Pháp luật

Vụ sập cầu Ghềnh: Nghi can khai gì với công an?

(DNVN) - Liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh, công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 3 nghi can. Bước đầu ba nghi can đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM, ngày 21/3, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đã di lý 3 nghi can đã trong vụ sập cầu Ghềnh là Phan Thế Thượng (63 tuổi, chủ tàu kéo sà lan), Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu), Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) từ Sóc Trăng về Đồng Nai để phục vụ điều tra. 

Ba người này được cho là những người đã vận hành sà lan 800 tấn tông vào chân cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai khiến cầu bị sập vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 20/3. Theo thông tin ban đầu, vào thời gian trên, Giang và Lẹ là hai người trực tiếp điều khiển tàu đẩy mang số hiệu SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 đi từ tỉnh Tiền Giang đến TP Biên Hòa. 

Hai lái phụ điều khiển chiếc đầu kéo sà lan chở cát tông sập cầu Ghềnh. Ảnh báo Pháp luật TP. HCM.

Khi đến chân cầu Ghềnh, do thiếu quan sát nên tài công đã để sà lan đâm trực diện vào trụ cầu số 2 của cầu Ghềnh. Cú va chạm mạnh khiến hai nhịp cầu đổ sập xuống sông.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu ba nghi can đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, chủ tàu đẩy Phan Thế Thượng khai là tài công chính trong sáng 20/3. Thượng điều khiển tàu đẩy sà lan lên TP. Biên Hòa. Khi đi đến phà Cát Lái (TP. HCM) thì lên bờ đi công việc riêng, giao lại cho Giang và Lẹ điều khiển tàu tiếp tục đưa sà lan đến cầu Ghềnh thì gặp nạn.

Cũng trong ngày 21/3, tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sập sau vụ va chạm với sà lan, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Thời gian khắc phục sự cố cầu Ghềnh dự kiến mất 5 tháng, nhưng do yêu cầu cấp thiết của tuyến đường này phải cố gắng xử lý sự cố trong 2,5 tháng. Báo TTXVN thông tin.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, để khắc phục sự cố, ngành Đường sắt phải tổ chức lại sản xuất, kế hoạch vận tải. Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam chịu trách nhiệm là đầu mối về công tác trục vớt, thanh thải chướng ngại vật trên sông. 

“Việc khắc phục sự cố là rất cấp thiết nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải chỉ định đầu mối xử lý vụ việc này cụ thể, người chỉ đạo phải chịu trách nhiệm chính về các phương án xử lý, thậm chí, không phải đợi xin ý kiến cấp trên để tránh lãng phí thời gian."

 

 "Hàng ngày, Ban chỉ đạo khắc phục sự cố sập cầu Gềnh sẽ họp giao ban và Tổng công ty Đường sắt phải báo cáo tình hình cụ thể. Bên cạnh đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề xuất cơ sở phương án đảm bảo đường thủy trong thời gian chờ khắc phục sự cố. Ngoài ra, Viện Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) kiểm định hai dầm, hai trụ còn lại và nếu cần thiết thì kiểm luôn mố cầu. Dù có thay thế cầu mới cũng phải có kiểm định”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Tại cuộc họp, Bộ GTVT xây dựng 3 phương án khắc phục cầu Ghềnh, gồm: Khôi phục, nâng cấp và làm mới hoàn toàn. Trong đó, thời gian là yếu tố số đặt ra hàng đầu để đưa cầu vào khai thác sớm nhất có thể. Do đó, các cơ quan liên quan phải huy động tổng lực để rút ngắn thời gian khắc phục sự cố.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo