Vợ chồng già bán nhà, nuôi con người khác ăn học
Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Hùng quyết bán căn nhà nơi chôn rau cắt rốn của mình để có tiền lên Sài Gòn thuê chỗ trọ, mở lớp học I tờ cho những đứa trẻ lang thang nơi đầu đường xó chợ, vốn chẳng thân thích gì với mình.
Bán nhà, đi ở trọ, mở lớp học I tờ
Cứ vào chạng vạng tối, ngôi nhà trọ đầu đường Liên khu 5 – 11 – 12, P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân lại vang lên những tiếng ê a của trẻ đang học lớp vỡ lòng. Nơi ấy, những nét cong, nét thẳng đầu tiên dưới bàn tay của con trẻ đã được vợ chồng ông Đoàn Minh Hùng (sn 1962) rèn rũa thành hình hài con chữ.
Thấy có khách đến thăm, mấy chục đứa trẻ vòng tay đồng thanh: “Chúng con chào các cô ạ!” rồi lại tiếp tục nắn nót viết từng chữ cái. Mặt mũi đứa nào cũng sáng sủa và ngoan ngoãn nên khó lòng nhận ra trước đây chúng là những giang hồ nhí, lang thang nơi đầu đường xó chợ.
Tranh thủ lúc lũ trẻ ngồi luyện chữ, ông Hùng pha trà mời khách. Ông thở dài: “Hôm nay còn thiếu mấy đứa. Chắc các con còn bận đi kiếm sống cùng cha mẹ, chưa kịp về”.
Theo ông Hùng, những đứa trẻ này đều là con của những người lao động nghèo quanh xóm ngụ cư. Đứa thì đi bán vé số, đứa lượm vé chai, đứa thì đi bốc vác, nhặt trái cây ở chợ, có đứa từng là ăn cắp vặt. Chúng chưa từng được một lần cắp sách đến trường, suốt ngày chỉ lo kiếm sống rồi đánh đấm, chửi rủa lẫn nhau bằng những lời lẽ thô tục.
“Mới mấy tuổi đầu đã sống như vậy rồi, mai mốt lớn lên không biết chúng có ra hồn người?” Câu hỏi ấy luôn dày vò tâm can ông Hùng khiến ông nảy sinh ý định sẽ gom tất cả lũ trẻ lại và dạy miễn phí cho chúng biết con chữ.
Ý tưởng này đưa ra ngay lập tức được bà Nguyễn Thị Kim Chi (vợ ông Hùng) chấp nhận, bởi nó cũng hợp với ý bà. Khi biết tin, lũ trẻ nhảy cẫng lên vì sung sướng nhưng chỉ có chục đứa được gia đình chấp nhận cho tham gia vào lớp học này.
“Buổi đầu tiên được 10 đứa trẻ gọi làm thầy, bàn tay gân guốc vẫn được cầm phấn viết bảng, được nghe chúng ê a đánh vần, được cầm cuốn sách, được phát những quyển vở mới tinh… giây phút ấy, tôi đã khóc òa vì hạnh phúc”, ông Hùng nhớ lại.
Thế nhưng khó khăn bắt đầu xuất hiện khi số trẻ được bố mẹ đưa đến ngày một đông khiến căn nhà trọ của ông bà chật cứng. Hàng đêm, ông nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: Làm thế nào có thể nhận hết được lũ trẻ vào học bây giờ? Bởi sau một thời gian dài chật vật mưu sinh bằng nghề sửa cân dạo, còn vợ ông bán hoa quả ở Sài Gòn, vợ chồng ông mới thuê được căn nhà trọ gần chợ Phú Lâm. Nhà lại có thêm 2 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi học thì lấy tiền đâu mà thuê một căn nhà trọ rộng rãi thêm nữa.
Sau nhiều đêm trằn trọc, ông bàn với vợ sẽ bán căn nhà nơi chôn rau cắt rốn ở Bà Rịa – Vũng Tàu. “Lúc đầu tôi không đồng ý vì bán nhà rồi sau này già cả lấy chỗ gì mà ở, còn con còn cái nữa. Nhưng không bán thì ổng sẽ day dứt suốt cả đời. Cuối cùng, chúng tôi quyết định về quê bán đất”, bà Chi nói.
Cầm số tiền 200 triệu đồng từ ngôi nhà mới bán, ông bà liền thuê một căn nhà trọ ở Q. Bình Tân với giá 3,5 triệu đồng/tháng. Song số lượng học sinh vẫn tăng vụt vụt lên thành 90 em nhỏ, ông bà lại thuê thêm một gian bên cạnh mới đủ phục vụ nhu cầu của lũ trẻ. Và để có tiền trả chi phí cho việc học của lũ trẻ, ông bà phải kiếm sống cật lực từ việc bán đĩa dạo, mài dao kéo và quán cơm chay 8.000 đồng của mình. Còn lũ trẻ, ban ngày tỏa đi khắp nơi kiếm sống cùng cha mẹ, đêm về lại sang lớp học này để được học đọc, học viết.
Lũ trẻ giang hồ bỗng thành ngoan hiền
Chông chênh với cơm áo gạo tiền nhưng vợ chồng ông Hùng vẫn chưa một lần hối hận về quyết định bán nhà của mình. Không những vậy, ông bà còn nhận nuôi thêm nhiều em nhỏ không nơi nương tựa. Điều đặc biệt, những đứa trẻ vốn lang thang đầu đường xó chợ, không thân không thích với mình nay đã trở nên ngoan ngoãn lạ thường.
“Trước đây, chúng thường văng tục và đánh đấm lẫn nhau. Giờ chúng bỗng ngoan hiền đến lạ, luôn dạ, thưa, lễ phép với người lớn. Những tật như ăn cắp vặt cũng không còn. Mừng nhất là đứa nào cũng viết chữ thành thạo”, ông Hùng tươi cười nói.
Em Phú, 13 tuổi cũng tâm sự, em vốn không còn cha mẹ từ nhỏ, cuộc sống cơ cực đã biến em thành đứa trẻ cứng đầu. Phú luôn tụ tập những đám trẻ gần đó nghịch ngợm, cư xử ngang tàn. Chỉ đến năm 10 tuổi, Phú tình cờ được ông Hùng nhận nuôi rồi dạy đọc, dạy viết, dạy làm toán, Phú thay đổi hoàn toàn tính nết. Hiện Phú đã học đến lớp 5.
Hiện tại, lớp học được chia thành 2 căn. Một căn dạy trẻ đang tập đọc, tập viết do “cô giáo” Ngân là con gái ông Hùng mới đang học lớp 7 dạy. Một căn dành cho các cháu học nâng cao do “thầy giáo” Tùng đang là sinh viên đại học – con trai ông phụ trách. Nhiều sinh viên biết chuyện cũng thường lui tới giúp đỡ ông bà dạy chữ cho lũ trẻ.
Ông Hùng cho biết thêm, ông cũng đang hướng nghiệp cho những em đã quá tuổi đi học học lấy cái nghề. Còn những em có khả năng học tiếp lên đại học, ông bà cũng sẵn sàng đi làm để nuôi các em ăn học đàng hoàng.
Thấm thoắt, lớp học đã mở được 4 năm, mái tóc ông Hùng cũng bạc gần hết và đôi bàn tay chai sạn vì mưu sinh. Nhưng với ông Hùng, đó là cả niềm vui, niềm hạnh phúc lúc tuổi già của ông.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo