Thị trường

Vốn của dân phải được bảo tồn ở mức cao nhất thị trường

Ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định, trong tiến trình đẩy nhanh cổ phần hóa DN nhà nước thời gian tới thì vấn đề quan trọng nhất ở đây là vốn của dân là phải bảo toàn, tức là bán với giá cao nhất theo thị trường, trừ trường hợp là không thể bảo toàn được, tức là bán dưới giá ban đầu đưa ra đối với DN hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ.

Ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính

 Phải minh bạch để xóa bỏ nghi ngờ tiêu cực

Theo ông Đặng Quyết Tiến, quyết định số 929 cho phép sắp xếp lại ngành nghề, xác định ngành nào là ngành kinh doanh chính cần nắm giữ, ngành nghề nào không có hiệu quả thì phải xây dựng lộ trình để cổ phần hóa. Doanh nghiệp (DN) nào khó khăn thì cắt lỗ, có DN thì làm tốt, có DN không làm được. Chính vì vậy, thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ nói luôn là có đủ thời gian để rà soát rồi, có đủ hệ thống thể chế rồi, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu khởi sắc, không còn lý do để trì hoãn như trước đây nữa đặc biệt là thị trường chứng khoán yếu, thể chế chưa hoàn thiện.
 
“Vấn đề là phải minh bạch trong việc xác định DN nào làm ăn thua lỗ thật. Với những DN lỗ anh bán bằng mệnh giá thì nhà đầu tư cân nhắc để mua. Trong trường hợp đã minh bạch rồi, đưa lên thị trường thì thị trường quyết định giá, mọi nhà đầu tư hoàn toàn có thể kiểm soát được giá mua - giá bán. Nếu không minh bạch thì nói cao hay thấp đều không có căn cứ”, ông Tiến nhận định.
 
Vị Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp tiếp tục đặt ra vấn đề quan trọng nhất là phải minh bạch thông tin và cơ chế giám sát phải đồng bộ với nhau.
 
“Trước đây, DN bán với giá nào cũng có sự nghi ngờ nhất định rằng liệu có bán sát giá thị trường không, liệu có tiêu cực không. Bây giờ các quy chế, thể chế đã đầy đủ hết rổi. Năm 2013, Bộ Tài chính rất nhanh (xây dựng 6 nghị định) giờ đã đủ hết thể chế rồi, cứ thế mà làm. Nghị định 171 về minh bạch về thông tin, khi đã minh bạch rồi, nhà đầu tư biết và họ tự thực hiện quyền giám sát, bán với giá nào, cao hay thấp đều do nhà đầu tư quyết định. Không thể có chuyện vì sao DN tốt thế này mà lại chỉ bán được giá này. Tốt hay không do thị trường quyết định”, ông Tiến nói.
 
Nói về 8 đề án cổ phần hóa (trong đó riêng ngành giao thông có tới 6 đề án), ông Tiến bình luận: “Bộ trưởng Đinh La Thăng làm tốt vì ông ấy quán triệt được từ trên xuống dưới trong ngành giao thông vận tải, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo DN. Tôi đã gặp nhiều lãnh đạo tổng công ty xây dựng công trình giao thông, ai cũng khẳng định không thể lùi được tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn. Đại diện chủ sở hữu các DN trong ngành GTVT là Bộ trưởng Thăng và chính đại diện chủ sở hữu này quyết định và chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình”.
 
Cản trở quá trình cổ phần hóa sẽ bị cách chức
 
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa phải đảm bảo minh bạch, bảo toàn vốn của dân.
 
Theo nhận định của ông Đặng Quyết Tiến, quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa có vai trò vô cùng quan trọng của người lãnh đạo, và rất may là Thủ tướng đã có thông điệp rõ ràng, nếu lãnh đạo nào cản trở quá trình cổ phần hóa sẽ bị cách chức.
 
“Nếu xác định thoái vốn, cổ phần hóa, là trọng tâm, là nhiệm vụ phải thực hiện thì họ sẽ tập trung làm, tìm cách để đưa ra giải pháp còn nếu lãnh đạo nào trần chừ thì tiến trình này cũng chậm lại. Thủ tướng nhắc đi nhắc lại trong thông điệp đầu năm là trách nhiệm người đứng đầu. Thể chế xong, lộ trình xong, thị trường ủng hộ và như vậy chỉ còn là tổ chức thực hiện, mà thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu”, ông Tiến chia sẻ.
 
Tuy quá trình cổ phần hóa cần phải được đẩy nhanh hơn nữa, nhưng theo ông Tiến, vấn đề quan trọng nhất ở đây là vốn của dân là phải bảo toàn, tức là bán với giá cao nhất theo thị trường, trừ trường hợp là không thể bảo toàn được, tức là bán dưới giá ban đầu đưa ra đối với DN hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ.
 
Ông Tiến cho rằng: “Khi anh minh bạch và công bố công khai thì nhà đầu tư sẽ quyết định giá nào. Nếu anh công khai và có lộ trình, nếu thấy hiệu quả thì nhà đầu tư trả giá hợp lý, tức là phải trả cho thị trường quyết định giá, và như vậy thì nhà đầu tư mới yên tâm bỏ vốn, chứ người ta bỏ vốn vào, DN vẫn thua lỗ, vấn đề không chỉ là mất vốn mà là mất lòng tin của nhà đầu tư.
 
Nghị định 71 quy định là chủ sở hữu quyết định cái này còn chủ sở hữu phân cấp hay không phân cấp. Chủ sở hữu là người thay mặt cho dân vì đây là vốn nhà nước. Các đồng chí lãnh đạo phải chủ động rà soát lại quy trình để thực hiện đúng theo quy trình, khẩn trương thoái vốn vì càng để lâu càng nguy hiểm, vì nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ có khả năng mất vốn. Đây là sức ép nhưng là sức ép mang tính tích cực để cho tình hình tài chính doanh nghiệp lành mạnh”.
 
Vị Cục phó cho hay, khi đã thực hiện đủ quy trình rồi, minh bạch rồi thì cũng giống như giải thể, phá sản khi đã làm rõ rồi thì bán được đồng nào quý đồng ấy, còn trong trường hợp đã rà soát lại và thấy nó không còn gì phát triển nữa thì chỉ còn cách phá sản, giải thể.
 
“Cái quan trọng là khi anh đã minh bạch rồi thì chủ sở hữu cũng như người dân thấy nó không tồn tại được thì phải cho giải thể, phá sản mặc dù là không mong đợi tức là không còn khái niệm mệnh giá nữa vì giá trị thực chẳng còn nữa. Không hiểu rằng, đáng lẽ tôi phá sản mà bắt tôi bán theo mệnh giá”, ông Tiến nói.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo