Vụ đại án tham nhũng tại Agribank qua góc nhìn luật sư Phạm Công Út
PV: Thưa ông, được biết trong vụ đại án Agribank CN 6, bị cáo Nguyễn Hoàng Quốc Thụy kêu oan và ông cũng đồng tình với việc kêu oan của bị cáo Thụy. Ông có thể cho biết những dấu hiệu nào rõ nét nhất để cho rằng bị cáo kêu oan là có căn cứ?
Luật sư Phạm Công Út: Vì theo như cáo trạng mà VKS truy tố đối với ông Nguyễn Hoàng Quốc Thụy do đã vi phạm pháp luật hình sự về các hành vi như sau:
Thứ nhất: Bản cáo trạng cho rằng thân chủ của tôi, ông Nguyễn Hoàng Quốc Thụy đã có hành vi “biết tài sản bảo đảm (GCNQSDĐ số 10 Âu Cơ) là giấy chứng nhận tạm thời không được chuyển nhượng, cầm cố thế chấp nhưng vẫn cho dùng làm tài sản thế chấp”.
Thứ 2: Có hành vi “không thực hiện việc đánh giá khả năng tài chính, xếp loại doanh nghiệp công ty Tấn Phát”. Nhưng bộ hồ sơ không chỉ có một GCNQSDĐ tạm thời mà còn có rất nhiều hồ sơ tài liệu thuận chủ trương cho phép Cty dệt kim Đông Phương được chuyển đổi đất sản xuất sang đất xây dựng cụm cao ốc và định giá trị đất hơn 188 tỉ đồng/17.000m2 đất.
VKS đã rút ra 1 văn bản để phủ nhận toàn bộ hồ sơ thế chấp mà chính bộ hồ sơ thế chấp này sau đó được chuyển từ quyền sử dụng đất tạm thời sang quyền sử dụng đất chính thức.
Mặt khác, bản thân ông Nguyễn Hoàng Quốc Thụy cũng có ghi nhận rõ ràng trong bản Thẩm định - tái thẩm định với nội dung rằng : ”Công ty Tấn Phát mới được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2007 chưa có nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Số liệu báo cáo tập trung ở các khoản mục chính như tiền, hàng tồn kho, các tài sản ngắn hạn khác và nguồn vốn chủ sở hữu”.
Như vậy, nếu ông Thụy không nêu về những cứ liệu kinh tế tài chính của bên vay thì ông Thụy sai vì không thẩm định. Ở đây cho thấy, ông Thụy có làm nhưng không có số liệu của bên vay, do bên vay chỉ mới được thành lập.
Rồi hậu quả thất thoát 130 tỉ đồng của Agribank 6 cũng từ việc người khác của ngân hàng Agribank 6 cho công ty bảo lãnh “mượn” hồ sơ thế chấp, từ đó bộ hồ sơ này đã ra đi mà không quay lại cho bên nhận thế chấp là ngân hàng Agribank 6 nên hậu quả mới xảy ra.
Việc xuất hiện thiệt hại này không do ông Thụy làm nên nếu ông Thụy không là người gây ra thiệt hại thì ông Thụy không thể có tội theo quy định của pháp luật.
PV: Có người cho rằng, ông Thụy có làm việc vô tư không để dẫn đến việc thất thoát 130 tỉ đồng về tay của Cty Tấn Phát. Ông đánh giá thế nào về những nghi ngờ này?
Luật sư Phạm Công Út: Việc nghi ngờ là quyền của mọi người, nhưng để biến nghi ngờ thành điều có thật phải là nghĩa vụ chứng minh của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ở đây, diễn biến vụ án tại phiên tòa trong những ngày qua cho thấy, ông Thụy phải phục tùng mệnh lệnh của lãnh đạo giao để thực hiện một công việc hành chính của ngân hàng.
Dù rằng, phía lãnh đạo đã có sự giả mạo khi đưa quyết định nâng quyền phán quyết giả vào hồ sơ và lệnh cho ông Thụy làm báo cáo thẩm định mà không cho biết là hồ sơ giả.
PV: Trong trường hợp ông Thụy vẫn bị kết án theo cáo buộc của Viện Kiểm sát với mức án nghiêm khắc thì bị cáo Thụy và luật sư bào chữa cho mình có ngạc nhiên, hoặc bị sốc đối với bản án tuyên hay không, thưa ông?
Luật sư Phạm Công Út: Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự nghiêm minh của luật pháp, dù bản án hôm nay có nặng hay nhẹ, nhưng tôi tin sẽ có bản án có hiệu lực pháp luật công nhận ông Nguyễn Hoàng Quốc Thụy vô tội với các chứng cứ và lập luận mà tôi vừa nói ở trên.
PV: Nếu trong trường hợp bản án sắp tới sẽ tuyên mức án thật nhẹ, hoặc cho bị cáo Thụy hưởng án treo thì ông có cảm thấy hài lòng với các luận cứ của mình không, và liệu ông Thụy sẽ có kháng cáo hay không?
Luật sư Phạm Công Út: Việc kháng cáo hay không sẽ do ông Thụy quyết định, riêng với cá nhân tôi, tôi chỉ hài lòng khi bản án tuyên ông Nguyễn Hoàng Quốc Thụy hoàn toàn vô tội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo