Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Palestine xây Nhà nước độc lập
Hội nghị Hợp tác các nước Đông Á vì phát triển của Palestine (CEAPAD) lần thứ nhất do Nhật Bản đăng cai đã diễn tại Tokyo từ ngày 13-14/2 nhằm thảo luận về trợ giúp tài chính cho các nỗ lực xây dựng nhà nước của Palestine, đồng thời thúc đẩy việc mở lại đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Thủ tướng Palestine Salam Fayyad dẫn đầu đoàn Nhà nước Palestine.
Tại Nhật Bản, phiên hội nghị toàn thể ngày 14/2 có sự tham dự của các nước Brunei, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cùng đại diện các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên đoàn các quốc gia Arập, UNRWA, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB)....
Sau phiên toàn thể, Hội nghị đã ra thông qua Tuyên bố chung gồm 13 điểm; trong đó các nước và các bên tham gia khẳng định ổn định và hòa bình ở Trung Đông và Bắc Phi có vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định quốc tế cũng như khu vực châu Á.
Các bên tham gia cũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế, cũng như các nước châu Á, cần trợ giúp các nỗ lực xây dựng nhà nước của Palestine, coi đó là một bước quan trọng tạo môi trường thuận lợi để đạt được hòa bình qua việc thực hiện “giải pháp 2 nhà nước” trên cơ sở các nghị quyết gần đây của Liên hợp quốc. Các bên cũng mạnh mẽ kêu gọi sớm khôi phục các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Palestine và Israel.
Tại hội nghị, các nước đã điểm lại những chương trình trợ giúp Palestine trong thời gian qua và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Palestine xây dựng nhà nước của mình; đồng thời cho rằng việc hỗ trợ Palestine xây dựng năng lực, phát triển nhân lực đóng vai trò then chốt trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng các thể chế của Palestine.
Trưởng đoàn Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng đã điểm lại những chương trình Việt Nam hỗ trợ Palestine trong 25 năm qua, trước hết là huấn luyện và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực phòng ngừa ma túy, phòng ngừa tội phạm và cảnh sát hình sự, đào tạo sinh viên đại học và hiện nay đang tiếp tục trợ giúp cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh việc khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục các khóa huấn luyện cho quan chức Palestine, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng còn nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng cử các chuyên gia chăn nuôi, trồng lúa trợ giúp kỹ thuật cho Palestine và đặc biệt sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế của mình với Palestine.
Trong gặp gỡ và trao đổi với Đại sứ Việt Nam, Thủ tướng Fayyad đánh giá cao và cảm ơn Việt Nam đã kiên định trong ủng hộ và vẫn tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực xây dựng thể chế, kinh tế của Palestine.
Hội nghị CEAPAD lần thứ nhất tại Tokyo được xem là có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Palestine vừa giành được qui chế Nhà nước quan sát viên tại Liên hợp quốc tháng 11/2012 và đang có nhiều khó khăn về tài chính và kinh tế. Dự kiến Indonesia sẽ đăng cai CEAPAD lần thứ hai.
Liên quan vấn đề Palestine, theo phóng viên thường trú tại Liên hợp quốc, Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) vừa chính thức đề nghị cấp 300 triệu USD cho người Palestine đang sinh sống ở Dải Gaza và khu Bờ Tây.
Bà Margot Ellis, Phó Tổng Giám đốc UNRWA, cho biết cơ quan này dự định sẽ dành 78 triệu USD trong tổng số tiền trên để mua lương thực và thực phẩm viện trợ cho 750.000 người Palestine đang phải đối mặt với cuộc sống hết sức khó khăn tại Dải Gaza do nơi đây đã 6 năm liền bị Israel phong tỏa. Số tiền còn lại sẽ được sử dụng để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, cung cấp các dịch vụ thiết yếu về giáo dục, y tế, tài chính vi mô và phúc lợi xã hội cho những người tị nạn Palestine.
UNRWA là cơ quan cứu trợ đặc biệt của Liên hợp quốc dành cho người Palestine với 25.000 nhân viên làm việc không chỉ ở Dải Gaza, khu Bờ Tây, mà còn tại các nước láng giềng của Palestine như Syria, Lebanon và Jodan.
UNRWA có nhiệm vụ quyên góp, tổ chức các hoạt động cứu trợ nhân đạo, và tạo việc làm cho khoảng 5 triệu người Palestine, trong đó khoảng 50% sống tị nạn ở nước ngoài và số còn lại chủ yếu đang sinh sống tại các vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng trái phép./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo