Vướng "rào" ngôn ngữ, Việt kiều về quê khám bệnh
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Khoa chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã cho biết như trên.
Khám rồi không hiểu lại về khám lại
Ghi nhận của phóng viên, tại khoa chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy khá đông người nước ngoài và Việt kiều tới khám.
Một trong số đó là chị Lê Thị Kiều, 43 tuổi, Việt kiều Úc, hiện tạm trú tại quận 10, TP.HCM.
Chị Kiều cho biết mình sang Úc từ năm 30 tuổi, hiện đang làm việc tại một cửa hàng bán đồ ăn nhanh tại Melbourne.
Sang lập nghiệp tại xứ người đã hơn chục năm, nay khi kinh tế vững vàng hơn, chị Kiều nghĩ tới chuyện chăm lo cho sức khỏe.
“Khám tổng quát bên Úc nếu có bảo hiểm thì được chi trả khoảng 70%, nhưng không có bảo hiểm, tự trả tốn từ 4000 – 5000 đô la Úc. Tôi không nói về chuyện tiền bạc mà hơn cả là rào cản ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ giao tiếp thì không vấn đề nhưng khi bác sĩ khám đề cập tới các thuật ngữ chuyên khoa tôi thấy mù mờ, chưa thông suốt. Thậm chí có những bất thường trong cơ thể tôi còn chưa biết giải thích bằng tiếng Việt ra sao chứ đừng nói tới tiếng Anh.”, chị Kiều tâm sự.
Chính vì thế, nhân dịp về Việt Nam thăm quê hương, chị Kiều lên kế hoạch đi khám sức khỏe tổng quát cho yên tâm.
Đang ngồi chờ khám bệnh, chị Trần Thanh Thủy, 32 tuổi, Việt kiều Nhật cũng chia sẻ lý do tại sao mình tranh thủ về Việt Nam đi khám bệnh.
Chị Thủy giãi bày: “Nơi tôi sinh sống ở Nhật khám tổng quát không được bảo hiểm y tế chi trả, thường nếu người đó là nhân sự chính thức thì công ty sẽ chi trả. Khám tổng quát như một hình thức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các nhân viên thường niên. Nếu công ty không trả thì mình sẽ phải tự bỏ tiền túi. Một gói khám sơ sơ chỉ gồm xét nghiệm máu hay nước tiểu tốn số tiền tương đương 4 triệu đồng Việt Nam.”.
Khi được hỏi 4 triệu đồng Việt Nam ở Nhật đâu phải số tiền đắt đỏ, trong khi điều kiện y tế bên đó rất tốt, sao chị lại về đây khám, chị Thủy cười: “Đúng vậy, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật họ tốt nhưng kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ Việt mình lại rất giỏi. Bên kia ít bệnh nhân hơn nên kinh nghiệm bác sĩ chưa chắc bằng mình đâu. Tôi ở bên đó 4 năm bệnh có nặng cũng chưa bao giờ được tầm cỡ như Giáo sư khám. Toàn phải khám ở những phòng khám nhỏ lẻ, họ đồng ý giới thiệu mới được khám ở bệnh viện lớn. Mạng lưới y tế cơ sở của họ tốt, nên không bao giờ bệnh viện bị quá tải, nhưng tôi thấy khám bệnh mất thời gian và lòng vòng quá. Về Việt Nam chơi, tôi phải tranh thủ đi khám để được khám tỉ mỉ hơn.”
Khám tổng quát xong hết trong ngày
Bác sĩ Trang cho biết Khoa Chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy có một phòng dành riêng cho Việt kiều và người nước ngoài là khách du lịch hoặc đang làm việc tại Việt Nam.
Trung bình mỗi ngày có 20 – 30 người nước ngoài và Việt kiều tới Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh.
Trong số đó 50% là các trường hợp khám bệnh tổng quát, số còn lại khám các bệnh chấn thương, cấp tính, hô hấp, tiêu chảy…
Giải thích tại sao nhiều Việt kiều về nước chơi, tới khám tổng quát, bác sĩ Trang nói: “Bà con mình ở nước ngoài đâu phải ai cũng có bảo hiểm y tế. Một số bệnh nhân chia sẻ đi khám bệnh nhiều khi kết quả xét nghiệm họ hẹn từ 1 đến 2 tháng. Trong khi tới Chợ Rẫy khám tổng quát từ sáng tới chiều là xong hết, từ các kết quả xét nghiệm tiểu đường, mỡ máu, chức năng gan, thận, chụp phim phổi, siêu âm bụng, phụ khoa...Có bệnh nhân Việt kiều phàn nàn, ngôn ngữ thì họ hiểu nhưng thuật ngữ y khoa khó quá, nghe bác sĩ giải thích chẳng biết mình bệnh gì, đã khám rồi lại phải về Việt Nam khám lại.”
Minh chứng cho lời nói của mình, bác sĩ Trang kể có một Việt kiều người Singgapore, cứ 3 tháng bà ta lại về Việt Nam và tới Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám, lấy thuốc uống.
Tại Khoa khám dịch vụ theo yêu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân không phải chờ đợi lâu, bác sĩ làm việc tại đây phải có trình độ ngoại ngữ tốt.
Sau khi khám xong, nếu phải làm các xét nghiệm, sẽ có nhân viên y tế đưa bệnh nhân tới tận nơi để tránh sự bất tiện.
Bệnh nhân không phải tự đi lấy kết quả xét nghiệm, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh...được trả về phòng khám. Bệnh nhân chỉ việc tới phòng khám, nhận kết quả và nghe bác sĩ tư vấn, giải thích bệnh tình.
“Chúng tôi lập bộ hồ sơ cho bệnh nhân, lật từng trang giải thích cặn kẽ, kèm lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, thuốc men. Kết quả khám bệnh cho người nước ngoài được ghi bằng tiếng Anh, còn Việt kiều là tiếng Việt và sẽ ghi cả hai thứ tiếng Anh và Việt nếu bệnh nhân yêu cầu. Ưu điểm của Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa, dù điều kiện dịch vụ không bằng các bệnh viện tư nhưng vẫn được người nước ngoài và Việt kiều lựa chọn. Bởi khi khám tại các bệnh viện tư nhân, dù dịch vụ họ rất tốt nhưng đôi khi chỉ có lợi thế về một chuyên khoa nào đó, gặp ca nặng họ lại chuyển về Chợ Rẫy.” - bác sĩ Trang cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?