Tin tức - Sự kiện

Vụ gây rối tại xã Nghi Phương: Ai đã kích động giáo dân làm sai pháp luật?

Nhà thờ rung chuông báo động. Hàng trăm giáo dân đã xông vào trụ sở UBND xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cưỡng ép Chủ tịch UBND xã và Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc viết giấy cam đoan phải thả ngay 2 bị can Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải vô điều kiện.

Những đối tượng quá khích trước trụ sở UBND xã Nghi Phương ngày 4.9.2013. Ảnh: TH Nghệ An

“Các con muốn làm gì thì làm”!

Trong 2 ngày 27-28.8.2013, đại diện Tổng cục An ninh II và lãnh đạo CA tỉnh Nghệ An đến thăm và chúc mừng Tòa Giám mục giáo phận Vinh nhân chuẩn bị làm lễ tấn phong giám mục phụ tá Nguyễn Văn Viên. Tại cuộc gặp, Giám mục Nguyễn Thái Hợp xin cho 2 bị can Khởi, Hải được tại ngoại. Đại diện Tổng cục An ninh II ghi nhận sẽ báo cáo nội dung đề nghị này với cơ quan có thẩm quyền, nếu cần thiết thì Tòa Giám mục sẽ đứng ra bảo lãnh.

Hai ngày sau, hàng trăm giáo dân xứ Mỹ Yên (xã Nghi Phương) kéo đến trụ sở UBND xã, mang theo băngrôn, khẩu hiệu có nội dung phản đối chính quyền bắt người trái pháp luật, bao vây phòng làm việc của Đảng ủy - UBND xã, chửi bới, gây sức ép đòi thả 2 đối tượng bị bắt.

Nhiều người vào phòng làm việc của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã, họ lôi ông Đậu Văn Sơn ra khỏi phòng, đưa ra sân, giam giữa trời nắng hơn 1 giờ đồng hồ.

Trước sự việc trên, UBND huyện Nghi Lộc và CA tỉnh đã đề nghị Giám mục Nguyễn Thái Hợp cùng LM Trần Văn Công - quản lý Tòa Giám mục - có mặt tại trụ sở UBND xã Nghi Phương để tuyên truyền, giải tán đám đông.

Tại đây, Giám mục Hợp đã nói với đông đảo giáo dân: “Các con cứ ra về, việc này cha đã có ý kiến với ông Trung tướng Bộ CA và chính quyền xem xét giải quyết, sau 5 ngày nữa, nếu chính quyền không thả người thì cha hết trách nhiệm, các con muốn làm gì thì làm”!

Bắt Chủ tịch UBND xã viết giấy thả người

Ngày 1.9, tại trụ sở UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc làm việc với Giám mục Nguyễn Thái Hợp và một số LM khác để xem xét ý kiến đề nghị bảo lãnh cho 2 bị can Khởi và Hải được tại ngoại. Bất chấp thiện chí của tỉnh, những người trong đoàn vẫn không chấp nhận bảo lãnh, tiếp tục yêu cầu thả người vô điều kiện. Cơ quan CSĐT tuyên bố không chấp nhận yêu cầu đó, vì trái với quy định của pháp luật.

Tại trụ sở UBND xã Nghi Phương sáng 24.9, ông Nguyễn Trọng Tạo - Chủ tịch UBND xã - kể: “Sáng 3.9, lãnh đạo UBND huyện về làm việc tại trụ sở xã. Lúc này, có đến ngàn giáo dân kéo đến trụ sở UBND xã với nhiều băngrôn, khẩu hiệu đòi thả người vô điều kiện. Họ nhốt đoàn công tác trong phòng, bắt tôi phải viết cam kết thả 2 bị can Khởi, Hải. Trước sức ép quá dữ dằn, đến gần chiều tối, tôi phải viết có nội dung đề nghị CA tỉnh thả người theo yêu cầu của giáo dân Nghi Phương.

Có giấy rồi, họ bắt Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Lam phải ký cam kết nội dung thả người. Cũng trên giấy này, họ bắt thêm 4 cán bộ khác phải ký tên vào là Nguyễn Đình Thư - Phó Chủ tịch UBND xã, Hoàng Trung Thông - Phó Bí thư Đảng ủy, Nguyễn Đình Nam và Nguyễn Văn Dũng là Bí thư, Phó Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc”.

Đến 18h30 ngày 3.9, giáo dân mới để cho 6 cán bộ bị nhốt từ 9 giờ sáng không cho tiếp tế cơm ăn, nước uống ra về.

Chiều 4.9, nhiều giáo dân lại xông vào trụ sở UBND xã đòi người như giấy cam kết do Chủ tịch xã đã ký. CA giải thích rằng, không thể thả người theo giấy đề nghị mà giáo dân đã ép Chủ tịch xã ký được. Hàng trăm giáo dân đã chửi bới, lăng nhục lực lượng CA làm nhiệm vụ.

Khoảng 15h30, nhà thờ giáo xứ Mỹ Yên rung chuông báo động. Hàng ngàn người đã kéo đến trụ sở UBND xã, rất đông giáo dân quá khích sử dụng gạch, đá tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Hậu quả của xô xát, ném đá hỗn loạn đó đã làm nhiều giáo dân và 6 cán bộ CA bị thương.

UBND tỉnh cho hay, lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ hôm đó đã phải sử dụng các biện pháp theo đúng quy định của pháp luật để giải tán đám đông, ngăn chặn các hoạt động cực đoan, quá khích, hạn chế hậu quả xấu và sớm ổn định tình hình.

Trả lời câu hỏi của PV Lao Động về việc có thông tin xuyên tạc nói rằng, có bằng chứng cán bộ an ninh thuộc CA tỉnh trà trộn vào dân, kích động việc ném đá, đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Phó Giám đốc CA tỉnh - nói: “Nếu cá nhân, tổ chức nào trưng ra được bằng chứng về việc đó, tôi xin từ chức ngay và hãy bắt tôi vào tù”.

Luật sư Lê Tuấn Anh - Trưởng Văn phòng luật sư Lê Anh (Đoàn luật sư Nghệ An):

 

Cơ quan điều tra bắt tạm giam 2 bị can Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định.

 

Việc người thân của 2 bị can và một số giáo dân quá khích đến UBND xã Nghi Phương ép ông Trần Hữu Lam - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc - viết xác nhận của UBND huyện, ép Chủ tịch UBND xã Nghi Phương Nguyễn Trọng Tạo viết giấy đề nghị xem xét thả 2 bị trên là không đúng người, không đúng việc, không đúng với quy định của pháp luật.

 

UBND các cấp là cơ quan hành chính nhà nước không có thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.

 

Ngoài ra, các hành vi bắt người, gây cản trở sự hoạt động bình thường của chính quyền là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng. T.B (ghi)

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo