Việt Nam sẵn sàng xuất khẩu tàu pháo TT-400TP
Từ thành tựu nổi bật của CNQP Việt Nam…
Tháng 1/2015, Quân chủng Hải quân đã tiếp nhận tàu pháo TT-400TP số hiệu 276 (chiếc thứ 5) do Nhà máy Z173 (Công ty Hồng Hà) đóng mới trong nước. Chiếc thứ 6 (số hiệu 277) cũng đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng để chuẩn bị nghiệm thu, bàn giao.
Rút kinh nghiệm từ những tàu pháo đầu tiên, Z173 đã điều chỉnh một số chi tiết, đáp ứng yêu cầu của Quân chủng Hải quân, thuận tiện cho việc vận hành cũng như sinh hoạt của kíp thủy thủ trên tàu, được các cấp nghiệm thu đánh giá rất cao về đặc tính kỹ thuật, mỹ thuật.
Việc đóng mới thành công tàu pháo TT-400TP không những góp phần tăng sức mạnh của Hải quân mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong việc làm chủ công nghệ đóng tàu chiến, đảm bảo cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Vũ khí chính của TT-400TP gồm 1 pháo hạm AK-176M cỡ nòng 76,2 mm và 1 pháo bắn nhanh AK-630M cỡ 30 mm.Hệ thống điều khiển gồm radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02 có bổ trợ bởi thiết bị ngắm quang truyền hình giúp tăng độ chính xác, diệt được mục tiêu là tàu nổi, tên lửa hành trình cũng như các mục tiêu bay trong mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài ra, tàu có thể được trang bị nhiều loại vũ khí khác, kể cả tên lửa phòng không tầm thấp Igla. Thời gian hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện gió cấp 9 - 10 và sóng cấp 8, tầm hoạt động 2.500 hải lý.
Đại tá Nguyễn Văn Cường (bìa phải) - Giám đốc Nhà máy Z173 giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về khu vực nhà máy.
.… đến tiềm năng xuất khẩu
Về tính năng, có thể khẳng định lớp tàu pháo TT-400TP do Việt Nam tự thiết kế và triển khai thi công không hề thua kém các tàu Svetlyak tương tự của Nga về vũ khí, trang bị mà còn vượt trội ở tốc độ cũng như cự ly hành trình.
Thậm chí, so với tàu pháo lớp M-58, được coi là “niềm tự hào” của ngành đóng tàu Thái Lan thì TT-400TP của Việt Nam hơn hẳn về nhiều mặt.TT-400TP có thiết kế kiểu module, các module độc lập đã lắp đặt sẵn trang thiết bị gần như hoàn chỉnh, được ghép với nhau theo phương thức tổng đoạn. Nhờ đó, tiến độ đóng tàu nhanh và có độ chính xác tuyệt đối.
Việc áp dụng Hệ thống Tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO-9001 đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tiến độ cũng như chất lượng cho mỗi con tàu. Đây là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc phải có nếu những con tàu này được xuất khẩu ra nước ngoài.
Về giá, TT-400TP rẻ hơn rất nhiều so với Svetlyak của Nga, chỉ riêng việc mua thiết kế sơ bộ từ nước ngoài đã giúp tiết kiệm khoảng 10 triệu USD cho Việt Nam. Giá nhân công cũng là một lợi thế cực lớn, giúp tiết giảm chi phí hơn nhiều so với tàu của Nga.
Về nguồn nhân lực, nếu xuất khẩu, Việt Nam không những thu được ngoại tệ (hoặc đổi hàng) mà còn duy trì và nâng cao tay nghề của đội ngũ kỹ sư, công nhân đóng tàu để hướng tới những lớp tàu chiến hiện đại hơn tự đóng trong nước.
Cách đây ít lâu, tờ Asia Times hé lộ rằng Philippines sẽ đặt mua một số tàu tuần tra cao tốc do Việt Nam đóng dưới sự hỗ trợ công nghệ của Nga.Tuy không nêu rõ loại tàu của Việt Nam mà nước này quan tâm, nhưng ứng viên sáng giá nhất có lẽ chính là tàu pháo TT-400TP hoặc biến thể tàu tuần tra TT-400 của nó.
Đại tá Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Nhà máy Z173 đã khẳng định:"Chúng tôi không chỉ dừng lại việc đóng tàu chiến cho đất nước mình. Xuất khẩu tàu chiến cũng nằm trong chiến lược phát triển của công ty".
Rõ ràng, Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu tàu pháo TT-400TP. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định.
Tàu pháp TT-400TP số hiệu 275 trên đường tới khu thử nghiệm. Ảnh: Quân đội nhân dân
Những rào cản cần vượt qua
Thứ nhất, cần có sự chấp thuận của đối tác nước ngoài. Mặc dù đây thực sự là con tàu do người Việt tự thiết kế, chế tạo, nhưng 2 cấu phần quan trọng nhất là hệ thống động lực cũng như vũ khí kèm hệ thống điều khiển hỏa lực đều do nước ngoài cung cấp.Nếu không có ràng buộc nào về việc cấm Việt Nam xuất khẩu cho một nước thứ ba thì quá tốt, công việc đơn giản là tìm kiếm khách hàng, đàm phán, ký hợp đồng, thi công và xuất khẩu như thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trong trường hợp có điều khoản ràng buộc chặt chẽ hoặc chưa rõ ràng, Việt Nam cần đàm phán để nhận được “cái gật đầu” của đối tác.Mục đích để tránh gặp phải những vấn đề pháp lý, ảnh hưởng tới quan hệ bạn hàng truyền thống cũng như việc cung cấp vũ khí, trang bị cho Việt Nam sau này.
Thứ hai, chúng ta có không nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing quốc phòng.Đơn giản là vì Việt Nam xưa nay hầu như chỉ đi mua vũ khí chứ không mấy khi xuất khẩu, nên việc thiếu kinh nghiệm marketing sản phẩm quốc phòng là đương nhiên.
Dù vậy, không khó để vượt qua rào cản này, điều quan trọng là phải có định hướng chiến lược chung về xuất khẩu sản phẩm quốc phòng chứ không chỉ riêng trường hợp tàu pháo TT-400TP.
Theo đó, phân định rõ những sản phẩm nào ưu tiên dùng trong nước, những sản phẩm nào dành cho xuất khẩu, có cân nhắc tới việc cân bằng mối quan hệ với các nước có liên quan.
Ngoài ra, cần có một cơ quan đầu mối điều phối chung hoạt động xuất khẩu vũ khí ở tầm quốc gia, như Nga có Rosoboronexport hay Ukraine có Ukrspetsexport.
Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm chung về việc tìm kiếm khách hàng, thay mặt các đơn vị sản xuất đàm phán về những hợp đồng xuất khẩu vũ khí.Bên cạnh đó, việc chuẩn bị tài liệu quảng bá kỹ càng, chuyên nghiệp, hấp dẫn giống như các công ty xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới cũng là điều cần được quan tâm đúng mức.Hy vọng trong tương lai không xa, sẽ có những con tàu pháo hiện đại của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo