Việt Nam sẽ là cánh đồng, là góc bếp của thế giới
Nếu Trung Quốc tự hào là công xưởng của thế giới, thì Việt Nam có thể tự hào là cánh đồng, là mảnh vườn, là góc bếp của thế giới.
Nội lực, bản sắc của Việt Nam là nông nghiệp. Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ đem lại cơ hội cho ngành, mà còn là cơ hội của cả nền kinh tế. TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn trao đổi với chúng tôi về sứ mệnh, tương lai của ngành nông nghiệp với vận mệnh của kinh tế đất nước trong bối cảnh mới.
Nông nghiệp là vận hội mới của nền kinh tế
PV: Trong Thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Điều này nói lên điều gì, thưa ông?
Thông điệp của Thủ tướng đã khẳng định thêm tư duy mới trong đề án tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, đó là dựa vào cơ chế thị trường, phát huy nội lực và lợi thế của đất nước và từng địa phương.
Thời gian qua, trong tất cả các ngành kinh tế, nông nghiệp nổi lên là ngành đứng vững nhất. Dù ở trong điều kiện rất bất lợi: vốn đầu tư ít, xuất phát điểm thấp, cạnh tranh khốc liệt, cộng thêm các khó khăn, bất lợi từ thời tiết, dịch bệnh, nhưng ngành nông nghiệp vẫn luôn đi đầu trong đổi mới, là nền tảng trong xây dựng kinh tế. Mỗi khi đất nước khó khăn, nông nghiệp lại đỡ cho cả nền kinh tế. Trong điều kiện khó khăn, nhiệm vụ nặng nề mà nông nghiệp còn đứng vững, tăng trưởng khá, vậy nếu nhận được đầu tư đúng mức thì ngành nông nghiệp sẽ còn phát triển thế nào?
Trước đây, không ít lần, chúng ta đã coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nhất là trong các giai đoạn khó khăn, “hết gạo chạy rông nhất nông nhì sỹ”, nhưng ngay khi kinh tế khởi sắc, mọi chú ý lại đổ về lĩnh vực khác. Lần này, tôi hy vọng sẽ không như thế, và trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, nông nghiệp sẽ được đặt ở vị trí, vai trò quan trọng xứng đáng.
Chúng ta phải xác định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp không phải để đem lại cơ hội cho ngành nông nghiệp, mà là đem lại cơ hội cho cả đất nước.
Thực tế, sau những chiến công hiển hách trong lịch sử, có lẽ chỉ có những vị thế xuất khẩu nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới thu hút được sự nể trọng của bạn bè thế giới hôm nay. Ngành nông nghiệp nếu được đầu tư đúng mức, phát triển đúng hướng thì sẽ làm cho cả nền kinh tế ra khỏi cảnh khủng hoảng hiện nay, trở lại mức độ tăng trưởng như mong đợi. Đồng thời, trong tương lai, chính nông nghiệp sẽ là ngành có năng lực tạo tiền đề để các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển, với sắc thái đặc biệt của Việt Nam.
Việt Nam sẽ là cánh đồng, là góc bếp của thế giới
PV: Nói như vậy, nông nghiệp chính là sắc thái riêng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) Việt Nam?
CNH, HĐH của mỗi nước cần dựa vào thế mạnh riêng vốn có của nước mình. Hà Lan phát triển kinh tế bằng hoa tuy líp, sữa bò, công nghiệp sản xuất bia, công nghiệp sản xuất thiết bị điện gió… Họ phát triển theo cách riêng, dựa trên thế mạnh của mình.
Với Việt Nam, chúng ta phải CNH, HĐH bắt đầu từ nông nghiệp, lấy thế mạnh khởi đầu này để tích lũy vốn liếng, phát triển thị trường. Với 90 triệu dân, trong đó 70% dân số ở nông thôn, nếu nông nghiệp phát triển, người dân có việc làm, có thu nhập khá, thì sẽ có thị trường to lớn cho các ngành công nghiệp, dịch vụ tích lũy phát triển. Nếu phát triển mạnh, đi vào chất lượng, an toàn, nông nghiệp Việt Nam sẽ bước ra thị trường khổng lồ về nông sản cao cấp của thế giới, trước hết là thị trường Trung Quốc mênh mông.
Một nền nông nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp máy móc nông nghiệp, công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghiệp chế biến nông sản, phụ phẩm… Đồng thời, tạo ra cả một hệ thống dịch vụ vừa phục vụ nông nghiệp vừa phục vụ kinh tế nông thôn, vừa cung cấp dịch vụ chữa bệnh, du lịch, phục vụ thị trường thế giới.
Cho nên, nói đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nói về tương lai CNH, HĐH đất nước. Phải coi tầm chiến lược sản xuất nông nghiệp như sản xuất công nghiệp. Trên thực tế, một số ngành nông nghiệp như sản xuất giấy, cao su, hoa, rau sạch, bò sữa, thủy sản… nếu sản xuất theo công nghệ và quản lý hiện đại, thì mức độ đầu tư, mức độ công nghệ và hiệu quả của nó không khác biệt gì các ngành công nghiệp.
Tóm lại, tương lai của Việt Nam là CNH, HĐH theo bản sắc Việt Nam, đó là dựa vào nội lực, tiềm lực nông nghiệp của quốc gia. Nếu Trung Quốc tự hào nhận mình là công xưởng của thế giới thì Việt Nam có thể tự hào là khu vườn của thế giới, góc bếp của thế giới, là cánh đồng của thế giới - đó chính là tương lai của Việt Nam.
Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp: Một dự án hơn vạn lời tuyên bố
PV: Nông nghiệp là cơ hội để thay đổi vận hội của toàn bộ nền kinh tế. Nhưng cơ hội này có thành hiện thực hay không khi doanh nghiệp (DN), nông dân vẫn chưa yên tâm đầu tư vào nông nghiệp? Chính phủ vừa ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP, theo ông, liệu đây đã là sự đột phá để thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp?
Nghị định 210 dĩ nhiên là bước tiến so với Nghị định 61/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi trên, ta phải trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để DN đầu tư về nông thôn, nông nghiệp?
Tôi cho rằng, muốn DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cần phải có 2 động lực: lợi nhuận cao hơn, rủi ro thấp hơn. Cụ thể, nhà đầu tư phải có lợi nhuận thu về từ nông nghiệp, nông thôn ít nhất bằng đầu tư vào khu vực đô thị, thậm chí phải cao hơn. Nếu lợi nhuận cao, rủi ro thấp thì không cần kêu gọi, đầu tư sẽ ồ ạt đổ về nông nghiệp, nông thôn.
Vậy làm sao để lợi nhuận cao, rủi ro thấp? Muốn làm được điều này, không thể dựa trên các chính sách hỗ trợ “lặt vặt”, mà cần đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, lao động và đất đai.
Một hệ thống cơ sở hạ tầng hơn vạn lời tuyên bố, hơn vạn khẩu hiệu tuyên truyền. Không cần nói gì cả, chỉ cần lẳng lặng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, thể hiện bằng các dự án đầu tư cụ thể, lập tức, DN sẽ không ngại đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nghịch lý hiện nay là, cả ĐBSCL mênh mông nhưng chỉ có một đoạn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, không có đường sắt. Đường thủy vốn là thế mạnh trời cho của ĐBSCL thì bấy lâu bị bỏ rơi. Cho nên, ĐBSCL dù là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước, nhưng nông sản phải chảy ngược lên TP.HCM rồi mới xuất đi được các nơi. Chúng ta có 3 sân bay chở khách ở khu vực này (Rạch Giá, Cần Thơ, Phú quốc), nhưng không có đường cho vận chuyển nông sản.
Tại Tây Nguyên, vùng đất bazan màu mỡ, là nơi cung cấp cao su, hạt tiêu, hạt điều lớn cho cả thế giới…, song cũng không có đường sắt, đường cao tốc, tất cả hàng hóa nông sản phải đi xuống TP.HCM để tiêu thụ qua Quốc lộ 14 đang ngày càng xuống cấp. Điều kiện cơ sở hạ tầng như vậy thì làm sao có thể phát triển được?
Nước Nga khi muốn phát triển Xiberi đã xây dựng đường sắt đôi chạy xuyên Xiberi. Trung Quốc muốn phát triển vùng Tây Tạng đã mở đường sắt đôi, đường cao tốc chạy lên Tây Tạng... Tại Việt Nam, nơi nào mở đường, có điện, nước, thì dân lại đua nhau xây nhà, lập phố, cản cũng không được… Cho nên, muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, trước hết phải đầu tư cơ sở hạ tầng.
Sau cơ sở hạ tầng là nhân lực, bao gồm cả lao động phổ thông và người quản lý. Cần phải đào tạo lao động phổ thông có chất lượng tương đương khu vực đô thị. Tại ĐBSCL, vẫn có hiện tượng “học sinh ngồi nhầm chỗ”, bởi nhiều em tốt nghiệp lớp 3 mà vẫn chưa biết đọc, lớp 5 chưa biết tính. Với chất lượng nhân lực như vậy, sẽ không thể phát triển kinh tế tri thức theo chiều sâu được.
Vấn đề thứ ba là đất đai. Nếu muốn DN đầu tư về nông thôn thì phải có đất. Nếu chính sách chưa đảm bảo sự an toàn và thỏa mãn cho người dân bị thu hồi đất thì cũng chưa có sự an toàn và thuận tiện cho DN sử dụng đất. Nhất là với sản xuất nông nghiệp, mỗi dự án không chỉ cần vài ba ha đất, mà có khi cần tới hàng chục ngàn ha (như TH True MILK cần 37.000 ha đất).
Tóm lại, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, sau khi có cơ sở hạ tầng, nhân lực, đất đai, mới nói đến các chính sách hỗ trợ cụ thể khác. Nếu những yếu tố trên được đầu tư tương đương với khu vực đô thị, nhà đầu tư sẽ đổ về nông thôn. Và không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà các DN nước ngoài cũng ùn ùn đổ vào đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam.
PV: Nhưng chỉ riêng đầu tư cơ sở hạ tầng thôi, lượng vốn đòi hỏi sẽ rất lớn. E rằng ngân sách khó có thể đáp ứng?
Chả có nước nào ngân sách đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn mênh mông cả. Nhà nước chỉ đưa ra cơ chế, đưa ra chất xúc tác để thu hút vốn đầu tư. Đơn cử, chỉ cần Nhà nước xây dựng một đường cao tốc, thì ngay lập tức, các DN sẽ xuất hiện để xin đầu tư đường nhánh. Thậm chí, nếu đường cao tốc này ở địa bàn thuận lợi, Nhà nước không cần bỏ vốn, mà chỉ cần tạo quỹ đất sạch, DN sẵn sàng vào đầu tư theo hình thức BOT. Vốn là đấy chứ đâu?
Hiện nay, vốn trong cả nước rất nhiều, ứ trong ngân hàng, nằm trong các DN tư nhân đang thiếu kênh đầu tư. Vốn trên thế giới còn nhiều hơn nữa. Cho nên, vấn đề không phải là thiếu tiền mà là chính sách. Đầu tư cũng không thể dàn trải, trước hết tập trung vào các vùng chuyên canh, các mặt hàng chiến lược có lợi thế nhất, vào các hạng mục then chốt nhất, các doanh nghiệp và toàn dân sẽ theo đầu tư.
PV: Như ông nói, vốn đang ứ rất nhiều. Vậy xem ra đây là thời điểm thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp?
Nếu nền kinh tế cứ phát triển như trước kia, chẳng ai nghĩ cần đầu tư vào nông nghiệp. Vì khi đó, nền kinh tế bị bóp méo, người ta chỉ cần kiếm cơ hội làm ăn chụp giật, đào tài nguyên lên bán, chặn nước làm thủy điện, lấy đất xây nhà đầu cơ với giá trên trời… là đã có lời.
Trong điều kiện đó, không ai nghĩ cần đến lợi thế đất nước là những vùng nông nghiệp xa xôi. Nền kinh tế như vậy không thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, phát triển con người, giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Một nền kinh tế như thế bao giờ cũng phải trả giá.
Tuy nhiên, chính lúc phải trả giá như hiện nay sẽ giúp chúng ta nhìn lại chân giá trị, nhìn lại nền kinh tế thực, nhìn lại lợi thế đất nước, nhìn lại sức mạnh Nhân dân, nhìn về sự phát triển bền vững và về tương lai con cháu ta. Đây hoàn toàn là cơ hội để ta tái cơ cấu nền kinh tế.
Hay nói đúng hơn, đây là cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy, một nền kinh tế phải phát triển dựa vào lợi thế. Đối với Việt Nam - đó là nông nghiệp.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo