Khám phá

Việt Nam sẽ có bản đồ công nghệ

Bản đồ công nghệ đang được các nhà quản lý xây dựng để đáp ứng yêu cầu về cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại trong lộ trình phát triển đến năm 2020. Theo đánh giá, nếu xây dựng và thực hiện thành công theo một bản đồ công nghệ phù hợp, Việt Nam sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư lãng phí và tình trạng trùng lặp trong các hoạt động R&D.

 Nhận định này được đưa ra tại cuộc hội thảo mới đây do Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia đã phối hợp với Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ-Bộ KH&CN tổ chức vấn đề xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam.

Trên cơ sở khảo sát kinh nghiệm thành công của quốc tế, Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ KH&CN, Tạ Việt Dũng đã đưa ra khả năng áp dụng vào Việt Nam như phương pháp hình thành vấn đề công nghệ liên quan đến sản phẩm, lĩnh vực lựa chọn (Nhật Bản, Hàn Quóc), đánh giá năng lực năng lực công nghệ, xây dựng nghiên cứu, xác định khoảng cách công nghệ (Australia), đánh giá độ sẵn sàng công nghệ (Singapore). Về nội dung đánh giá hoạt động công nghệ, xây dựng bản đồ công nghệ với gợi ý từ bảng tổng hợp hiện trạng chung của Nhật Bản, quá trình xây dựng lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ trên ba mức độ quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản), ngành, lĩnh vực (Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản), doanh nghiệp (Hàn Quốc, Singapore).

Bản đồ công nghệ phù hợp, Việt Nam sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư lãng phí và tình trạng trùng lặp trong các hoạt động R&D

Theo nhận định của các chuyên gia, để thiết lập bản đồ công nghệ trước hết cần khảo sát, tập hợp số liệu, hiện trạng KH&CN Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất. Trên cơ sở đó so sánh trình độ KH&CN của Việt Nam với các quốc gia khác để xem xét mối liên kết và khoảng cách trong trình độ của hai bên. Để hoàn thiện bản đồ công nghệ cần dự báo được khả năng tăng trưởng, tiềm năng phát triển trong ít nhất 15 năm tới. Bản đồ công nghệ nên được xây dựng theo các cấp độ từ quốc gia đến cấp bộ, ngành, phân ngành và doanh nghiệp.

Để hình thành bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam, những giải pháp ban đầu đã được đề cập tới. Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo cơ sở triển khai; xác định lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên; chuẩn bị nguồn lực; nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; lựa chọn cơ quan đầu mối quản lý; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xây dựng lộ trình và đổi mới công nghệ.

Tại hội thảo, đại diện các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào vấn đề xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ. Phần lớn các ý kiến đều đồng tình với chủ trương của BTC hội thảo, đồng thời đánh giá cao giá trị thiết thực của bản đồ công nghệ đối với chiến lược phát triển sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp khi cạnh tranh ở cấp quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên vấn đề khiến các đại biểu băn khoăn nhất là tính ứng dụng cao của bản đồ công nghệ khi đưa vào thực tiễn, bởi chỉ một chi tiết không hợp lý sẽ dẫn đến sự phát triển lệch hướng không chỉ của một doanh nghiệp mà còn cả một ngành sản xuất.

 

Theo Khám phá
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo