Tin tức - Sự kiện

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan 981 trở lại

Ngày 16/7, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và " yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại.

Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

 
Theo Tân Hoa xã tối ngày 15/7, Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Quốc (COSL) – công ty con của Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết, giàn khoan “Hải Dương Thạch Du 981” (HYSY 981) do công ty này quản lý, vận hành đã kết thúc hoạt động khoan thăm dò (trái phép) tại “vùng biển đảo Tri Tôn, quần đảo Tây Sa” (thực chất là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), họ đã thu được các thông tin địa chất có liên quan.
 
Theo tuyên truyền của bài báo, "hoạt động khoan thăm dò (trái phép) này đã tiến hành thuận lợi, không bị ảnh hưởng bởi tình hình biển và thời tiết xấu như gió bão. Đồng thời, dự án được quản lý có hiệu quả, đã tối ưu hóa thiết kế giàn khoan, nâng cao hiệu suất hoạt động, đã bảo đảm hoạt động khoan thăm dò (trái phép) hoàn thành thuận lợi theo thời gian xác định".
 
Theo kế hoạch, giàn khoan HYSY 981 sẽ chuyển địa điểm, đến hoạt động tại dự án Lăng Thủy, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
 
Trước thông tin này, ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và " yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại”.
 
Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp l‎ý, các luận cứ của Trung Quốc nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5/2014 và ngày 9/6/2014 của Đại biện phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng Thư k‎ý Liên hợp quốc lần lượt trong các văn bản A/68/887 và A/68/907.
 
Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế
 
Cần phải khẳng định ngay rằng tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng tranh chấp này không phải là nguồn gốc của căng thẳng gia tăng hiện nay tại Biển Đông, mà căng thẳng này cần phải được giải quyết bằng cách áp dụng các quy tắc và thủ tục được quy định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
 
Ngày 2/ 5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý. Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.
 
Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và tiến hành khảo sát thăm dò địa chấn 2D, 3D từ năm 2005.
 
Những lần như vậy, Việt Nam đều đã cử tàu dân sự thực thi pháp luật ra yêu cầu Trung Quốc không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đã nhiều lần tiếp xúc ngoại giao, trao công hàm kiên quyết phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc, gồm một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 5/8/2010 và ngày 8/8/2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
 
Từ ngày 2/5/2014 đến nay, Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm, tiếp xúc trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam – hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong các công hàm và tại các lần tiếp xúc này, Việt Nam luôn yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
 
Để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc triển khai hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình và hình ảnh được thực hiện bởi các phóng viên quốc tế được Việt Nam mời ra hiện trường cho thấy rõ ràng các hành động bạo lực và hung hăng của Trung Quốc như đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu của Việt Nam, làm bị thương hàng chục cán bộ và đâm hỏng nhiều tàu của các cơ quan thực thi pháp luật dân sự của Việt Nam và đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam (ngày 26/5/2014) mà không xem xét đến an toàn và tính mạng của ngư dân Việt Nam.
 
Các hành động của Trung Quốc đã không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với những người đi biển.
 
Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
 
Các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác đã liên tục bị Trung Quốc khước từ
 
Kể từ khi tình hình căng thẳng hiện nay bắt đầu vào đầu tháng 5 năm 2014, Việt Nam đã nỗ lực hết sức liên lạc và đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và nhiều cấp khác nhau để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên bắt đầu đàm phán ngay lập tức để ổn định tình hình và quản lý các vấn đề trên biển giữa hai nước, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, các điều khoản có liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và các thỏa thuận khác giữa hai nước. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc ngoại giao với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, trong đó gần đây nhất là cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 18 tháng 6 năm 2014. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn nhất quyết từ chối rút giàn khoan Hải Dương-981 cũng như tiến hành đàm phán thực chất về tính pháp lý của các hành động của Trung Quốc.
 
Trung Quốc phải tôn trọng các quyền của Việt Nam được xác định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
 
Cụ thể, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981, tàu và các phương tiện, thiết bị khác khỏi vùng biển của Việt Nam và không xâm phạm vùng biển của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam trịnh trọng yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tránh để căng thẳng kéo dài và tránh dẫn đến xung đột giữa hai nước.
 
Rút giàn khoan, nhưng Trung Quốc vẫn hung hăng
 
Rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam và dịch chuyển về đảo Hải Nam, nhưng Hồng Lỗi - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn rêu rao rằng quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền cố hữu của Trung Quốc. Vị trí tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc trên biển không phải thuộc khu vực tranh chấp, mà hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.
 
Trong suốt hơn 2 tháng hạ đặt trái phép giàn khoan 981, thế giới đã có nhiều cuộc hội thảo và khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bằng chứng lịch sử cũng khẳng định, ngay cả các quốc gia phương Tây đã thừa nhận Việt Nam có chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII.
 
Trong khi đó, Trung Quốc không đưa ra được một chứng cứ lịch sử (khoa học) nào để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa (thực chất là xâm chiếm của Việt Nam). Thế nhưng khi hạ đặt trái phép giàn khoan 981, các tàu của Trung Quốc lại rất hung hăng, tìm cách tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt là hành động vô nhân đạo đâm chìm tàu cá của Việt Nam và ngăn cản các tàu Việt Nam cứu ngư dân trên con tàu bị đâm chìm. Trước những hành động sai trái bị dư luận thế giới lên án, Hồng Lỗi vẫn tiếp tục hăm dọa bằng luận điệu: “Sẽ sử dụng các biện pháp thiết yếu nhằm bảo đảm an toàn tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc”.
 
Trước sự việc này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh quân khu IV nhận định: “Chúng ta không bao giờ được phép chủ quan trước hành động của Trung Quốc. Mỗi bước đi, hành động của họ đều ẩn chứa dã tâm rất lớn, vì vậy hành động lần này chẳng qua là cách ru ngủ ta mà thôi, rồi họ tiến tới đàm phán và đòi hỏi đáp ứng nhiều thứ có lợi cho họ. Nếu chúng ta tin tưởng họ thì chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với nhiều việc còn nguy hiểm hơn cả giàn khoan 981”.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo