“Với nội dung tôi đã đọc được thì ông Chánh án là người trung thực, dám nói lên thực tế và có trách nhiệm với xã hội. Ông ấy đã nói lên được nhiều điều mà những người không ở trong ngành không thể có chứng cứ để nói”.
Sau khi bài trả lời phỏng vấn báo chí của ông Lương Quang – Chánh án TAND TP. Tuy Hòa (Phú Yên) được đăng tải, đã có nhiều ý kiến cho rằng phần trả lời này là “dại dột”, “thiếu suy nghĩ”. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có rất nhiều người bày tỏ sự “ngưỡng mộ” trước những phát biểu được cho là “thật thà” của ông Chánh án.
Để có thêm một góc nhìn về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Quang Nghiêm – Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM.
PV: Thưa luật sư, qua phần trả lời của ông Lương Quang ông nhận thấy điều gì?
Ý của ông ấy là đã có sự chỉ đạo. Câu nói “Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm” có nghĩa là ông ấy chịu sự chỉ đạo, sự chi phối của một cơ quan khác mà không đảm bảo được tính độc lập khi xét xử. Ông ấy nói đã “làm hết trách nhiệm” của ông ấy là đúng, tức ông ấy đã tôn trọng sự chỉ đạo của những cấp có quyền quyết định, tác động đến sự việc xét xử.
Ông ấy thừa nhận rằng bản thân tòa Phú Yên đã không độc lập được trong xét xử. Ông ấy không nói ra nhưng bạn đọc như tôi thì hiểu như thế.
PV: Lý do nào khiến ông ấy phải chịu “sự chỉ đạo” đó, thưa ông?
Theo luật không ai có quyền chỉ đạo. Anh không thể nào nói rằng cái này “phải như thế này…như thế này nhé…”, anh không thể chỉ đạo như thế được. Nhưng trên thực tế thì tòa án vẫn phải nghe.
Bởi vì trong việc xét bổ nhiệm chánh án, thẩm phán (5 năm một lần) thì những thành phần nào có quyền có ý kiến và giơ tay biểu quyết thông qua danh sách sẽ bổ nhiệm, hoặc đề nghị bổ nhiệm lại? Không thể không có sự tham gia của Tỉnh ủy, Ban tổ chức, Ban an ninh nội chính.
Bởi vậy theo tôi, thay vì bổ nhiệm như một số nước khác (bổ nhiệm suốt đời) nay mình cho tăng lên 10 năm đi. Như vậy việc xét xử có thể sẽ khác, ít phụ thuộc vào sự chỉ đạo hơn.
PV: Thưa ông, liệu “câu chuyện” của ông Chánh án có phải là chuyện của riêng Phú Yên?
Tôi hiểu nội dung trả lời của ông Chánh án đã khái quát toàn bộ thực trạng của ngành tòa án hiện nay.
Với nội dung tôi đã đọc được thì ông Chánh án là người trung thực, dám nói lên thực tế và có trách nhiệm với xã hội. Ông ấy đã nói lên được nhiều điều mà những người không ở trong nghành không thể có chứng cứ để nói.
Xin cảm ơn luật sư!
Trước đó, sau khi kết thúc phiên xử 5 công an đánh chết người tại Phú Yên, Thẩm phán Lương Quang, Chánh án TAND TP Tuy Hòa đã có cuộc trả lời báo chí. Chúng tôi xin trích lại một đoạn trong cuộc phỏng vấn này. PV: Thưa ông, ông nhận định gì về phiên tòa vừa qua? Ông Lương Quang: Sau khi tuyên án, bị hại có phản ứng, kêu la không đồng tình, nhất là phần bồi thường dân sự. Người ta đòi 1,5 tỉ đồng mà tòa tuyên chỉ 99 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng bày tỏ không đồng tình. Nhiều người gọi điện thoại hỏi, một số tỉnh gọi hỏi tôi cũng giải thích thôi. Có dư luận nói nhẹ nhưng cũng có người nói xử vậy là đạt yêu cầu. Nói chung là dư luận cũng đa chiều. Vụ án này hết sức phức tạp, hết sức nhạy cảm, cả trung ương cũng rất quan tâm. PV: Vụ án còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ, tại sao tòa không tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung? Theo nguyên tắc thì phải nghiên cứu kỹ rồi mới trả chứ không thể bữa nay anh phát hiện một việc thì trả, mai phát hiện một việc thì trả, trong khi tối đa chỉ trả hai lần. Vấn đề nào, nội dung nào đã trả rồi nhưng người ta không làm thì thôi. PV: Thưa ông, có một số tội danh như cố ý gây thương tích đã được làm rõ tại phiên tòa nhưng bản án nói rằng tòa không xét do VKS không truy tố? Ôm rơm chi cho nặng bụng! Tòa chỉ xét xử theo phạm vi truy tố của VKS, chuyện gì phải căng thẳng. Chuyện gì anh không hài lòng thì kiến nghị lên cấp trên. PV: Phải chăng tòa xử tội dùng nhục hình để nhẹ hơn là tội cố ý gây thương tích? Tòa chỉ xử theo phạm vi truy tố của viện. Thực tế có những vấn đề chưa hợp lý trong BLTTHS, cần kiến nghị sửa. PV: Trước đây tòa trả hồ sơ yêu cầu truy tố tội cố ý gây thương tích, còn qua xét xử tại phiên tòa đã xuất hiện hai tội mới là bắt giữ người trái pháp luật, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vì sao tòa không tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung? Tôi thấy luật quy định nhưng không khả thi trên thực tế. Lâu nay luật cho tòa quyền khởi tố vụ án tại phiên tòa. Tôi tính lịch sử trong ngành đến giờ tòa khởi tố cũng nhiều lắm nhưng chẳng có vụ nào xử lý cho có kết quả. Cuối cùng luẩn quẩn rồi người ta có xử lý gì đâu. Ở đây mình làm cho hết trách nhiệm, chứ để sau này án bị hủy cũng ảnh hưởng đến chuyện tái bổ nhiệm dữ lắm chứ đâu phải đơn giản. Miễn làm sao anh phát hiện ra là được rồi, còn anh yêu cầu mà người ta không làm thì anh cũng đã hết trách nhiệm. Lỡ sau này có rủi ro gì đó thì người ta không xem xét trách nhiệm anh nữa. |
Infonet