Vinalines là một trong số những Tổng công ty nhà nước phải cổ phần hóa đã đề xuất được loại tài sản khỏi danh mục xác định giá trị doanh nghiệp.
Cụ thể, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines đã kiến nghị loại 5 con tàu gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Vinalines cũng xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng gồm một tàu 1.800 TEU và các tàu Liberty, Victory và Mercy.
Trước thông tin này, PV đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương.
Phải tự cải tổ cho tốt nhất
Theo TS Võ Trí Thành, đứng về xúc cảm, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã làm ăn be bét giờ lại muốn được nhà nước hỗ trợ, nhân dân tất nhiên không thể giơ tay đồng tình. Nhưng cũng cần nhìn nhận một cách lý trí hơn.
TS Võ Trí Thành nhắc lại câu chuyện cổ phần hóa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT thời gian qua. VNPT đề xuất khi tách Mobifone, Mobifone gánh theo 60 đơn vị khác trực thuộc VNPT với con số thua lỗ vào khoảng 1.600 tỷ đồng. Mobifone chịu cũng có thể không quá là vấn đề gì, còn VNPT đỡ gánh nặng và quá trình cải tổ nhanh hơn song Thủ tướng lại không đồng ý với đề xuất này.
Việc không chuyển những gánh nặng từ VNPT lại giúp cho giá của Mobifone cao hơn chẳng hạn, hình ảnh Mobifone tốt hơn… Rõ ràng Mobifone có lợi, không mất chi phí để giải quyết chỗ nợ có thể sẽ đẹp hơn trong mắt nhà đầu tư. Tác động của hai phương án đối với VNPT và Mobilefone là khác nhau, song tác động (ròng) và tác động chung có thể với nền kinh tế là khác nhau.
"Theo tôi, đối với các phương án cải tổ DNNN đưa ra, nhà nước cần nhìn nhận lợi ích tổng thể, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của cả nền kinh tế. Điều này cũng liên quan đến câu chuyện Vinalines. Lý tưởng nhất, trong lúc khó khăn, bức xúc của xã hội như hiện nay thì doanh nghiệp phải cố gắng tự cải tổ cho tốt nhất", TS Võ Trí Thành nói.
TS Võ Trí Thành cũng nhận định từ trường hợp như Vinalines chứng tỏ đang có một xu hướng xin ưu đãi để tái cơ cấu. TS Thành cho rằng, đứng ở góc độ vi mô là điều dễ hiểu. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn thật, cũng có những kiến nghị hợp lý vì vừa qua có những chuyện do doanh nghiệp gây ra nhưng cũng có nguyên nhân khách quan.
Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành lưu ý, doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn có thể trình lên một phương án, với những điểm A, điểm B, có điểm doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, nhưng phải lý giải rằng đây là cách hiệu quả theo nghĩa chi phí thời gian và sau tái cấu trúc, lợi ích thu được phải đủ bù đắp phí tổn (bao gồm cả lợi ích doanh nghiệp tạo ra và mức độ lan tỏa cho nền kinh tế.
TS Võ Trí Thành đặc biệt nhấn mạnh, bài học lớn là trong bối cảnh hết sức khó khăn của nền kinh tế và cái nhìn giữa một bên là vi mô, lợi ích của doanh nghiệp và một bên là tổng thể nền kinh tế, nên cần xuất phát từ thực tế cũng như cần cả sự ép buộc từ trên xuống, vì nếu chỉ từ doanh nghiệp, có nguy cơ họ chỉ nhìn từ họ. “Điều này cũng rất đơn giản, đó là lợi ích của doanh nghiệp. Nhà nước cần phải nhìn nhận, tính toán tổng thể và cả xuất phát từ hoàn cảnh thực tiễn. Nhiều chỗ áp đặt là cần thiết, nhưng áp đặt cũng phải dựa trên tính toán có thể”, TS Thành nói.
Theo phân tích của TS Võ Trí Thành, muốn quá trình trên diễn ra tốt nhất có 2 điều phải thực hiện. Thứ nhất, phải có các chuyên gia độc lập phân tích đánh giá các phương án, họ không bị các xung đột lợi ích chi phối. Thứ hai là việc giám sát khách quan cách thức cải cách, thay đổi và quá trình thực thi.
TS Võ Trí Thành chỉ thẳng những điểm còn hạn chế ở Việt Nam là nhiều khi không hoàn thiện được hai vấn đề đã nêu trên, dựa nhiều theo “chế độ báo cáo” nên sự khách quan chỉ ở mức độ vừa phải.
Điểm hạn chế nữa là vấn đề nguồn lực, nhân lực và tài lực cho quá trình cổ phần hóa các DNNN. “Nếu trước mắt làm ngay vài trăm doanh nghiệp sẽ không đủ nguồn lực, chính vì vậy, cần tập trung ưu tiên xử lý các trường hợp liên quan đến nguồn lực lớn, dòng tiền lớn, có ý nghĩa xã hội chính trị lớn.
Nhà nước có thể không đủ chuyên môn hoặc cũng có thể có quan hệ tương tác đối với các doanh nghiệp do chính mình đẻ ra, nên tính độc lập khách quan khi nhìn nhận các phương án xử lý, giám sát thực thi là rất quan trọng”, TS Thành nói.
Xin ưu đãi để cổ phần hóa?
Trả lời câu hỏi, nếu các đề xuất của Vinalines được thông qua liệu có đồng nghĩa với việc tiền ngân sách của nhà nước đã từng chi ra cho nó vì thế mà mất thêm không, TS Võ Trí Thành cho biết, về mặt nguyên tắc doanh nghiệp đã dùng tiền nhà nước, gây thiệt hại thất thoát mà lại đòi hỏi sự hỗ trợ, đặc biệt là sự hỗ trợ liên quan đến tiền nhà nước thì rất khó được chấp nhận.
Song về mặt lý trí, phải nhìn nhận rộng hơn. Nếu để doanh nghiệp tự loay hoay, cũng có thể sẽ tìm được phương án, song tổn phí kinh tế - xã hội có thể cao hơn trong trường hợp có hỗ trợ hoặc lợi ích thu được trong dài hạn cho cả nền kinh tế thấp hơn thì cũng nên cân nhắc phương án hỗ trợ. Cổ phần hóa DNNN còn là vấn đề lòng tin thị trường đối với tiến trình cải cách. Và điều này rất liên quan đến cách thức cải tổ DNNN, sau cải tổ về cơ bản vẫn là DNNN hay tư nhân.
“Chúng ta đều biết sở hữu nhà nước gắn với DNNN bao giờ cũng có 2 vấn đề không thể giải quyết triệt để. Một là vấn đề giữa người đại diện và bên chính yếu rất dễ sinh ra xung đột lợi ích, “tôi chưa chắc đã làm vì cái chung, vì tôi chỉ là đại diện” và vấn đề thứ 2 là “rủi ro đạo đức”, vì là tiền chùa và trách hiệm không hoàn toàn gắn chặt, nên tôi làm ẩu tôi lại được cứu chữa. Hai vấn đề này không thể giải quyết được triệt để với sở hữu nhà nước, chỉ có thể giảm thiểu”, TS Thành nói.
Đưa ra nhận xét về quá trình cổ phần hóa các DNNN thời gian vừa qua, TS Võ Trí Thành nói: “Mặc dù quyết tâm hơn để đẩy nhanh cổ phần hóa và đã có sự quyết liệt hơn của nhà nước, “ép buộc gắn với thưởng phạt”, song làm được trên thực tế cũng không đơn giản vì do cơ chế quản lý ở Việt Nam. Ngoài ra, việc này cần nguồn lực lớn, không thể xử lý trong một ngày, chưa kể còn gắn với lợi ích khác nhau”. Song ít nhất chúng ta đã khá đồng lòng về việc là phải đẩy mạnh cải cách, nhất là cải cách DNNN vì đây là khu vực thiếu hiệu quả và gây nhiều bức xúc xã hội.
TS Võ Trí Thành khẳng định, rất cần thiết phải minh bạch, rõ ràng quá trình cổ phần hóa, vừa phải làm cương quyết nhưng cũng phải bình tĩnh, tìm những đối tác chiến lược tốt. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu quả DNNN mà còn góp phần làm quá trình cải cách được minh bạch mà trong bối cảnh có nhiều bức xúc xã hội thì chỉ minh bạch thì mới hỗ trợ đẩy nhanh thêm quá trình cải cách.
“Cách làm vừa qua, các phương án tái cấu trúc DNNN chủ yếu là đề xuất từ dưới lên. Kiến nghị từ dưới lên có thể có thể có điều hợp lý, nhưng nguy cơ xung đột lợi ích cũng có thể không nhỏ. Giải trình dựa trên lợi ích tổng thể và minh bạch hóa sẽ hỗ trợ tạo dựng niềm tin và qua đó cả tiến trình cải cách. Câu chuyện xử lý, tái cấu trúc Vinashin vẫn là một bài học buồn, song đáng nhớ”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Báo Đất Việt