VN sẽ không nhân nhượng rút tàu để đàm phán với TQ
Chiều nay (9/5), Hội Luật gia VN đã tổ chức họp báo tại Hà Nội tuyên bố về việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN
Chủ trì họp báo là các luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội luật gia VN, Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội, Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.
Tuyên bố quan điểm của Hội Luật gia VN do ông Lê Minh Tâm nêu rõ: Ngày 2/5, TQ hạ đặt giàn khoan HD 981 tại vị trí đặt sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. Các tàu hộ tống giàn khoan này như tàu hải cảnh, hải giám của TQ với sự yểm trợ của máy bay, đã dùng vòi rồng tấn công và đâm vào các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư VN.
Việc này khiến nhân dân VN phẫn nộ, cộng đồng quốc tế quan tâm và cực lực phản đối. Việc làm này xâm phận nghiệm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vi phạm UNCLOS và DOC cũng như các thỏa thuận giữa hai bên.
Các tàu TQ đã cố tình đâm vào các tàu chấp pháp của VN, gây thiệt hại về tài sản và đe doạ nghiêm trọng tính mạng, bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của VN, vi phạm UNCLOS mà chính TQ là thành viên, đi ngược lại DOC với cam kết kiềm chế các hoạt động gây phức tạp làm leo thang xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
TQ cho rằng đây là hoạt động tác nghiệp bình thường là điều vô lý vì các việc VN đang làm là nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và EEZ của VN, được các nước công nhận và cùng hợp tác. Trong khi TQ làm chỉ dựa trên yêu sách đơn phương, không được quốc gia nào khác công nhận.
Hội Luật gia VN cực lực phản đối việc này, yêu cầu TQ dừng ngay các hoạt động bất hợp pháp, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển này, không để tái diễn các hành động tương tự, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Không ai có quyền thăm dò và khai thác ở thềm lục địa nước khác mà không có sự thỏa thuận rõ ràng của các bên liên quan. Yêu cầu TQ thực hiện nghiêm túc DOC cũng như kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới bảo vệ công lý và luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Không có chuyện VN rút tàu rồi đàm phán
Báo Pháp luật TP.HCM đặt câu hỏi: Hội luật gia VN có quan hệ với hội luật gia TQ và các nước khác không, có gửi tuyên bố cho các cơ quan đó không?
Ông Lê Minh Tâm: Hội có có quan hệ với Hội luật học TQ, cơ quan có tính chất, thành phần giống Hội Luật gia VN. Hai bên có các hoạt động chung hàng năm. Dựa trên tôn chỉ mục đích của Hội thì trong các hoạt động với phía bạn đều trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật.
Hội Luật gia VN sẽ có thông báo với Hội Luật học TQ về các hoạt động của mình, còn việc gửi tuyên bố trên bằng con đường chính thức thì còn phải cân nhắc.
Ông Phạm Quốc Anh: Từ trước đến nay không có thông lệ này vì đây là quan hệ giữa hai nhà nước. Nhà nước ta bằng các cuộc họp báo và làm việc với phía TQ đã thông báo đầy đủ, chúng tôi không trực tiếp gửi và không đặt ra vấn đề này.
Báo Pháp luật TP.HCM tiếp tục hỏi: TQ mới đây đã gợi ý VN rút các tàu của mình ra khỏi khu vực rồi sẽ tiến hành đàm phán, vậy ông Trần Công Trục bình luận gì?
Ông Trần Công Trục: Đề nghị này là không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười. Vị trí giàn khoan nằm sâu trong vùng EEZ và thềm lục địa VN, không dính dáng gì đến vùng biển mà họ gọi là Tây Sa cũng như vùng họ gọi là chồng ấn tính từ các đường cơ sở đã công bố.
Vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền VN, các lực lượng VN đang làm việc bình thường, không có chuyện rút tàu rồi đàm phán.
VN sẵn sàng đàm phán hòa bình, không để xung đột ảnh hưởng đến hòa bình, ta kiên trì, kiềm chế những không phải bằng mọi giá. Thái độ của TQ khi đưa ra gợi ý đó là gây sức ép và không bình thường, chắc chắn không bao giờ VN làm việc vô lý đó.
Báo Quân đội nhân dân: Việc này theo luật pháp quốc tế sẽ xử như thế nào?
Ông Trần Công Trục: Căn cứ UNCLOS, các tiêu chuẩn cụ thể cho phép các quốc gia ven biển mở rộng phạm vi vùng biển của mình, vùng này nằm hoàn toàn trong EEZ và thềm lục địa VN, việc TQ đưa giàn khoan vào sâu như vậy là vi phạm UNCLOS, là hậu quả của việc vận dụng, giải thích có ý đồ của phía TQ để lợi dụng công ước để biến thành tài sản riêng của mình, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, để đạt được mục tiêu của mình trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Công ước đã có chế tài, quy tắc, thủ tục để các bên đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về luật biển, ta hoàn toàn có thể làm điều đó. Philippines đã làm rồi với bộ hồ sơ dày và đầy đủ, kiện lên một hội đồng trọng tài quốc tế có 5 thành viên, hồ sơ đang được thụ lý, nhận được sự đồng tình ủng hộ trong nước họ, khu vực và thế giới, vụ việc đang tiến triển tốt.
VN cũng là thành viên Công ước và cũng có thể làm điều hết sức chính đáng đó như một biện pháp hòa bình. Trong nội dung đàm thoại giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với người đồng cấp TQ cũng nêu rõ: VN sẵn sàng áp dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để xử lý vấn đề này. Việc đưa vấn đề này lên các cơ quan tài phán quốc tế là bình thường, đúng đắn và văn minh trong một xã hội hiện đại.
Đời sống và Pháp luật: TS Trần Công Trục nói VN có thể thực hiện các biện pháp hòa bình, văn minh để giải quyết. Liệu VN sau vụ TQ đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế thì có cần phải tiến hành biện pháp này ngay chưa hay còn tùy thuộc vấn đề nào?
Có ý kiến cho rằng VN hoàn toàn có thể tịch thu giàn khoan HD981 của TQ để thực hiện quyền tài phán và chủ quyền ở Biển Đông. Ý kiến của các luật gia?
Nếu tình hình tiếp tục leo thang, VN nên có những giải pháp nào?
TQ lên tiếng gợi ý hai nước nên ngồi vào bàn đàm phán phán. Công luận đưa ra ý kiến, trước khi ngồi vào đàm phán, VN nên yêu cầu TQ rút giàn khoan, các phương tiện về rồi mới ngồi vào bàn đàm phán. Ý kiến của các chuyên gia luật?
Người Lao Động: Các mạng xã hội cho hay, ngày mai, cuối tuần, người dân ở HN và TP HCM sẽ có hoạt động biểu lộ lòng yêu nước, tức biểu tình. Luật Biểu tình ở VN vẫn chưa có. Xin hỏi các luật gia ý kiến người dân biểu thị lòng yêu nước thế nào?
Hội Luật gia có động thái nào nghiên cứu toàn diện vấn đề tư pháp và luật pháp quốc tế trên Biển Đông và có chuẩn bị dịch ra các ngôn ngữ Anh, Pháp, TQ để VN không bị rơi vào thế bị động?
Ông Trần Công Trục: Về nguyên tắc, chủ trương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nói VN sẵn sàng áp dụng tất cả các biện pháp để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Một trong những biện pháp không thể không nói đến là sử dụng các cơ quan tài phán.
Các cơ quan chức năng VN đang chuẩn bị, thậm chí đã chuẩn bị rồi, đã làm điều này lâu rồi. Bây giờ thì lúc hoàn thiện nó lên. Chúng ta không nên sốt ruột vì việc này nói không phải làm ngay. Nhưng muốn làm phải có chuẩn bị chu đáo. Vì khi làm phải nắm phần thắng. Phải đề ra các khả năng, thậm chí lực lượng luật gia của chúng ta phải chuẩn bị vào trận, chuẩn bị kỹ, đưa ra được các diễn đàn của các tài phán.
Tôi nghĩ không sớm thì muộn thì điều đó có thể xảy ra. Với ý kiến cá nhân, tôi nghĩ, trong lúc này, thế mạnh của VN là pháp lý. Chắc chắn chúng ta nắm điều đó đảm bảo cho lợi ích của chúng ta.
Ông Lê Minh Tâm: Chuyện tịch thu giàn khoan trả lời rất khó. Vì chúng ta nghiên cứu, khai thác, cũng như giải đáp các câu hỏi xoay quanh việc thực thi pháp luật như thế nào, tính chính đáng, hợp pháp của nó ra làm sao. Chúng ta khẳng định hành động của TQ là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Việc giải quyết cụ thể thể nào?
Trong tuyên bố của Hội Luật gia VN, chúng ta yêu cầu TQ phải rút ngay giàn khoan đó ra khỏi vùng thuộc chủ quyền của VN. Đấy là khẳng định của Hội Luật gia VN, còn có tịch thu được không thì câu chuyện đó khó trả lời.
Về việc nhân dân muốn thể hiện lòng yêu nước của mình tại HN, TP HCM, chúng tôi chưa nắm thông tin.
Liên quan pháp luật, câu hỏi nêu vấn đề cũng đồng thời là câu trả lời. Đó là luật Biểu tình chưa thông qua. Nhưng ở VN, giải quyết các vấn đề cũng có các cơ sở pháp luật khác nhau để giải quyết. Làm thế nào để kết hợp hài hòa những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp lý. Tôi tin các cơ quan hữu quan, dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ có sự xử lý hợp lý.
Về nghiên cứu Biển Đông, Hội có 2 Viện nghiên cứu: 1 đặt tại TP HCM là Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế. Hà Nội có Viện nghiên cứu kinh tế và pháp luật ASEAN.
Tuy nhiên chúng tôi chưa có một viện nghiên cứu, tổ chức riêng vì Hội với đội ngũ nhiều nhưng có hai cơ sở thường xuyên có mối quan hệ đặc biệt, đó là có chi hội ĐH Luật TPHCM và chi hội ĐH Luật HN. Ở đó có đội ngũ nghiên cứu. Khi cần đến chúng tôi kết hợp và nghiên cứu.
Chúng tôi có một cơ sở đặc biệt là Viện Quan hệ quốc tế của GS Quý. Chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ và cùng nhau hợp tác nghiên cứu.
5 năm qua, hàng năm Hội đều chủ trì, phối hợp với Học viện Ngoại giao và một số đơn vị khác mời các khách quốc tế để tổ chức hội thảo lớn về Biển Đông, với chủ đề Biển Đông vì an ninh và ổn định ở khu vực.
Tham dự hội nghị hàng năm, một năm tại HN, một năm tại TP HCM, thường có 200 đại biểu VN và quốc tế, năm ít 28 nước tham gia, năm nhiều 38 nước tham gia. Đó là đóng góp của VN, các chuyên gia VN và quốc tế phân tích các khía cạnh khác nhau đề xuất các hướng để các nước tham gia giải quyết trên tinh thần Công ước Luật Biển, luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải và sự an toàn, bảo đảm cho sự phát triển ổn định của khu vực.
Ấn phẩm Hội có một tạp chí tiếng Anh xuất bản đăng kịp thời, có những lần làm chuyên san về Công ước Luật Biển bằng tiếng Anh.
Pháp luật TPHCM: Hội có gửi Tuyên bố này đến phía TQ hay không? Những tổ chức quốc tế mà Hội có quan hệ có gửi không?
Ông Phạm Quốc Anh: Từ trước đến nay không có thông lệ gửi bản này. Đây là mối quan hệ giữa hai Nhà nước. Nhà nước VN bằng cuộc họp báo cũng như những văn bản của Bộ Ngoại giao đã có tuyên bố rồi, chúng tôi không gửi thêm cho Hội Luật học TQ mặc dù Hội Luật gia VN có quan hệ khăng khít với Hội Luật học TQ.
Nếu kiện, chúng ta sẽ thắng?
Tuổi Trẻ: Nếu kiện ra tòa án quốc tế, VN có khả năng và niềm tin thắng không? Thời gian dự kiến nếu kiện diễn ra bao lâu vì như kinh nghiệm của Philippines cho thấy thời gian khởi động khá dài? VN nên có chuẩn bị như thế nào?
Đánh giá của ông Trần Công Trục về thời điểm mà TQ đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN ở Biển Đông?
Việc tham gia kiện TQ tại thời điểm này có thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Trần Công Trục: Nếu VN kiện TQ về những hành động trên biển vừa rồi, chúng ta có tin thắng không? Nói khách quan, với tư cách người nghiên cứu vấn đề này, với tất cả kinh nghiệm của tôi, nếu chúng ta đưa vụ kiện này lên tòa án trọng tài quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế thì chúng ta sẽ thắng lợi. Chắc chắn như vậy. Vì sao? Tôi từng nói tại nhiều diễn đàn vì chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, có đầy đủ cơ sở có thể kiện.
Việc kiện có những thủ tục. Trong lúc này đừng nghĩ chung chung kiện bất kỳ nội dung gì mà có thể kiện TQ việc họ giải thích và áp dụng sai Công ước LHQ Luật Biển 1982. Còn nếu kiện TQ xâm chiếm chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa, hay kiện phân định các ranh giới thì có thể khó vì phải có sự thỏa thuận của cả đôi bên người ta mới thụ lý được.
Nên chúng ta sẽ làm điều chúng ta có quyền làm đúng thủ tục. Nếu làm được chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều thuận lợi, thu được thành công.
Tất nhiên khi kiện lên tòa có nhiều yếu tố, không chỉ đơn thuần về pháp lý, chân lý mà còn nhiều vấn đề khác. Đó là thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, thái độ của đương sự, thái độ của ủy viên tham gia vào hội đồng xét xử, nhiều cuộc lobby vận động. Muốn làm chúng ta phải chuẩn bị nhiều biện pháp đảm bảo cho tiếng nói chân lý được trở thành hiện thực.
Thủ tục thông thường phải qua nhiều công đoạn. Phi làm mấy năm nhưng vẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục. Chúng ta cần kiên trì. Chí ít nếu chúng ta làm thì có thể nói với thế giới VN có niềm tin đối với chân lý. VN tôn trọng và có trách nhiệm của mình trong việc tận dụng, sử dụng Công ước Luật Biển 1982 với tư cách là một than quả của nhân loại và nhân loại sử dụng để giải quyết tranh chấp vì lợi ích chính đáng của các dân tộc, vì thế giới hòa bình và ổn định.
Sự tính toán nham hiểm của TQ
Về thời điểm TQ đưa giàn khoan vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN, tôi cho rằng khi họ bước một bước mới này họ đã tính toán.
TQ đã tính vào thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là các nước phương Tây, Mỹ, Nga đang có bận rộn ở Ukraina, nhân loại đang hồi hộp chờ xem điều gì đang xảy ra ở đó. Vấn đề Biển Đông mà người ta từng quan tâm không còn là vấn đề số 1 nữa.
Hoa Kỳ mặc dù tuyên bố mạnh mẽ nhưng vẫn lưu ý đến khu vực mà họ sát sườn hơn: Trung Đông, Ukraina, nên TQ lợi dụng thời điểm này để nhảy vào. TQ cũng lợi dụng thời điểm các nước trong khu vực dù có tiếng nói thống nhất nhưng vẫn còn yếu tố của sự chia rẽ mà họ đã thực hiện chính sách chia rẽ khu vực này để triển khai. Rồi họ dựa vào thái độ, phản ứng của các quốc gia có lợi ích trực tiếp và gián tiếp trong quá trình họ thăm dò thử thách. Vì vậy đưa giàn khoan vào thời điểm này là sự tính toán nham hiểm của TQ mà ta cần lưu ý.
VN sẽ vận dụng luật Biển có hiệu lực mới đây trong xử lý vấn đề này như thế nào? Hội có hoạt động tuyên truyền luật này?
Ông Lê Minh Tâm: Chúng tôi làm theo cách của một tổ chức phi chính phủ. Tôi muốn nói thêm, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt trước hành động của TQ, VN đã thông báo với tất cả các hội luật gia trên thế giới, trong đó có tổ chức quan trọng là Hội Luật gia dân chủ thế giới với 92 nước thành viên. Chúng ta đã đề nghị. Tháng 11 năm ngoái, hội này đã ra một tuyên bố ủng hộ VN giải quyết vấn đề ở Biển Đông theo đúng Công ước Luật Biển 1982.
VN và TQ đều là thành viên của Công ước Luật Biển nên trong tuyên bố Hội đã đề nghị TQ phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật Biển. Chúng ta sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, tiếp tục đấu tranh đòi TQ phải thực hiện như vậy. Căn cứ Công ước, tất cả các thành viên nếu phát hiện thấy các vi phạm anh có thể kiện nếu thấy có đủ điều kiện và phía Chính phủ, còn Hội sẽ có ý kiến để có thể tham vấn, đề xuất. Chúng ta là tư cách hội chuyên môn thì khẳng định hành động của TQ vi phạm Công ước Luật Biển.
Để giải quyết vấn đề này chắc cũng không phải chỉ có Công ước luật Biển và một số giải pháp nhất định, nó còn phụ thuộc vào toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta, trong đó có Hiến pháp, gốc của các vấn đề.
Thế mạnh lớn nhất của Hội Luật gia VN là phân tích, lý giải các vấn đề pháp lý, là căn cứ quan trọng để đưa ra các ý kiến tư vấn. Đảng và Nhà nước chắc cũng cần sự đóng góp của Hội ở khía cạnh đó là nhiều. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò và tác dụng của nhiều tổ chức khác nữa.
Vì vấn đề này còn kéo dài lâu, VN có nên tổ chức nên các quỹ cụ thể để đóng góp cho những người trực tiếp tham gia ngăn chặn cũng như cuộc đấu tranh pháp lý sau này không? Hội có sẵn sàng đứng ra lập một quỹ như vậy không?
Ông Lê Minh Tâm: Ở VN đã có những tổ chức tự nguyện như vậy do các nhà nghiên cứu ngoại giao, luật gia lập ra. Còn đối với Hội Luật gia VN, việc lập quỹ có những thủ tục nhất định. Hội cũng đang dự kiến lập quỹ mang tên Chủ tịch đầu tiên của hội, luật gia nổi tiếng Phan Anh. Quỹ đó nếu lập ra sẽ có một phần làm giải thưởng cho những người có công nghiên cứu về luật pháp quốc tế, đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền nói chung và an ninh, hợp tác trên Biển Đông nói riêng.
Đời sống Pháp luật: Ông Trần Công Trục nhận định thế nào về một số ý kiến cho rằng đây là bước đi có ý đồ thâm hiểm của TQ? Và ông dự báo thế nào về các bước đi tiếp theo của TQ trong mưu đồ lấn chiếm Biển Đông?
Ông Trần Công Trục: Đúng như vậy, trước khi gây ra bước tiến mới này, TQ đã làm nhiều chuyện, không chỉ gần đây mà từ lâu rồi, trên rất nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, thông tin truyền thông, đặc biệt là các hoạt động trên thực tế, từng bước từng bước với những động cơ khác nhau như thăm dò, đe dọa, răn đe, để rồi tính toán đến thời điểm này làm việc này.
Đây là bước tiến rất quan trọng, rất nguy hiểm của TQ, là kết quả tất yếu mà TQ đã bày binh bố trận từ khá lâu rồi. Tôi tin là với quyết tâm của TQ, họ sẽ không dừng lại ở bước đi này mà còn tính toán để bước tiếp để thực hiện ý đồ mà họ đã công bố công khai bằng đường lưỡi bò chiếm đến 85% diện tích Biển Đông.
Đó là điều họ quyết tâm làm bằng được, nhưng làm được hay không, làm lúc nào thì cũng phụ thuộc vào chúng ta, phương thức, cách làm của chúng ta để ngăn cản những bước tiến đó.
Nhân đây tôi cũng xin đặt vấn đề: Điều quan trọng nhất đối với loại việc này là ta không chỉ nói nguyên tắc, mà phải có những bộ máy, tập hợp những chuyên gia nghiên cứu để đưa ra những nhận định, đánh giá, thông tin chuẩn xác cho lãnh đạo, cho các lực lượng có phương hướng, phương án cụ thể, hiệu quả.
Hơn nữa, trong khi chúng ta đang cố gắng phát huy thế mạnh pháp lý, đưa lên các cơ quan tài phán thì vai trò của các luật gia, luật sư cực kỳ quan trọng, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh pháp lý. Hội Luật gia VN phải tập hợp được những người chiến sĩ có trình độ, tâm huyết để làm tròn sứ mệnh mà chúng ta đang phải gánh vác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng