Vụ sếp lĩnh lương “khủng”: Sẽ quy trách nhiệm người vi phạm thế nào?
Thất thoát tiền tỷ, quy trách nhiệm thế nào?
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ĐB Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, việc những người đứng đầu ở 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM lĩnh lương tiền tỷ hàng năm trời mà không bị phát hiện là rất đáng nghi ngờ...
“Đây không phải là doanh nghiệp tư nhân mà là doanh nghiệp công ích nhà nước, nhận được rất nhiều ưu đãi về mọi mặt, vì thế một ông Giám đốc hưởng mức lương cao hơn 41 lần người lao động tại đơn vị ấy là không hợp lý.
Mức lương của vị giám đốc này cũng gấp khoảng 20 lần những đại biểu Quốc hội như tôi. Vai trò của các cơ quan liên quan có trách nhiệm giám sát hoạt động của 4 doanh nghiệp này không có tiếng nói gì, vì thế dư luận có quyền đặt câu hỏi: Một là có sự quan liêu trong quy trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hai là đang có vấn đề lợi ích nhóm.
Bây giờ, chúng ta mới được biết về mức lương tiền tỷ của các ông giám đốc này trong năm 2012. Vậy còn những năm trước thì sao, không ai hay biết?”. ĐB Cương nói.
Trước những thông tin băn khoăn, nếu các doanh nghiệp này làm thêm những việc khác và có lãi nên họ đã chia lợi nhuận lớn, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho hay: “Những doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi của nhà nước, họ là doanh nghiệp công ích chứ không phải một công ty kinh doanh.
Giả sử họ làm thêm được một số việc nào khác và có thêm doanh thu thì cũng phải sử dụng đồng tiền ấy sao cho hợp lý, chứ không thể lấy cái cớ lãi lời rồi chia nhau những mức lương tiền tỷ như vậy.
Như vậy là anh đã lợi dụng những điều kiện ưu đãi đối với một doanh nghiệp nhà nước để tìm kiếm cái lợi cho bản thân một số người, trong khi đó những người lao động thực sự ở những doanh nghiệp này thì chỉ được hưởng một phần lương nhỏ”.
Bên cạnh đó, ĐB Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng đồng tình với một số nhận định: Cần phải có một cuộc kiểm tra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước sau sự cố lương “khủng” này. Ông Cương nhận định: “Ở một địa phương lớn như TP.HCM mà còn xảy ra chuyện như vậy thì cũng không loại trừ những chuyện tương tự có thể cũng đã xảy ra ở một số địa phương khác, có thể số tiền không lớn tới mức ấy nhưng tỷ lệ chênh lệch phần trăm giữa nhóm người làm công tác quản lý và người lao động còn lớn hơn nhiều”.
Qua vụ việc này, dư luận đang thắc mắc: Phải chăng vì chế tài của chúng ta chưa đủ để ngăn chặn những vụ lương “khủng”, chưa đủ ngăn chặn các nhóm lợi ích?
Ông Nguyễn Sỹ Cương bình luận: “Đó là vì chúng ta không xử lý nghiêm, thất thoát lãng phí thì rất nhiều, có khi hàng vài chục tỷ đồng nhưng rồi có thu hồi được không, quy trách nhiệm thế nào? Rốt cuộc, chúng ta lại kết luận chung chung là do buông lỏng quản lý”.
Cải cách tiền lương tạo tiền đề chống tham nhũng
Qua vụ việc lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích nhận lương cao ngất ngưởng, vấn đề đồng lương công chức, viên chức lại một lần nữa được đưa ra luận bàn. Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, thực trạng một bộ phận công chức, viên chức nhà nước “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” không có đóng góp gì mà vẫn nhận lương là có thật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người thực sự có năng lực cũng chỉ được hưởng mức lương tương đương với những người năng lực yếu, bởi thang lương là quy định chung nhưng lại không có những phần đánh giá trách nhiệm, hiệu quả công việc.
“Đây là vấn đề bất cập với rất nhiều cơ quan nhà nước, người làm việc thực sự có khi phải gánh luôn cả phần việc của những người yếu kém, nhưng nếu bảo đuổi việc những người đó đi thì rất khó. Tôi phải nói thật là với cơ chế hiện nay của chúng ta, để đuổi việc một công chức, viên chức đâu có dễ, dù rằng chuyên môn của họ yếu kém và trong cơ quan ai cũng nhìn thấy”, ông Cương nói.
Bàn về sự bất cập của chế độ tiền lương với công chức, viên chức, ông Nguyễn Sỹ Cương nhận định: “Đây là vấn đề muôn thuở, chúng tôi cũng từng có ý kiến về việc nâng lương cho công chức nhà nước để đồng lương thực sự đáp ứng được cuộc sống, từ đó người lao động sẽ toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ, nhưng theo lý giải của các nhà quản lý thì ngân sách của chúng ta chưa cho phép làm được điều đó.
Và mặt bằng chung là tiền lương thấp, người ta buộc phải làm những việc khác để kiếm sống, đấy là câu chuyện thực tế. Có người thì làm công tác chuyên môn ở cơ quan, nhưng cũng có người thì làm việc bên ngoài chẳng liên quan gì tới chuyên môn, vị trí làm việc ở cơ quan có khi chỉ là cái danh họ cần mà thôi. Bao nhiêu năm nay, chúng ta cứ luẩn quẩn với bài toán tiền lương, với câu chuyện dùng người nhưng chưa tìm thấy lời giải”.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương rất thẳng thắn khi nói rằng, đồng lương hiện nay không thể thu hút nổi nhân tài cho các cơ quan nhà nước, và đồng lương hiện nay cũng là một trong những tiêu chí cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng của ta sẽ còn gặp vô vàn khó khăn.
“Vừa rồi một thủ khoa của Đại học GTVT Hà Nội được Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa về Viện Khoa học và công nghệ GTVT. Nhìn ở mặt tích cực, chúng ta thấy đây là một hành động cần thiết của Bộ trưởng. Nhưng cũng thử nghĩ xem, đây mới chỉ là sự khởi đầu, liệu rằng với chế độ tiền lương chỉ vài ba triệu mỗi tháng thế này thì cậu ấy sẽ tồn tại được ở đó bao lâu? Đó là câu chuyện hết sức thực tế, hết sức đời thường mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt”. Ông Cương bày tỏ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao