Vỡ mộng đổi đời
Quê nghèo chẳng kế sinh nhai ngoài mấy sào ruộng, bà Võ Thị Oanh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mang sổ đỏ căn nhà đang ở đi cầm cố chạy gần 100 triệu đồng để con trai sang Belarus với mong mỏi gia đình bớt khổ cực.
Tám tháng trôi qua, con chưa gửi được đồng nào về quê, bà lại phải tất tả chạy vạy để kiếm tiền gửi ngược qua để con về nước. Tối 11-9, anh Lê Văn Phong (20 tuổi), con trai bà Oanh, thở phào nhẹ nhõm khi về tới TP.HCM, bỏ lại những ngày cùng cực nơi đất khách quê người.
Cầm hộ chiếu lấy tiền sống qua ngày
20 tuổi, cái tuổi lẽ ra vẫn đang ngồi giảng đường nhưng học xong lớp 12, Phong phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình rồi bôn ba xứ người. “Em làm cho Công ty Mobile Center (MC), lương hợp đồng là 500 USD/tháng. Em nhẩm tính mình đi làm khoảng một năm thì hoàn vốn, trả được nợ ngân hàng, lấy được sổ đỏ về nhưng tám tháng sau vẫn chưa gỡ gạc được đồng nào” - Phong ngậm ngùi kể.
Nhiều người lao động VN làm tại MC cho biết hầu như chẳng tháng nào họ được trả đủ 500 USD. Riêng Phong bắt đầu làm từ cuối tháng 1-2014, lương tháng 2 bị giữ lại để thanh toán vé máy bay lượt về nên đến cuối tháng 3 mới nhận được 365 USD, chỉ đủ góp tiền mua nồi niêu, tiêu vặt.
Từ tháng 4 đến hết tháng 6-2014, MC thậm chí không trả lương mà chỉ ứng tiền ăn, hẹn lần hẹn lữa sẽ trả nợ lương. “Nói là ứng tiền ăn mà mỗi tháng có 500 tiền Belarus, ăn được vài ngày là hết”, một lao động sang Belarus từ tháng 6-2013 cho biết.
Sau nhiều tháng chịu đựng, đến 12-7, hơn 100 lao động VN đang làm việc tại MC đồng loạt nghỉ việc. Không tiền, họ sống tằn tiện, đói khát, mỏi mòn chờ công ty bên VN sang giải quyết, đến những khu chợ người Việt nhờ giúp đỡ, xin tiền, xin gạo, xin xương gà... Ít ngày sau khi nghỉ việc, nhóm của Phong lại bị chủ trọ đuổi đi vì đã nhiều tháng công ty không đóng tiền. Họ gom vào ở chung với nhóm lao động sang trước, cứ 20 người chen chúc trong căn phòng vỏn vẹn 14m².
“Sống khổ lắm. Suốt hai tháng trời, ngày ăn qua loa, tối đi hái rau, hái ngô trộm. Đông người chen chúc nhau mà ở, điện yếu, cơm bữa sống bữa chín. Người bán điện thoại, người đi cầm hộ chiếu để có tiền sống” - Phong kể. Chính Phong cũng phải cầm hộ chiếu cho một người Việt để lấy 6 triệu đồng.
Theo phản ảnh của người lao động, đến ngày 31-7, hai công ty VN đưa họ sang Belarus mới cử người sang viện trợ “mỗi người 9 lạng gạo và sáu quả trứng”.
Họ đưa ra hai phương án: thanh lý hợp đồng về VN, hoặc chuyển sang một công ty khác, còn tiền nợ lương công ty sẽ cố gắng đòi nhưng nhiều công nhân không đồng ý. Không lâu sau đó chín công nhân VN đã bị cảnh sát bắt giam và bị trục xuất về nước vì họ kiên quyết đứng trước đại sứ quán yêu cầu giải quyết quyền lợi.
Bị trục xuất cũng có nghĩa là đã vi phạm hợp đồng với công ty VN. Những cái hợp đồng mà họ đã bỏ bao nhiêu tiền ra để có được giờ chỉ còn là tờ giấy lộn.
Chán nản, thất vọng, nhiều người lao động, trong đó có Phong, đăng ký về nước. Nhưng riêng Phong phải chờ đợi thêm cả tuần vì cầm hộ chiếu, không có tiền chuộc nên phải chờ mẹ gửi tiền sang.
Từ hồi Phong đi, tháng nào mẹ Phong cũng tằn tiện, gom góp đóng lãi ngân hàng hơn 1 triệu đồng/tháng. Cha của Phong liệt đã lâu, bị chèn dây thần kinh, đau nhức liên miên nên ra vào viện liên tục.
Bà mẹ quê hiền lành chẳng một lời oán thán nhưng giọng nghe đau xót: “Hắn còn hai đứa em, đứa lớp 8, đứa mới xong lớp 12 vào miền Tây làm bưng bê hơn tháng nay. Tháng rồi em hắn phải xin ứng trước 3 triệu đồng để gửi về lo cho đứa út vào năm học mới. Không có tiền thì cũng phải cố vay mượn để gửi sang cho hắn được về nhà”.
Bà chẳng dám nghĩ tới căn nhà nương náu của cả nhà đã đem cầm mà hạn trả nợ ngân hàng chẳng còn bao lâu.
Thôi đành nhắm mắt làm liều
“Tính chuyến này là chuyến cuối, kiếm ít tiền về làm ăn, ở bên bố mẹ già không đi đâu nữa. Sang châu Âu làm thuê nghe cũng có vẻ yên tâm, chắc chắn nên lần này cầm cố hai sổ đỏ của bố mẹ và người thân để có gần 100 triệu đồng lo chi phí đi tiếp. Không ngờ số mình nó bạc” - giọng anh V.V.T. (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sang Belarus từ tháng 6-2013 qua điện thoại nghe ngao ngán.
Anh kể: “Ở quê làm nghề xây phập phù thu nhập chẳng bao nhiêu nên mới qua đây, cứ nghĩ bên Tây làm ăn đàng hoàng hơn nhưng rồi cũng vậy. Làm thiếu một ngày thì phạt cả trăm đô mà làm dư ra lại không được trả thêm”. Đi làm đã một năm ba tháng mà anh mới chỉ gửi được 1.300 USD về cho gia đình.
Trải qua những ngày cùng cực ở Belarus, cha mẹ cũng đã 70 tuổi không người chăm sóc, anh T. vẫn đăng ký chuyển sang công ty mới bởi anh nghĩ nhà đã cầm cố và có cả nhà anh, chị nên “thôi đành nhắm mắt làm liều”, cố vớt vát.
Anh tâm sự: “Mấy ngày nay bọn anh vẫn phải đi xin, đi hái rau cỏ về ăn. Ở đây chỉ còn chừng một tháng, hai tháng nữa là sang mùa đông dài 5-6 tháng. Mùa đông bên này lạnh lắm, tuyết rơi liên miên, có khi âm 26-27 độ, công trình cũng không có nhiều, chẳng biết làm được bao nhiêu, nhưng anh làm gì còn chọn lựa nào khác. Có nghèo mới lặn lội đến tận nơi xa xôi làm công việc nặng nhọc này. Có mấy ai ở đây không phải cầm cố nhà cửa để có tiền đi làm”.
Người lao động gửi thư kêu cứu
Ngày 4-9, ông Đỗ Hải Phong - phó phòng phụ trách thị trường tại Belarus của Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco) - cho biết công ty cùng với chi nhánh Công ty cổ phần IDC tại Hà Nội đã đưa hơn 100 người lao động sang Belarus làm việc cho đối tác của họ là Công ty MC nhưng từ tháng 4-2014 bắt đầu xảy ra tình trạng chậm lương.
Hiện nay người lao động chưa được thanh toán lương tháng 5, tháng 6 và một phần lương tháng 4.
Ông Phong cho biết phía công ty VN đã cử đại diện sang làm việc với Công ty MC và phía MC đã cam kết sẽ trả số nợ lương còn lại vào ngày 30-9.
“Về nguyên nhân nợ lương, phía MC cho biết là do một phần chất lượng công việc không đảm bảo, công nhân làm việc đình đốn khiến tiến độ nghiệm thu công trình bị chậm, kéo theo khó khăn tài chính cho nhà thầu” - ông Phong nói thêm.
Theo thông báo của Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao, đầu tháng 7-2014 người lao động đã gửi thư kêu cứu đến Đại sứ quán VN tại Belarus.
Theo yêu cầu của Đại sứ quán, Cục di trú (Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - thương binh và xã hội Belarus) đã xác minh MC nợ ba tháng lương, vi phạm pháp luật lao động của Belarus và họ sẽ thu hồi giấy phép lao động của công ty này.
Tính đến nay, ngoài 13 người tự nguyện về nước, chín người bị trục xuất, một người tử vong, 19 người đã bỏ trốn vượt biên, 75 lao động đã chuyển sang làm việc cho công ty khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam