Vinalines hạ kế hoạch xuống 68.000 tỉ
Trong báo cáo giải trình gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải ngày 10/5, Vinalines đã điều chỉnh kế hoạch mua đội tàu với số vốn huy động giảm 1/3 so với dự kiến ban đầu. Theo Vinalines, kế hoạch trước đây (chi 100.000 tỉ đồng đầu tư đội tàu mới giai đoạn 2012 - 2020) dựa trên cơ sở kế hoạch đầu tư tàu của các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Tổng công ty.
Cụ thể, Vinalines xây dựng kế hoạch đầu tư khoảng 1,5 triệu tấn (tổng mức khoảng 30.000 tỉ đồng) giai đoạn 2011 - 2015 và 3,5 triệu tấn (tổng mức khoảng 70.000 tỉ đồng) giai đoạn 2016 - 2020 thông qua hình thức mua tàu đang khai thác và tàu đóng mới. Tuy nhiên, do thị trường vận tải biển chưa có dấu hiệu hồi phục, Vinalines đã xây dựng lại kế hoạch đầu tư đội tàu giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.
Không sử dụng vốn cấp từ ngân sách
Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư khoảng 1,1 triệu tấn (khoảng 22.000 tỉ đồng), trong đó có 29 tàu đóng mới với tổng trọng tải khoảng hơn 920.000 tấn và mua tàu đang khai thác khoảng 190.000 tấn. Đến năm 2015, tổng trọng tải đội tàu toàn Tổng công ty đạt khoảng 3,9 triệu tấn, bằng khoảng 43% trọng tải đội tàu quốc gia.
Vì sao làm trái quy định ? Trả lời câu hỏi tại sao lại mua nhiều tàu cũ, tàu quá niên hạn? một lãnh đạo của Vinalines dẫn ra lý do năng lực tài chính và lý giải: “Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải không được mua tàu quá niên hạn 15 tuổi, nhưng có thể do năng lực tài chính không thu xếp được để đầu tư tàu trẻ, nên doanh nghiệp phải mua tàu già hơn, về Việt Nam không được treo cờ, phải mượn cờ nước khác. Ở giai đoạn vận tải biển phát triển tốt năm 2006, mua tàu già về tháng sau là có lãi, do giá tàu lên. Đây là bài toán kinh doanh đầu tư của một vài doanh nghiệp nhỏ. Khi kinh tế vận tải đi xuống, tàu đó thành gánh nặng, vì không có khách hàng, không có tiền trả nợ nên lỗ, bán cũng khó vì giá tàu xuống”. Ông này cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã nhìn nhận ra yếu điểm trong mô hình tổ chức khi nhiều doanh nghiệp thành viên chỉ sở hữu quản lý một, hai tàu, đây đều là các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, phụ thuộc Tổng công ty, gây lãng phí nguồn lực. Ví dụ có công ty chỉ có hai con tàu nhưng vẫn phải có đầy đủ bộ máy, an toàn, khai thác”. |
Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến kinh tế thế giới và thị trường vận tải biển bắt đầu hồi phục, các doanh nghiệp vận tải biển sẽ có điều kiện tăng tích lũy, nên Vinalines cho biết sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư 2,5 triệu tấn (khoảng 46.000 tỉ đồng), đến năm 2020, trọng tải đội tàu toàn Tổng công ty đạt khoảng 5,6 triệu tấn, bằng 44% trọng tải đội tàu quốc gia. Như vậy, tổng trọng tải đầu tư đội tàu tới năm 2020 của Vinalines so với kế hoạch ban đầu đã giảm đi 1,4 triệu tấn, tương ứng giảm đi 34.000 tỉ đồng vốn cần huy động.
Vinalines khẳng định, nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư tàu sẽ được huy động chủ yếu từ vốn vay thương mại, vốn huy động từ thị trường chứng khoán và vốn tự có. Vinalines không sử dụng nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư tàu, riêng chương trình đóng mới tàu biển tại các nhà máy thuộc Tập đoàn Vinashin sẽ tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Bao giờ hết cảnh “mua tàu cho thuê” ?
Trao đổi với PV, lãnh đạo Vinalines cũng thừa nhận, mua tàu về cho thuê định hạn ra ngoài chỉ là phương thức ngắn hạn. Chưa kể, điều này mang lại nhiều rủi ro, tranh chấp phát sinh do người thuê tàu, người cung ứng dịch vụ nợ, không thanh toán được dẫn tới tranh chấp mà gần như phần thua thiệt đều rơi vào chủ tàu là Vinalines. Ông này thừa nhận: “Vì chưa tìm được chân hàng, quản lý chưa tốt, áp lực về chi phí lưu động cho tàu lớn, không huy động được nên phải cho thuê”.
Rõ ràng, với thực trạng Vinalines hiện nay, việc có nên đổ thêm gần 70.000 tỉ đầu tư đội tàu mới vẫn cần tính toán kỹ. Theo TS Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), trước mắt Vinalines cần tái cơ cấu theo hình thức bán hết các con tàu cũ, kể cả bán sắt vụn, hạch toán minh bạch lỗ lãi của Tổng công ty, làm sạch sổ sách, nắm được nguồn tiền thực có trước khi đưa ra các kế hoạch đầu tư mới.
Ông cho rằng, việc rót hàng chục nghìn tỉ đồng đầu tư thêm tàu là không hợp lý, bởi cốt yếu là vấn đề thị trường. Để cạnh tranh phải để doanh nghiệp tự tổ chức, tự kết cấu, cần tàu container thì đóng tàu container, cần tàu chuyên dùng đóng tàu chuyên dùng.
Theo ông Thứ, cần thay đổi mô hình tổ chức, cổ phần hóa theo hướng nhà nước nên rút dần vốn, chỉ giữ tỷ lệ nhỏ vốn nhà nước, tạo điều kiện cho các thành phần khác tham gia. Mặt khác, để chấm dứt cảnh mua tàu về chỉ để cho thuê, Vinalines và các doanh nghiệp vận tải hàng hải khác phải liên kết được bảo hiểm, ngân hàng, nhà xuất nhập khẩu trong nước, mới giành được quyền vận tải và tạo được đội tàu mạnh.
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất