Vụ cháy nhà ở TP. HCM: Hai người có thể sống nếu bình tĩnh hơn
Sau vụ cháy cơ sở sản xuất nệm mút thuộc quận 9, TP. HCM khiến 2 người tử vong, sáng nay (29/11), Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP. HCM cho biết: Các phòng nghiệp vụ của đơn vị và Công an thành phố vừa hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường vụ cháy, theo tin tức trên báo VOV.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, công tác xác định nguyên nhân vụ cháy được bàn giao cho công an thành phố tiếp tục điều tra. Từ hiện trường vụ cháy xác định được 2 nạn nhân là Trần Ngọc Bích và Thái Hiếu Sinh (chưa rõ năm sinh) tử vong do ngạt khói khi đám cháy phát ra từ khu vực tầng 1 nơi kinh doanh sản phẩm nệm mút.
Ủy ban Nhân dân phường Phước Long A quận 9 đã cử cán bộ túc trực trong bệnh viện để hỗ trợ gia đình chăm sóc và chữa trị cho nạn nhân Phạm Thị Thủy (sinh năm 1987, ngụ quận 9) bị bỏng từ đám cháy. Địa phương cũng đang thảo luận với gia đình có 2 nạn nhân tử vong để có hỗ trợ phù hợp.
Chiều 29/11, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho biết hai người phụ nữ đã có thể tự cứu sống bản thân mình nếu bình tĩnh hơn.
“Thực tế, ngôi nhà đó có hai cửa thoát hiểm. Một là cửa chính theo hướng cầu thang tầng trệt, cửa thứ hai chính là cửa sổ. Nạn nhân có thể leo qua cửa sổ, men theo lan can rồi từ từ thả mình xuống, cùng lắm chỉ bị thương chứ không thể chết ngạt.
Nếu bình tĩnh hơn, nạn nhân sẽ biết vứt quần áo, chăn gối… xuống mặt đất làm nệm để an toàn khi rơi xuống! Ba người cùng ở trên tầng nhưng một người đã thoát ra được bằng cửa sổ, khả năng hai người kia chạy ra hướng cầu thang mà do khói quá, không thoát ra được nên bị ngạt, chết cháy trong đó...” - Trung tá Lê Mạnh Hà trầm ngâm nhớ lại.
Ông nhấn mạnh người dân có thể dùng chăn, khăn mặt, khẩu trang, áo, mền,... (bất kỳ vật dụng gì có tác dụng như mặt nạ phòng độc) thậm chí là cả áo lót... nhúng nước như trường hợp cô gái ở Hà Nội để tự tạo ra mặt nạ chống độc cho mình.
Những vật dụng dùng để phòng độc nên nhúng nước vì nước giúp lọc độc hiệu quả hơn và khói khó xuyên qua được. Vì đa phần, nạn nhân của các vụ hỏa hoạn thường không chết vì cháy mà họ chết vì bị ngạt khí độc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo