Vụ sập nhà ở Hà Nội: Vì sao chưa khởi tố vụ án?
Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, tính tới 11h30 ngày 4/8, đã có hai nạn nhân tử vong trong vụ sập nhà 4 tầng tại 43 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội. Trong đó, nạn nhân Nguyễn Văn Thanh đã tử vong vào hồi 7h25 khi đang trên đường cấp cứu. Nạn nhân cuối cùng được tìm thấy vào lúc 11h là chị Nguyễn Thị Hằng đã tử vong trước khi được đưa ra ngoài.
Trước đó, 4 người được đưa đến nơi an toàn gồm: anh Nguyễn Vĩnh Đua, anh Trần Văn Dần, anh Nguyễn Hồng Chiến và anh Nguyễn Văn Thắng. Tại hiện trường, 4 người được giải cứu khỏi đống đổ nát gồm anh Nguyễn Văn Thành, anh Nguyễn Văn Quang, chị Nguyễn Thị Hằng, chị Nguyễn Thị Thoa.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đông nghiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này chưa thể quy kết trách nhiệm hình sự cho ai nên chưa thể khởi tố vụ án. Trong khi đó, Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi nào cơ quan chức năng có kết luận về nguyên nhân gây sập nhà, lúc đó mới biết ai phải chịu trách nhiệm. Bởi muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm, phải có đủ căn cứ chứng minh, đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).
"Nếu cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân sự cố sập nhà là do việc thi công đào móng gây ra thì đơn vị thi công (chủ thầu) phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại đã gây ra.
Trong trường hợp chủ nhà có giao kết hợp đồng thuê đơn vị thi công công trình (chủ thầu) là người trực tiếp chỉ đạo việc thi công gây sập nhà ngoài trách nhiệm bồi thường dân sự còn có dấu hiệu tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.", Luật sư Thái cho hay.
Cũng theo luật sư Thái, khi nhà số 41 Cửa Bắc thực hiện thi công cần khảo sát, tính toán phương án xây dựng để không ảnh hưởng đến nhà bên cạnh (nhà 43 Cửa Bắc, ngôi nhà bị sập). Đồng thời, nếu thấy việc đào móng có ảnh hưởng đến các nhà bên cạnh thì chủ thầu cần có phương án gia cố, chống đỡ.
Theo thông tin thì đơn vị thi công đã được bà con hàng xóm cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho các công trình liền kề nhưng đơn vị thi công vẫn tiếp tục dùng máy xúc đào móng vào ban đêm. Hậu quả xảy ra thì người được thuê thi công công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả đã xảy ra.
Mặt khác, theo nhận định của luật sư Nguyễn Hồng Thái, cần xem xét thêm trách nhiệm của chủ sở hữu căn nhà số 43. Giả thiết ngôi nhà số 43 chỉ được cấp phép xây dựng ít hơn so với thực tế xây dựng thì vi phạm quy định của pháp luật “xây dựng trái phép”. Tuy nhiên trong trường hợp này phải xác định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính còn hay không.
End of content
Không có tin nào tiếp theo