triển lãm về công nghiệp phụ trợ Việt – Nhật tổ chức tháng 10.2012. Ảnh: Thanh Hảo
Nhưng sức hút của Việt Nam đến đâu là chủ đề tại hội thảo “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật” do báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi của Nhật tổ chức sáng 14.3.2013
 
Ít ai biết tập đoàn thương mại hàng trăm năm tuổi Kanematsu của Nhật đang đặt một xưởng gia công sushi ngay tại Hà Nội. Công việc của họ là nhập cá hồi, saba, bạch tuộc và gia vị để đối tác Việt Nam sản xuất, xong xuất ngược sang Nhật và châu Âu. Ông Jun Suetake, trưởng đại diện bộ phận thực phẩm tại Việt Nam, còn cho biết Kanematsu đang nhắm đến nhu cầu của các hệ thống nhà hàng, bán lẻ Việt Nam.

Lớn kéo theo nhỏ

Thực phẩm chỉ là một trong sáu mảng kinh doanh của Kanematsu, từ cơ khí và công trình gia dụng, sắt thép, điện tử – công nghệ cho đến nguyên liệu hoá học, thực phẩm với chuỗi nối mạng toàn cầu. Theo ông Jun Suetake, hoạt động chủ yếu của Kanematsu tại Việt Nam hiện là gia công nông thuỷ hải sản để xuất sang Nhật và EU với sản phẩm thế mạnh là nghêu, sò, cá, mực. Tuy nhiên, trong xu thế của doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam, Kanematsu đang mở rộng sang các mảng hạ tầng, công nghệ.

ng Nakajima Kazu, đến từ công ty tư vấn Brain Works của Nhật, cho biết làn sóng đầu tư ra nước ngoài hiện nay thuộc về các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Nhật. Nhật có gần 1,8 triệu doanh nghiệp nhưng DNNVV chiếm đến 99,3%, là nền tảng vững chắc cho nền kinh tế Nhật phát triển. Có nhiều lý do họ muốn vào Việt Nam: sự suy giảm dân số; cải thiện chi phí năng lượng; và lo ngại nền kinh tế bong bóng do chi phí trong nước tăng cao.

Mặt khác, các doanh nghiệp lớn của Nhật đã đầu tư ra nước ngoài khá sớm, cũng đến lúc hình thành nhu cầu kéo theo những doanh nghiệp nhỏ. Điều DNNVV của Nhật quan tâm đầu tiên là tìm cách học hỏi sự thành công của các công ty Nhật đi trước. “Chẳng hạn chuỗi bán lẻ Aeon trong mục tiêu đầu tư 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, chắc chắn sẽ kéo theo các doanh nghiệp Nhật là đối tác khai thác gian hàng hoặc cung ứng sản phẩm, sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ khác theo vào Việt Nam”, theo ông Nakajima.

Điểm đến Việt Nam thể hiện qua con số: chỉ trong năm 2012 có đến 225 công ty Nhật vào Việt Nam, là tỷ lệ khá lớn trong tổng số hơn 1.500 doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho đến nay. Đầu tư của Nhật lâu nay chủ yếu vào sản xuất chế biến thì nay xu hướng thương mại đang tăng lên. Theo ông Nakajima, các doanh nghiệp Nhật gần đây có xu hướng chú trọng đến các mảng như gia công dịch vụ (BPO), y tế – chăm sóc sức khoẻ, nông nghiệp... “DNVVN khó cónguồn nhân lực thoả mãn yêu cầu nhưng lợi điểm là hai đối tác có thể cùng nhau trực tiếp làm ăn”, ông Nakajima nói.

Kỳ vọng đối tác chiến lược

Kim ngạch thương mại Việt – Nhật trong vòng mười năm 2003 – 2012 tăng tưởng cao liên tục, ở mức trung bình 18%/năm. Năm 2012, Việt Nam xuất sang Nhật khoảng 13 tỉ USD; thì cũng nhập khẩu từ Nhật khoảng 12 tỉ USD, chủ yếu là máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật, ông Nguyễn Trung Dũng, phân tích: “Điểm nổi bật trong quan hệ với Nhật là cán cân thương mại luôn ổn định và cân bằng, trong khi Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn; Mỹ lại là thị trường Việt Nam xuất siêu nhiều năm”.

Dự kiến năm 2013 thương mại hai chiều Việt – Nhật đạt 29 tỉ USD, tuy nhiên ông Dũng khuyến cáo cần chú ý về sự tác động của các chính sách kinh tế Nhật và tỷ giá đồng yen. Về môi trường pháp lý, hiện có nhiều yếu tố thuận lợi thông qua hiệp định Đối tác Việt – Nhật; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam bằng đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, hạn chế xuất thô. “Doanh nghiệp Nhật khi đã xuất khẩu vào Nhật thì đạt chất lượng cao và được ưu đãi lớn của chính phủ. Đây chính là bước quan trọng trong việc hợp tác giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”, theo ông Dũng.

Theo ông Nakajima Kazu, Việt Nam dù mở cửa kêu gọi đầu tư nhưng những quy định từ luật, nghị định, thông tư còn rất khó khăn và thiếu rõ ràng để nhà đầu tư có thể nắm được. Tuy nhiên, lý do các DNNVV Nhật muốn phát triển tại Việt Nam bởi đây là thị trường còn đang mở rộng, độ thành thục kinh doanh còn thấp khiến các cơ hội cao hơn. Môi trường kinh doanh, kỹ năng dịch vụ lẫn nguồn nhân lực còn hạn chế nhưng cũng là sức hấp dẫn so với kinh doanh ở các thị trường trưởng thành.

Theo tham tán Dũng, Nhật là thị trường sở hữu các thiết bị máy móc công nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp Việt Nam, cần tranh thủ sự hợp tác với doanh nghiệp Nhật, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vốn có quy mô phù hợp để hợp tác, để nâng cấp sản phẩm, tiếp cận thị trường và công nghệ, nâng cao quy trình sản xuất lẫn kỹ năng kinh doanh.

Ông Dũng cũng khuyến cáo rằng: “Thương mại đang là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp bằng những hiệp định giữa hai quốc gia; tuy nhiên về đầu tư thì Việt Nam phải cạnh tranh lớn với các nước ASEAN khác như Myanmar, Indonesia, Philippines. Vì thế bên cạnh chính sách thu hút đầu tư còn cần cải thiện năng lực tiếp nhận đầu tư khi nhiều nước đang dần tạo những điều kiện tốt hơn để cạnh tranh. Các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực của mình trước”.

Tuyết Ân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo