Tin tức - Sự kiện

Vụ cưỡng chế: Phải khởi tố vụ án hủy hoại tài sản

Đó là khẳng định của Luật sư Phạm Thanh Bình (HN) trước những nghi ngờ về xâm phạm tài sản trong vụ cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng).

 Ai phá nhà ông Quý?

 
Cho đến hôm nay, ngày 5/2, vụ cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng (TP. Hải phòng) đã diễn ra được 1 tháng. Sau cưỡng chế, ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý đã bị san phẳng. Tuy nhiên, 4 ngày vừa qua, trong các cuộc trao đổi với báo chí, các cơ quan liên quan đến vụ cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) đều phủ nhận sự liên quan tới việc phá nhà ông Quý. 
 
Cụ thể, ngày 31/1, ông Lê Thanh Liêm - chủ tịch xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) cho biết: Nhà của ông Quý nằm ngoài diện tích cưỡng chế. Việc nhà ông Quý bị giật sập và huy động máy xúc để cưỡng chế thì “phải hỏi huyện, xã không nắm được”. 
 
Đến ngày 01/2, cùng về vấn đề dư luận nghi ngờ công an trong lực lượng cưỡng chế đã san phẳng căn nhà của gia đình ông Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế, ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an TP. Hải Phòng thêm một lần nữa khẳng định: 

“Công an trong lực lượng cưỡng chế không được lệnh phá. Và cán bộ chiến sỹ công an không phá căn nhà vì sau khi lực lượng cưỡng chế rút đi, có lực lượng công an khác đến ghi nhận hiện trường rồi cũng rút chứ không phá gì cả”. 
 
Ở cấp huyện, ngày 02/2, trong buổi tiếp xúc với báo chí, khi được hỏi về việc UBND huyện Tiên Lãng có ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế phá ngôi nhà của anh Quý không thì ông Ngô Ngọc Khánh – chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng khẳng định: “Huyện không ra lệnh và không có chỉ đạo nào cho phá căn nhà của ông Quý. Và lực lượng cưỡng chế không ai tham gia phá căn nhà đó”. 
 
Song song với đó, lãnh đạo huyện Tiên Lãng và công an TP. Hải Phòng đều khẳng định, căn nhà của ông Quý không phải là nhà mà chỉ là chòi (hoặc lều) trông cá.
 
Trước những khẳng định này của lãnh đạo C.A TP. Hải Phòng, UBND huyện Tiên Lãng, UBND xã Vinh Quang thì một nghi vấn khác được hình thành cho đến nay mà vẫn chưa có đáp án: Ai phá nhà ông Quý, hay đây là “căn nhà ma” tự sập đổ? 
 
Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận: dù là lều hay là chòi thì đó căn nhà đó vẫn là một tài sản của công dân. Và tài sản này được pháp luật bảo hộ.
 
Chiếc máy ủi là của ai?
 
Trên thực, như báo chí đã đưa tin, theo một số người dân ở xã Vinh Quang cho biết có chiếc máy ủi đến giật đổ nhà ông Quý. Và trên hiện trường còn lại của vụ cưỡng chế, nhóm phóng viên đã mục sở thị những vết bánh xích xe còn in dấu đất nơi đây. Điều này cho thấy việc có chiếc máy ủi đến “làm” đổ nhà ông Quý là hoàn toàn có căn cứ. 
 
Như lãnh đạo huyện Tiên Lãng đã thông tin, căn nhà của ông Quý không nằm trong diện tích cưỡng chế và sau vụ cưỡng chế, căn nhà này đã bị đổ và san phẳng. Như vậy, có thể thấy, tài sản của công dân Quý đã bị xâm phạm và phá hủy.

 

Vết bánh xích của xe ủi vẫn còn in trên đất dù đã 1 tháng sau ngày cưỡng chế (Ảnh: Tuấn Nam)

 

Những ngày vừa qua, đã có rất nhiều thông tin nói về chiếc máy ủi duy nhất của nhà ông K – một người dân trong xã Vinh Quang và đi kèm với đó là nghi ngờ chiếc máy ủi này đã được huy động đến phá nhà ông Quý. Vậy sự thực thì chiếc xe ủi này có tham gia vào việc phá hủy căn nhà của ông Quý?
 
Như vậy có thể nói, trong vụ xâm phạm tài sản của công dân này, chiếc máy ủi là một chứng cứ rất quan trọng cần phải được làm rõ trong vụ việc há hủy căn nhà của ông Quý.
 
Ai đánh cá ở đầm nhà ông Vươn, ông Quý?
 
Như tin đã đưa, chị Phạm Thị Hiền (vợ của anh Đoàn Văn Quý) phản ánh: toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỉ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.
 
“Khi em về thì người ta đã đánh bắt gần hết, trong đầm bây giờ em không thấy tăm cá, cua nào ngoi lên. Chính những người từng mua cua, cá nhà em những năm trước đã đến đây mua của họ”, chị Hiền nói.
 
Và theo chị Hiền, “họ” ở đây là người nhà gia đình T.K, một chủ đầm gần đó. “Chính nhà này đã cho người xuống tiếp quản đầm nhà em ngay sau khi anh Vươn bị bắt”, chị Hiền nói.

 

Ai đánh cá ở đầm nhà ông Vươn?

 

Tuy nhiên, ông Ngô Ngọc Khánh – chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) lại  cho biết: “Ngay trong ngày, sau buổi cưỡng chế, chúng tôi quản lý đầm rồi thì đoàn cưỡng chế tháo cống thông thủy”. 
 
Theo ông Khánh, việc làm trên dựa theo nguyên tắc, trước khi thu hồi có thông báo cho chủ đầm thu hoạch hoa lợi và hoa lợi trong đầm “không có cái gì”.
 
Trong buổi trưa ngày 31/1, tiếp xúc với nhóm phóng viên, ông Vũ Đức Bốn - Trưởng công an xã Vinh Quang cho biết: không có sự việc đầm nhà ông Vươn bị mất trộm cá mà gia đình ông Vươn đã tự dùng kích điện đánh bắt cách đây một tháng trước khi cưỡng chế.

Trao đổi điều này với Giáo dục Việt Nam, chị Hiền cho biết, đầm thì đánh bắt quanh năm để đảm bảo cuộc sống nhưng chỉ là đánh bắt nhỏ còn lại tập trung thu hoạch vào tết khi được giá. Khi đánh bắt nhỏ thì sẽ không dùng kích điện vì như thế sẽ làm chết nhiều cá con…
 
Vậy ai đã “hô biến” số tôm cá kia biến mất? Và gia đình T.K kia có thực sự đã thu hoạch số hoa lợi này?
 
"Buộc phải" khởi tố một vụ án về hành vi xâm phạm tài sản
 
Trước những nghi vấn gây bức xúc trong dư luận như vậy, chiều ngày 3/1, Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà – TP. Hà Nội). LS. Bình cho biết: “Trước tiên phải khẳng định: căn nhà và số thủy sản đó là do gia đình ông Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vươn tạo lập được trong thời gian gia đình ông ta sử dụng đầm trước khi thu hồi. 
 
Cho nên, số tài sản đó được coi là sở hữu của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và ông Đoàn Văn Quý. Và tất cả các hành vi xâm phạm số tài sản ấy đều là hành vi trái pháp luật”.
 
Luật sư Bình cho biết thêm, đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong điều 143 (Bộ luật hình sự) quy định, đối với những tài sản chỉ cần có gíá trị từ 2.000.000 đồng trở lên là đã có thể khởi tố vụ án rồi. 

Và số tài sản bị xâm phạm ở đây có giá trị lớn (bao gồm cả căn nhà và số hoa lợi trong đầm) nên “buộc phải khởi tố” một vụ án khác về xâm phạm quyền sở hữu song song với vụ án giết người và chống người thi hành công vụ mà anh em Đoàn Văn Vươn đang là bị can...
 

Điều 143. (BLHS) Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm.
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Giáo dục Việt Nam
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo