Tin tức - Sự kiện

Vụ bảo mẫu đánh trẻ em: "Cùng nữ giới với nhau cũng khó chấp nhận"

Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh chia sẻ với phóng viên về vụ bạo hành trẻ tại trường mầm non tư thục Phương Anh trên địa bàn TPHCM đang gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Cùng là người phụ nữ, đồng thời lại phụ trách trực tiếp vấn đề này, tâm trạng của bà ra sao khi xem những hình ảnh trong clip bảo mẫu bạo hành trẻ em này?
 
Xem đoạn clip tôi cảm thấy rất bức xúc. Đâu cũng là tâm trạng chung của những người làm cha, làm mẹ chứ không riêng lĩnh vực mà mình quản lý. Ngoài đời nhìn gương mặt của hai bảo mẫu này có lẽ không ai nghĩ họ lại tàn nhẫn đến như thế.
 
Thực tế trẻ em đặc thù có đứa lười ăn, nghịch ngợm, khó bảo. Do vậy, những bảo mẫu dạy trẻ ngoài kỹ năng sư phạm cần phải có tình thương. Ở đây gốc của vấn đề là tình thương không có. Làm nghề dạy dỗ trẻ mà không có tình thương, không có sự kiên nhẫn khắc phục tính cách của trẻ thì không thể nào nương nhẹ được.
 
Dù cùng là giới nữ với nhau nhưng tôi không thể nào chấp nhận được những hành vi quá dã man ấy. Cho trẻ con ăn mà cứ tống, nhồi nhét rồi bịt mũi như vậy rất phản cảm và không có đạo đức. Cho ăn theo kiểu bịt mũi, chẳng may trẻ bị sốc, sặc chết thì ai chịu trách nhiệm?
 
Nếu không có clip đó thì phụ huynh có biết đâu. Vậy còn bao nhiêu trường hợp như thế không được đưa ra ánh sáng?
 
Với cách hành xử dã man như vậy, bà có nghĩ hai bảo mẫu này có vấn đề về tâm lý không?
 
Tôi không nghĩ 2 bảo mẫu này có vấn đề về tâm lý, mà ở đây thấy rõ sự xuống cấp về đạo đức và một phần có thể do chưa được đào tạo bài bản cùng với sự thiếu kiên nhẫn khi làm công việc này. Tham gia nghề trông trẻ, phải có sự kiên nhẫn, phải có tâm, và phải xuất phát điểm là tình yêu thương.
 
Cho nên người ta mới ví chuyện dì ghẻ con chồng với những người phụ nữ sống ích kỷ, hẹp hòi, vì không phải máu mủ của mình đẻ ra. Cũng như trường hợp này, khi đạo đức của cô bảo mẫu chưa đủ độ kìm chế để làm công việc chăm sóc trẻ, đặc biệt những đứa trẻ không phải là con đẻ của mình. Do vậy, khi gặp phải những đứa trẻ khó tính thì bảo mẫu làm liều, cứ nghĩ rằng khuất mắt trông coi, không ai biết.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet về vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ em ở trường tư Thục Phương Anh, gây bất bình dư luận những ngày qua. Ảnh Nguyễn Dũng
 
Nhiều người cho rằng những vụ việc bảo hành kiểu như thế này chỉ là phần nổi trong cái tảng băng chìm khổng lồ hiện nay mà chưa bị phát giác. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
 
Cái gốc của vấn đề là giáo dục, đào tạo của mình liệu đã đào tạo đầy đủ các kỹ năng, kiến thức để cô giáo chăm trẻ hay chưa và trong quá trình đào tạo có coi trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp hay không. Giáo dục của chúng ta giai đoạn vừa qua đã và đang coi trọng “dạy chữ” hơn “dạy người”, chưa coi trọng việc dạy “kỹ năng”, tức là việc “học” chưa gắn với “hành”, tình trạng dạy “chay” ở nhiều nơi còn khá phổ biến, vẫn nặng về lý thuyết, nặng về hàn lâm. Trường hợp hành xử theo cung cách dùng hình thức đe dọa trẻ (có thể chưa tới mức dã man như clip) như hai cô bảo mẫu này không phải phổ biến nhưng cũng không phải hiếm.
 
Tôi thấy nhiều trường hợp do nóng tính, do dọa nạt quá mức và không có kỹ năng chăm sóc trẻ, dẫn đến những câu chuyện rất đau lòng từ việc nuôi dạy trẻ, đến lúc ân hận đã muộn màng.
 
Bà vừa nói những trường hợp như ở trường tư thục Phương Anh không phải hiếm. Vậy mình có giải pháp gì để đưa ra ánh sáng những trường hợp như thế này?
 
Chúng ta phải tăng cường giám sát. Tuy nhiên phải có biện pháp như cài đặt camera ở những trường có dấu hiệu bạo hành. Tập huấn lại những trường hợp làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; và phải xử lý nghiêm những trường hợp “chăm sóc” trẻ kiểu thế này.
 
Những hình ảnh dã man khi cô giáo trường mầm non hành hạ trẻ em (ảnh cắt từ clip của Báo Tuổi trẻ)
 
Nói về trách nhiệm, vụ việc thế này không phải lần đầu xảy ra trên địa bàn TPHCM. Theo bà chính quyền địa phương có trách nhiệm thế nào? Họ có vô can không?
 
Chính quyền địa phương không thể vô can được vì anh chưa cấp phép cho trường tư thục này. Một nơi chưa cấp phép mà hoạt động từ năm 2012 không bị xử lý thì rõ rằng đó là trách nhiệm của anh. Anh không thể thiếu trách nhiệm với nhân dân như thế được.
 
Khi chúng tôi đi giám sát trong Đồng Nai, khi được phản ánh hàng trăm nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép, chúng tôi đã yêu cầu ngành giáo dục phải kiểm tra, xem xét lại các điều kiện, tiêu chuẩn và đề nghị ngành giáo dục phải phối hợp với chính quyền địa phương làm sớm việc này.
 
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nếu ngành giáo dục chưa phối hợp với chính quyền địa phương hoặc chính quyền địa phương chưa chỉ đạo kiên quyết và có giải pháp khắc phục thì việc phải chịu trách nhiệm là quá rõ ràng
 
Cụ thể trong vụ việc này, trách nhiệm đơn vị nào là nhiều nhất, thưa bà?
 
Ở đây trách nhiệm chính là phường, phải phối hợp với ngành giáo dục xem trên địa bàn xảy ra vấn đề gì. Ví như một ngôi nhà xây dựng không phép, ngành chức năng có thể kiểm tra được ngay. Hay cán bộ công an kiểm tra hộ khẩu thì phải biết được sự việc số lượng người tăng đột biến trong ngôi nhà này diễn ra hằng ngày... Chắc chắn, công an khu vực không thể không biết. Chắc chắn, lãnh đạo chính quyền phải nghe công an khu vực quản lý hộ khẩu báo cáo định kỳ nếu mình đã đưa ra quy định… Đặc biệt, sự phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn trong bộ máy chính quyền thực hiện vai trò tham mưu cho lãnh đạo phường xã… cần phải được coi trọng hơn.
 
Thế còn trách nhiệm của ông Chủ tịch phường khi để xảy ra những vụ việc kiểu thế này trên địa bàn đến đâu?
 
Ông Chủ tịch, Bí thư phường phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự việc này. Nếu anh không biết cơ sở này hoạt động thế nào, nếu anh không nắm được những nhóm trẻ gia đình không được cấp phép mà vẫn ngang nhiên hoạt động thì rõ ràng anh chưa làm tròn trách nhiệm.
 
Tất nhiên, nếu cán bộ phụ trách công tác trẻ em thiếu, mỏng thì anh cũng phải có giải pháp phân công và tháo gỡ dần từng bước. Không thể để tình trạng nhóm trẻ gia đình không được cấp phép mà vẫn ngang nhiên hoạt động từ năm 2012 đến nay.
 
Quy định khá rõ ràng, nhưng trên thực tế việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu lại rất ít ỏi. Theo bà nguyên nhân này do đâu?
 
Bài toán quy trách nhiệm, đại biểu Quốc hội cũng đã nói nhiều. Khi phát biểu trước Quốc hội về luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tôi đã nêu về vấn đề này.
 
Trường hợp của hai bảo mẫu, nếu người đứng đầu chỉ nhắc nhở không thôi thì không đủ độ răn đe, và tình trạng này sẽ còn tái diễn. Nói về việc này, tôi nhớ đến một trường hợp ở trong TP. HCM khi ông bố bất lực đứng nhìn con bị điện giật chết do trời mưa ngập cột điện, mặc dù đã gọi điện thông báo với cơ sở cắt điện nhưng sự thiếu trách nhiệm của cán bộ nhận thông tin đã không xử lý  kịp thời, nhưng rồi cũng không quy được trách nhiệm cho người đứng đầu…
 
Tôi đã kiến nghị với Chính phủ, mỗi một công việc, người đứng đầu từng mắt xích công việc, phải xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm. Cơ quan nào cũng phải mô tả rõ công việc của từng công chức thì sau này mới quy trách nhiệm rõ ràng được.
 
Nếu không xử lý nghiêm, không quy trách nhiệm rõ ràng cho chính quyền địa phương, bản thân bà có lo ngại tình trạng bạo hành trẻ em vẫn cứ tiếp diễn?
 
Bản thân cá nhân tôi rất trăn trở và lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em và trẻ em bị bạo hành. Tôi rất mong, nhân việc này các ngành chức năng phải xử lý nghiêm với 2 bảo mẫu và xác định trách nhiệm cụ thể chính quyền địa phương.
 
Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương có giải pháp hữu hiệu để tổ chức cơ sở chăm nuôi trẻ nhỏ nói chung và trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi, và đặc biệt dưới 12 tháng tuổi nói riêng, đảm bảo an toàn và chất lượng, không để tồn tại cơ sở chăm nuôi trẻ em không phép như hiện nay.
 
Có như vậy mới tạo sức răn đe, làm gương cho những trường hợp khác và để ngăn chặn, không tái diễn những hình ảnh đau lòng như thế vừa qua.
 
Xin cảm ơn bà!
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo