Pháp luật

Vụ đại án tham nhũng tại Agribank: Đề nghị điều tra bổ sung

(DNVN) - Bước sang ngày thứ 6 xét xử vụ đại án tham nhũng tại Agribank, Luật sư Nguyễn Đăng Trùng, bào chữa cho bị cáo Dương Đăng Cường đề nghị điều tra làm rõ vụ thất thoát ngàn tỷ này.

Ngày 29/10, phiên tòa tiếp tục xét xử 11 bị cáo trong vụ thất thoát 966 tỉ tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (Agribank) Chi nhánh 6, , nhiều luật sư bào chữa cho rằng cáo trạng quy kết tội danh cho các bị cáo là chưa thỏa đáng.

Tin tức trên báo Tuổi trẻ, trong phần bào chữa cho bị cáo Dương Thanh Cường (tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát), luật sư Nguyễn Đăng Trừng cho rằng cơ quan điều tra chưa làm rõ nguồn tài sản được thế chấp và hoán đổi giữa số 10 Âu Cơ và 38ha đất ở Long An cũng như 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Bình Chánh.

Luật sư đề nghị điều tra bổ sung con đường thất thoát nghìn tỷ tại Agribank.

Bởi vậy theo luật sư Trừng, việc kết tội Cường lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chưa thỏa đáng. Luật sư Trừng cũng cho rằng việc VKS luận tội khẳng định Dương Thanh Cường đã gán nợ thửa đất số 10 Âu Cơ cho Ngân hàng Phương Nam là không đúng, bởi trước thời điểm bị kết luận là gán nợ thì Dương Thanh Cường đã bán đất cho Công ty Thảo Loan.

Cho rằng vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, luật sư Nguyễn Đăng Trừng đề nghị hội đồng xét xử hoàn trả hồ sơ vụ án để điều tra lại, làm rõ đường đi của các tài sản này.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng bị cáo Dương Thanh Cường đã lập nhiều công ty và hai lần vay tiền của Agribank CN6 với số tiền 798 tỉ đồng.  Sau đó Cường đã lừa dối các cán bộ Agribank CN6 mượn lại các giấy tờ thế chấp để mang sang Ngân hàng Phương Nam vay tiền.

Bào chữa cho bị cáo Hồ Đăng Trung - nguyên giám đốc Agribank CN6 (bị VKS đề nghị án 20 năm tù), luật sư Phan Trung Hoài đề nghị hội đồng xét xử đánh giá lại nguyên nhân, bối cảnh và các yếu tố tác động khi xem xét quá trình thực thi các quy định cho vay của Agribank CN 6.Ông Hoài cho rằng việc bị cáo Trung duyệt cho vay đối với dự án hình thành trong tương lai là có khả năng thực hiện.

Theo cáo buộc của VKS khi luận tội, bị cáo Trung đã vi phạm quy định về  cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như duyệt cho vay không đúng, cho Dương Thanh Cường mượn lại giấy tờ thế chấp dẫn đến việc Agribank CN6 thất thoát 966 tỉ đồng.

 

Luật sư Hoài đề nghị tòa xem xét chuyển tội danh của ông Hồ Đăng Trung tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng sang tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng kết quả điều tra cho thấy việc cho mượn tài sản thế chấp là phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong một diễn biến liên quan, luật sư Phạm Công Út, Giám đốc công ty Luật Phạm Nghiêm, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Quốc Thụy- cán bộ tín dụng ngân hàng Agribank CN6 cho rằng trong bản cáo trạng ông Nguyễn Hoàng Quốc Thụy đã có hành vi “biết tài sản bảo đảm (GCNQSDĐ số 10 Âu Cơ) là giấy chứng nhận tạm thời không được chuyển nhượng, cầm cố thế chấp nhưng vẫn cho dùng làm tài sản thế chấp” và Có hành vi “không thực hiện việc đánh giá khả năng tài chính, xếp loại doanh nghiệp công ty Tấn Phát”

Theo luật sư Út, hậu quả thất thoát 130 tỉ đồng của Agribank 6 theo cáo trạng cũng từ việc người khác của ngân hàng Agribank 6 cho công ty bảo lãnh “mượn” hồ sơ thế chấp, từ đó bộ hồ sơ này đã ra đi mà không quay lại cho bên nhận thế chấp là ngân hàng Agribank 6 nên hậu quả mới xảy ra.

Việc xuất hiện thiệt hại này không do ông Thụy làm nên nếu ông Thụy không là người gây ra thiệt hại thì ông Thụy không thể có tội theo quy định của pháp luật.  

Trước đó, chiều 28/10, sau khi kết thúc phần xét hỏi, phiên tòa sơ thẩm vụ án tham nhũng 966 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh 6, TPHCM (Agribank chi nhánh 6) chuyển sang phần tranh luận. Báo Dân trí thông tin.

 

Đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo VKS, tại các buổi xét xử, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã nêu.

Theo đó, VKSND TPHCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Thành Công (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương) mức án từ 11 - 12 năm tù cho tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 12 - 13 năm tù tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Bình Phát) bị đề nghị tù chung thân tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tù chung thân về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Thái Cường (nguyên Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng Tấn Phát) bị đề nghị tuyên phạt 16 - 18 năm tù; Lê Sơn Hùng (nguyên Giám đốc Công ty Thanh Phát) bị đề nghị 20 năm tù; Phạm Hoàng Thọ (nguyên Giám đốc Công ty Thanh Phát) bị đề nghị mức án 18 - 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

VKS cũng đề nghị tuyên phạt bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6) 18 – 20 năm tù; Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank chi nhánh 6) 16 - 18 năm tù; Trương Quốc Bảo (nguyên nhân viên phòng tín dụng Agribank chi nhánh 6) 14 - 16 năm tù; Trương Nhật Quang (nguyên nhân viên phòng tín dụng Agribank chi nhánh 6) 12 - 14 năm tù; Nguyễn Hoàng Quốc Thụy (nguyên nhân viên phòng tín dụng Agribank chi nhánh 6) 8 - 10 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

 

Bị cáo Đỗ Trọng Nhân (nguyên giám đốc Công ty Siêu mẫu Việt) bị đề nghị 10 - 11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo