Việt Nam nghiên cứu thành công màng tự nhiên chữa bỏng
Nguyên liệu sẵn có
GS.TS Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc điều trị những vết thương mất da, nhất là những tổn thương do bỏng hiện là một vấn đề nan giải. Một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình điều trị vết thương mất da, tổn thương do bỏng là sử dụng các loại màng che phủ vết thương. Một lớp màng có tác dụng như "bài thuốc" sẽ giúp cho vết thương hạn chế tình trạng bị nhiễm trùng, giữ được độ ẩm thích hợp, hạn chế tình trạng mất nước và chất điện giải tại bề mặt vết thương... qua đó sẽ giúp người bệnh bớt đau đớn, mau lành vết thương rút ngắn được thời gian điều trị.
Trong khi đó, dân gian có nhiều bài thuốc chữa trị bỏng. Làm thế nào để tận dụng được nguồn dược liệu sẵn có giá rẻ này? Nhóm các nhà khoa học đã tìm đến tinh dầu tràm và mù u. Vật liệu này là nguồn nguyên liệu để nuôi cấy vi khuẩn Acetobacter xylinum. Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm ra được quy trình tạo màng (loại màng cellulose thô) từ vi khuẩn Acetobacter xylinum. Màng cellulose thô còn được kết hợp với các hoạt chất tái sinh mô từ dầu mù u và tinh dầu tràm trà Úc. Màng thành phẩm đầu tiên được đặt tên là màng Acetul.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Thanh, lý do chọn dầu mù u và tinh dầu tràm trà Úc làm 2 "bài thuốc" cho màng Acetul là vì tác dụng sinh học của dầu mù u có nhiều ưu điểm như kháng khuẩn, kháng nấm cao. Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Y dược học dân tộc đã khảo sát cho thấy, các vết thương mất da, lộ xương đều nhanh chóng được che phủ khi bôi dầu mù u. Còn với tinh dầu tràm trà Úc có tính kháng khuẩn cao, phổ kháng khuẩn rất rộng, tính sát khuẩn cũng khá cao nên có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Đây là hai loại cây được trồng khá phổ biến, nguồn nguyên liệu phong phú, giá rẻ.
Che chắn vết thương tránh nhiễm trùng
Màng trị bỏng có màu trắng với độ dày 0,5mm, và có nhiều kích thước khác nhau tùy theo yêu cầu sử dụng như 10 × 10cm, 15 × 10cm, 20 × 10cm. Màng sinh học này có thể được bảo quản ở môi trường bình thường đến vài năm. Trong trường hợp bị bỏng nặng, các vết thương hở cần được dùng màng để che chắn vết thương, hạn chế nhiễm trùng do tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Người ta dùng màng sinh học để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng vết thương bỏng, tạo điều kiện che phủ sớm vết thương. Qua đó, rút ngắn thời gian điều trị và giảm thiểu sẹo xấu trên vùng bỏng sâu.
Chế phẩm này của nhóm nghiên cứu có khả năng thấm nước cao, khả năng kết dính chặt chẽ và trơ về mặt hóa học nên nó có vai trò như màng sinh học, có thể thay thế da tạm thời.
Theo ThS Huỳnh Thị Ngọc Lan, thành viên trong nhóm nghiên cứu, màng trị bỏng sinh học này với các hoạt chất tái sinh mô và các chất sát khuẩn đều có nguồn gốc thiên nhiên. Vì thế, nó không chứa các yếu tố nguy cơ như không có độc tố trực tiếp, không gây dị ứng, không có yếu tố lây lan mầm bệnh, không giải phóng chất lạ vào vết thương.
Màng có khả năng diệt 100% vi khuẩn thường gây ra các nhiễm trùng vết thương hở da như vết bỏng, hay các vết thương mất. Chỉ cần áp sát màng vào vết thương và không cần sử dụng bất cứ thứ gì khác, màng đã có khả năng cản khuẩn, đồng thời, làm vết thương mau lành do thúc đẩy quá trình tái tạo mô hạt. Đặc biệt, tuy sản phẩm này là loại màng thay hằng ngày, nhưng do khả năng làm mát trên bề mặt của da và ít dính chặt trên vết thương nên màng rất dễ bong. Đồng thời, màng có ưu điểm là không gây đau như các loại màng hiện đang sử dụng trong việc điều trị bỏng như gạc vô trùng hay băng bán thấm. Cho tới nay, trong quá trình nghiên cứu màng sinh học trị bỏng, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được khoảng 1.000 tấm màng.
Minh Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo