Vợ chồng 50 năm sống biệt lập giữa rừng Quảng Trị
Ngồi trong căn nhà sàn ở cuối bản Ba Ngày (xã Tà Long, huyện Đăkrông, Quảng Trị), ông Hồ Văn Ky (75 tuổi) nói không biết đến khi nào mới nguôi nỗi nhớ rừng, nhớ căn nhà sàn cùng nương lúa nếp vàng óng giữa thung lũng Ka Ruông.
Ông cho hay, hai vợ chồng đã 50 năm sống biệt lập ở thung lũng Ka Ruông, cách bản gần nhất hai giờ đi bộ đường rừng. “Nay già yếu, đôi chân đã biết mệt khi đi rẫy, đôi tay không còn nhanh nhẹn khi cầm cây dao, nên bố mẹ về ở với con trai út”, ông Ky nói.
Từ đầu tháng 5 vừa rồi, ông trở về với con cháu, cuộc sống có nhiều tiện nghi hiện đại, được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, nhưng đôi mắt ông luôn đượm buồn.
Ông kể bố và ông nội đều sống ở Ka Ruông. Bấy giờ còn có một vài hộ dân khác sống cùng, nhưng các hộ khác đã bỏ đi trong thời chiến tranh. Năm 25 tuổi, chàng thanh niên Hồ Văn Ky lập gia đình với chị Hồ Thị Tươm, rồi sinh sống biệt lập ở Ka Ruông.
Sống giữa rừng, hai vợ chồng gần như tự cung tự cấp, không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, không đường xe đi, ít người qua lại. Những người vào với ông Ky thường là dân đi rừng đặt bẫy hoặc lực lượng an ninh tuần tra trên khu vực biên giới.
Ông trồng lúa nương, mỗi vụ kéo dài hơn nửa năm cho thu hoạch 15-16 bao lúa. “Chừng đấy lúa chỉ ăn được ba đến bốn tháng. Bố mẹ phải ăn thêm ngô, khoai, rồi nhiều cây trái từ rừng”, ông Ky kể. Vợ chồng ông Ky còn canh tác thêm bí đỏ, ngô, thuốc lá, chăn trâu và đặt bẫy bắt chuột và gà rừng.
Vợ chồng ông cũng nuôi lợn, chăn trâu. Trâu của dân bản Ba Ngày đưa vào gửi, ông đều nhận chăn không tính công. Đổi lại, người dân tặng ông ít nhu yếu phẩm.
Thung lũng Ka Ruông chật hẹp, nhưng đất đai màu mỡ, cho ra những sản vật nức tiếng cả vùng. Sau vụ thu hoạch, ông Ky gùi bí đỏ, thuốc lá, lợn, gà và dắt cả trâu… ra trung tâm xã Tà Long để đổi gạo, mắm muối đưa vào. “Từ thung lũng ra ngoài này hết năm tiếng đi bộ. Bố phải đi từ hôm trước, ngủ qua đêm, sáng hôm sau đổi hàng rồi quay vào”, ông Ky nhớ lại. Khoảng năm năm trở lại đây, bản Ba Ngày có đường xe máy vào đến nơi nên ông Ky chỉ cần ra đến bản là đổi được hàng.
Hai vợ chồng ông sinh được năm con gái, hai trai, khi lớn lên, những đứa trẻ được gửi ra ở nhà em trai ông ăn học, rồi lập gia đình và sinh sống tại đây. Đến nay, còn người con trai út Hồ Văn Hùng chưa lập gia đình.
Con gái của ông Ky, chị Hồ Thị Rim sống ở bản Ba Ngày, thỉnh thoảng mang hai con trai lên thăm ông nội. Chiều về, khi ông Ky mang lưới ra suối, hai đứa cháu bì bõm theo sau gỡ từng con cá.
Đưa ngón tay chỉ những cánh rừng thênh thang phía trước bản làng, ông Ky bảo “cánh rừng đó là bố giữ, cánh rừng kia cũng bố giữ. Nếu bố không giữ họ cưa hết gỗ rừng rồi. Sống ở rừng, mỗi sớm mai nghe tiếng gà gáy là thích lắm”.
50 năm sống giữa rừng, ông Ky học được biết bao kỹ năng sinh tồn. Ông nắm rõ thói quen của từng con thú, nhưng thỉnh thoảng ông chỉ đánh bẫy chuột và gà rừng, vì theo ông đó là hai loài sinh sản nhanh. Những cái cây, hòn đá, con suối... đã quá đỗi thân quen đối với ông.
"Nhiều người bảo bố ra làng sống, bố có ra thử nhà con gái nhưng khoảng hai ngày là thấy buồn lòng. Mẹ cũng không muốn đi. Ở đây có gạo nếp, có cá suối, có rau rừng... đủ để sống ngày trẻ thì khi tuổi già đến vẫn sống được. Bố ở lại đây để giữ lời hứa bám đất giữ rừng với bố mẹ, trước đây rừng rậm, thú dữ họ vẫn bám được mà", ông Ky bộc bạch.
Anh Hồ Văn Liêu, trưởng thôn Ba Ngày nói vợ chồng Hồ Văn Ky thuộc quản lý hành chính của thôn, nhưng sống biệt lập giữa rừng già. “Vợ chồng ông Ky sống gắn bó với rừng, góp phần giúp thôn giữ rừng, chưa từng có vi phạm gì”, anh Liêu nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mùa Tết của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây
Đi chợ Tết ngày cuối năm - Nét văn hoá của người Việt
Cần Thơ bắn hơn 1.000 quả pháo hoa mừng Tết Nguyên đán
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Ngành đường sắt bán hơn 434.000 vé trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Thời tiết mùng 1 Tết Ất Tỵ (ngày 29/1/2025): Bắc Bộ trưa chiều trời nắng