Vụ giàn khoan Hải Dương 981: Thành “Vồ” - thuyền trưởng trên đầu sóng
Sáng 13.5, chỉ sau 1 tuần cấp tốc sửa chữa do trước đó bị tàu Trung Quốc đâm móp méo, vỡ kính… trong khi làm nhiệm vụ chấp pháp đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tàu cảnh sát biển 4033 lại nhổ neo thẳng tiến ra điểm nóng Hoàng Sa.
Lời bình :
Sẽ không mấy ai biết được sự gian khổ của những con người ngày đêm vật lộn giữa trùng dương để giữ gìn biển đảo. Cũng không ai có thể hiểu hết được những hy sinh thầm lặng của chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam trên từng dặm nước của xứ sở. Nhưng, chỉ với dăm ba câu chuyện kể của phóng viên Thanh Hải - sau chuyến công tác Hoàng Sa, cùng các chiến sĩ cảnh sát biển đối đầu với “quái vật” Hải Dương 981 - đã tạo nên những tình cảm đẹp đẽ trong lòng người ở bờ khi hướng lòng mình ra biển. Và, chân dung những chiến sĩ cảnh sát biển trẻ trung, can đảm, mà thuyền trưởng Lê Trung Thành là một đại diện, đã cho chúng ta niềm tin sắt son rằng, không kẻ ngoại xâm nào có thể chiến thắng được Việt Nam...
Lê Thanh Phong
Sáng 13.5, chỉ sau 1 tuần cấp tốc sửa chữa do trước đó bị tàu Trung Quốc đâm móp méo, vỡ kính… trong khi làm nhiệm vụ chấp pháp đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tàu cảnh sát biển 4033 lại nhổ neo thẳng tiến ra điểm nóng Hoàng Sa. Lần này, thuyền trưởng Lê Trung Thành ra biển, cũng chính là lúc mẹ của anh phải vào phòng cấp cứu vì những biểu hiện bất thường của căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 2...
Mật ngữ của “Vồ”
Tàu 4033 rời cảng Đà Nẵng lúc 2h sáng. Hơn 40 người trên một con tàu nhỏ, trong đó có 9 nhà báo thuộc các hãng thông tấn quốc tế, 20 nhà báo trong nước và các chiến sĩ cảnh sát biển.
Đến 13h ngày 13.5, chúng tôi đã ở vị trí có thể “chạm” được đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. “Toàn tàu chú ý, tất cả mặc áo phao, đóng chặt cửa, sẵn sàng chờ lệnh tác chiến cấp độ 1” - giọng Quảng Ngãi đặc sệt, sắc lạnh của thuyền trưởng Thành vang lên trên loa.
Lúc này, tàu 4033 đã hòa vào biên đội cảnh sát biển với khoảng 10 tàu ở mũi giáp công này. Thành lúc này như cá gặp nước, hứng khởi réo gọi đồng đội, triển khai đội hình, thực hiện lệnh tác chiến.
Ban đầu, chúng tôi bối rối, không rõ họ đã nói những gì với nhau, bởi Thành không chỉ dùng khẩu lệnh quân đội kiểu mật ngữ, mà còn dùng cả... nickname, từ lóng với những thuyền trưởng - nguyên là bạn học thời ở Học viện Hải quân Nha Trang. "Ba ba, mười ba. Mập sát trái Vồ..."; "bắt đầu vũ điệu Phương Đông, cho nó hút shisha nhé"...
Và liền sau đấy, tôi thấy biên đội cảnh sát biển dàn quân như đội hình bóng đá. Hai tiền đạo là tàu 2015, 2016 đi tốp đầu, 8003 ở trung phong, giữa. Hậu vệ là 2013, 4033, 4032 bọc lót sau cùng. Mỗi tàu cách nhau chừng 1 hải lý, giữ nguyên đội hình tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 với cự ly gần 6 hải lý...
Lúc này tôi mới nhận ra "mật lệnh" của Thành nghĩa là "Tàu 4033 gọi tàu 2013. Đề nghị thuyền trưởng Hoàng Tuấn Anh - tên thân mật của bạn bè từ ngày cùng chung lớp ở Học viện Hải quân là "Mập" - đi cánh trái, sát tàu 4033 của Lê Trung Thành - nickname là “Vồ”...
Tôi suýt sặc cười vì nhận ra thuyền trưởng Thành có hàm răng hơi nhô ra phía trước. “Mật lệnh” kiểu này thì chẳng thám báo nào có thể giải mã nổi. Chúng tôi quần nhau với tàu to Trung Quốc cứ như trò Tom và Jerry. Và rồi thuyền trưởng "Mập" của 2013 đã cho tàu hải cảnh 3411 của Trung Quốc "ăn" một quả khói mịt mùng, khiến tàu này chếnh choáng như... hút shisha.
Sau hơn 2 giờ rượt đuổi, bị Trung Quốc đe dọa tấn công bằng vòi rồng và sẵn sàng đâm trực diện vào các tàu Việt Nam, cả biên đội cảnh sát biển lùi xa giàn khoan hơn 10 hải lý. Lúc này, Thành mới có thời gian chia sẻ: “Nhiệm vụ của tàu em lúc này là chỉ huy cả biên đội, tiệm cận vào giàn khoan Trung Quốc, giúp cho các nhà báo trong nước lẫn quốc tế “tìm sự thật”, khách quan.
Mình thu thập bằng chứng sống động từ thực địa để cho toàn thế giới thấy hành vi thô bạo, ngang ngược khi đưa cả tàu chiến, giàn khoan và cả trăm tàu quân sự giả dạng vào vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, bọn em phải kìm nén cảm xúc riêng tư để đấu tranh ôn hòa. Riêng các biên đội tàu cảnh sát biển và kiểm ngư trên biển hiện nay có cả chục thuyền trưởng là bạn học cùng em ngày còn ở Học viện Hải quân. Bọn em “ăn ý” nhau như chuyền, đá bóng trên sân cỏ...”.
Trong “căn nhà” hẹp
Ngay sau khi “hạ trại”, Thành lệnh ngay anh em làm vệ sinh tàu, nấu ăn, trực canh. Khẩu lệnh của Thành lúc nào cũng mạnh mẽ, dứt khoát một cách lạnh lùng. Không chỉ uy lực trên toàn tàu, mà còn tỏ ra xứng đáng là thủ lĩnh khi chỉ huy cả biên đội tàu trong tác chiến. Giờ chúng tôi mới có dịp làm quen với thủy thủ đoàn. Ai cũng ngỡ ngàng khi biết Thành mới 32 tuổi, nhưng đã làm thuyền trưởng 4 năm.
Thành kể, bố em (ông Lê Trung Việt) nguyên là cán bộ nhà in giải phóng, sau đó có đến 15 năm làm ở Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Mẹ là cán bộ xí nghiệp dược, gia cảnh thuộc loại khá, Thành lại là con trai duy nhất. Thi đậu 2 trường đại học, nhưng Thành đã quyết định chọn Học viện Hải quân Nha Trang để rồi thành người lính biển. Sao Thành không chọn đường quan trường như bố?
“Từ nhỏ, em đã thích đọc kiếm hiệp, yêu mến tính cách các nhân vật của Kim Dung, thuộc lòng tiểu sử các đối tượng “người của giang hồ” (của nhà văn - nhà báo Nguyễn Hồng Lam, Báo An Ninh Thế Giới). Tính cách mạnh mẽ, hành hiệp nghĩa khí cũng là cách sống của đời lính. Có lẽ vậy mà em vào Học viện Hải quân” - Thành nói. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, Thành nhận nhiệm vụ ngay tại Cảnh sát biển vùng 2. Đến năm 2010 đã làm thuyền trưởng, theo đó là những tháng ngày triền miên đi biển.
Hoàn toàn trái ngược với một thuyền trưởng mạnh mẽ, lạnh lùng trong giờ tác chiến, đến bữa cơm, Thành “Vồ” luôn là người ăn sau, ngồi bệt xuống sàn cùng với anh em, thay vì ngồi vào phòng câu lạc bộ sĩ quan với khách. Họ chọc ghẹo, vui đùa bỗ bã cứ như ở ký túc xá sinh viên.
Nguyễn Xuân Dũng - trưởng ngành 5, phụ trách điện, điện tử, máy nổ trên con tàu 6.000 mã lực này - chia sẻ: “Anh thấy đó, khi xung trận, bọn em phải rượt đuổi nhau với tàu Trung Quốc với tốc độ 25 - 30 hải lý/giờ. Họ lại lắt léo đổi hướng liên tục, rồi chặn đầu, cố ép để triệt hạ mình một cách ác ý, lệnh nó (tức Thành “Vồ”) mà không dứt khoát, không chuẩn thì hậu quả không chỉ chìm tàu, mà còn là sinh mạng thủy thủ đoàn. Nhưng, nếu nó mà cứ sắc lạnh như lúc tác chiến thì anh em làm sao có thể sống nổi trong căn nhà hẹp là con tàu này”.
Đại tá Võ Văn Kính - Phó Chính ủy Cảnh sát biển vùng 2 - tỏ ra quý mến những người lính trẻ đầy quả quyết nhưng rất tình cảm của mình. Ông nói, các em yêu quý và đối xử với nhau như trong một gia đình, nhất là khi còn nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn, vợ chưa có việc làm, con nhỏ, ở nhà thuê. Thành gia cảnh khá hơn, nên luôn chia sẻ với đồng đội...
Nghĩa lớn Hoàng Sa
7 ngày trên tàu 4033 của Thành “Vồ” với chúng tôi qua nhanh, bởi luôn bận rộn với những cuộc “xung trận” liên tiếp. Nhưng, tôi đã thuộc hết những gương mặt, từng giọng nói và cả câu chuyện đời tư của anh em chiến sĩ. Phút bình yên hiếm hoi trên biển, tôi thấy Thành ngồi trên boong, hướng mắt xa xăm về phía mặt trời lặn. Dò hỏi, mới biết mẹ anh - bà Huỳnh Thị Như Đóa - đã lâm bệnh hiểm nghèo (ung thư vòm họng giai đoạn 2). Gia đình chỉ mỗi Thành “Vồ” là con trai, nhưng nhiệm vụ đặc biệt liên tiếp cần anh ở Hoàng Sa.
Vậy là chỉ có mỗi bố Thành phải đưa mẹ anh vào TPHCM để chữa trị, ông bà già phải thuê phòng trọ để gần viện. “Mẹ em đã 7 lần xạ trị. Khi tàu 4033 vào quân cảng Đà Nẵng sửa chữa, em cũng không tranh thủ về thăm mẹ được. Ngày anh em mình ra biển, mẹ em lại phải vào phòng cấp cứu. Ở Quảng Ngãi, vợ em mới sinh con được 2 tháng tuổi, phải một mình toan lo chuyện hậu phương. Sốt ruột lắm anh ơi...”. Nhưng rồi, Thành lại tự an ủi: “Ngay trên tàu em, có biết bao nhiêu chiến sĩ cũng có hoàn cảnh đặt biệt, nhưng họ đều gác nỗi việc nhà để đi làm nhiệm vụ. Tổ quốc đang có biến, mình đâu vì tình riêng mà bỏ việc nghĩa chung được hả anh...”.
Cũng chính câu chuyện riêng cảm động và nghĩa khí của Thành “Vồ”, tôi mới phát hiện ra bác sĩ quân y Trương Trường Quang cũng tơi bời ruột gan khi ngày cưới của mình chỉ còn đếm ngược trên đầu ngón tay. Ở nhà, thiệp mời đã gửi, cô dâu đã thuê cả áo cưới, hoa tươi... Tôi biết, thượng úy Nguyễn Văn Dũng đã phải 2 lần hoãn cưới vợ, vì nhận nhiệm vụ đột xuất... Rồi bao nhiêu gia cảnh buồn thương khác của các chiến sĩ. Người lính cảnh sát biển thật hào sảng, oai hùng nơi tiền tuyến nóng bỏng Hoàng Sa, được triệu triệu người dân Việt yêu mến, ngưỡng mộ. Nhưng phía sau đó là những hy sinh thầm lặng, đáng cảm phục. Trong đó, phải kể người “anh cả” của con tàu 4033 - Lê Trung Thành.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo