Xã hội đang 'ung thư máu' về lao động
Trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - người sáng lập ra hệ thống bệnh viên tư lớn nhất Việt Nam, 1 trong 100 CEO châu Á xuất sắc nhất trong năm 2012 – về vấn đề khởi nghiệp diễn ra vào thời điểm hàng trăm nghìn học sinh lớp 12 đang cân nhắc, đắn đo tìm trường thi đại học.
"Nạn nhân" của truyền thống hiếu học
Ông Nguyễn Hữu Tùng nhận xét: Theo tôi, mục tiêu vào đại học hiện nay của đa số học sinh phổ thông là việc đáp lại yêu cầu của phụ huynh, không phải yêu cầu của xã hội.
Phần lớn sinh viên vào trường dưới áp lực của gia đình chứ không phải điểm đến của xã hội, nên lúc nào cũng thừa - thiếu nhân lực là vậy.
Lớp trẻ là người thừa kế quản lý xã hội trong tương lai. Nhưng rõ ràng họ không nhìn thấy được mục tiêu sâu xa, mà vì gia đình là chính. Cha mẹ yêu cầu phải học, áp lực hình thành từ rất lâu đời trong xã hội là phải vào đại học. Không học được đại học là không ra gì, uổng công nuôi dạy...
Đặc biệt ở miền Trung và miền Bắc quan niệm này khá nặng nề.
Nhiều trường nước ngoài mở ở Việt Nam cũng chính vì tinh thần hiếu học này. Gia đình nghèo cỡ nào cũng cho con đi học. Nhưng vấn đề ở chỗ mục tiêu ngắn gọn của đa số chỉ là vào đại học. Các em giống như nạn nhân bị bó buộc trong văn hoá hiếu học, rất căng thẳng khi vào đại học gần như là con đường bắt buộc.
Sau khi vào rồi, ba mẹ đã đạt được ý nguyện, con muốn học sao thì tuỳ.
Nhưng không ít học sinh cũng vào đại học từ chính nguyện vọng của bản thân, khi các em cho rằng học hành chính là một lối thoát cho cuộc sống khó khăn hiện tại…
- Nếu cho rằng học để thoát khỏi cuộc sống hiện tại là không phải. Thực ra, thoát khỏi cuộc sống hiện tại rất dễ. Nhiều thanh niên hiện nay đang sống rất đơn điệu, chỉ máy tính, chơi game, điện thoại…
Trước đây thanh niên rớt đại học không sao. Học hết lớp 12 là đi làm được rồi, từ những nghề như hành chính, viết đơn thư phụ việc, hoặc đi học nghề.
Vấn đề là làm sao cho các em hiểu được rằng phải tôn trọng sự lao động. Làm cho công ty lớn là lao động, nhưng làm việc chân tay, làm nông cũng là lao động.
Phải yêu lao động, và biết đồng tiền từ tấm bé. Tiền từ đâu ra, sử dụng như thế nào, kế hoạch sử dụng như thế nào. Cha mẹ đừng ngại đưa tiền cho con từ nhỏ, nhưng nếu chỉ để cầm đi mua quà bánh là vô ích, mà phải có hướng dẫn. Yêu tiền mới yêu cha mẹ vì làm ra tiền khó khăn.
Lúc đó, vào hay ra đại học không phải là tất yếu mà phải có nghề, từ chân tay, đơn giản đến phức tạp, nặng nhọc… để lao động.
Với áp lực gia đình, làng xóm nặng nề như vậy, theo ông học sinh phải vượt qua như thế nào?
- Vấn đề không phải chỉ nói cho các em học sinh, mà quan trọng là phải nói được đến phụ huynh, chính phụ huynh phải vượt qua được điều đó.
Ví dụ, thấy con cháu một người bạn ở quán ăn, thay vì về hỏi bạn “sao con mày lại làm ở quán ăn?”, thì có thể nói sao để người bạn cảm thấy hãnh diện, chứ không phải lo sợ vì con mình bị phát hiện.
Kiều hối về Việt Nam một phần là do làm nails (nghề làm móng chân móng tay). Đa phần người Việt ra nước ngoài làm các công việc bình thường...
Không vượt qua được áp lực “phải học đại học” đó thì không xây dựng đất nước, xã hội được.
Học gì cũng được không cần đại học, mà học để trở thành người lao động chuyên nghiệp, bài bản, có năng suất.
Tức là học ra có thể làm bất cứ nghề gì? Và chúng ta không cần đặt ra vấn đề lãng phí khi người tốt nghiệp ra trường làm trái ngành nghề được đào tạo?
- Chúng ta hiện nay đang thua thời… chiến tranh. Thời chiến, đến bác sĩ về nông thôn cũng có thể làm đủ thứ nghề. Muốn có được điều, chúng ta phải xác định tư tưởng cho học sinh từ khi còn nhỏ, rằng tương lai làm gì cũng được, không nhất thiết phải học gì ra làm nấy.
Sinh viên không cần phải đi theo nghề đã học, mà theo nghề gì cũng được. Nếu có điều kiện làm đúng nghề là tốt, nhưng phải chấp nhận mọi hình thái của xã hội.
Vậy thì, sự đầu tư cho con cái của các bậc phụ huynh nên như thế nào mới là hợp lý?
- Hiện nay dùng từ “đầu tư” cho con cái là sai.
“Đầu tư” là từ dùng cho hàng hoá. Đầu tư dùng cho trường học, đào tạo sinh viên, cơ sở vật chất để sinh viên nâng cao thể lực, phương tiện học hành, chương trình giảng dạy, hướng tới những gì tốt đẹp cho xã hội.
Nuôi con là ước ao con vào trường để làm xã hội tốt hơn chứ không phải để học ra kiếm tiền.
Gieo khái niệm “đầu tư” khiến sinh viên chịu áp lực, vì đầu tư là phải có lãi.
Không nên nghĩ rớt đại học là buồn bã, mà nên xác định có một nghề, nhất nghệ tinh nhất thân vinh.
Có những người đầu bếp lương tháng vài chục triệu, nghề bác sĩ được bao nhiêu, mà bác sĩ dám coi thường đầu bếp? Cha mẹ thấy con hý hoáy trong bếp sao không động viên con theo đuổi năng khiếu mà lại bắt con lên nhà lo học thi vào trường y?
Ngành giáo dục phải thay đổi lối vào đời cho các em. Xây dựng nên những ngôi trường học thật dạy thật để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đào tạo theo năng lực hay theo nhu cầu xã hội cũng được, nhưng phải đàng hoàng, bài bản, ra phải làm việc được.
Xã hội đang "ung thư máu" về lao động
Tại sao ông lại chẩn ra căn bệnh nan y này?
- Trong y khoa, bệnh nhân ung thư máu căn bệnh mà tuỷ xương tiếp tục sản sinh ra tế bào máu nhưng cho ra ngoại biên những máu ung thư, không có máu lành, không sử dụng được. Con người chết dần chết mòn vì vậy.
Trường học là một dạng tuỷ xương, dạy rất nhiều người học nhưng ra xã hội tuyển dụng khó khăn.
Tôi từng phải tuyển dụng rất nhiều nhân viên, có điều tuyển một thư ký cho ra thư ký, một hành chính cho ra hành chính, một lưu trữ cho ra lưu trữ không đơn giản. Tuyển nhân sự, tổ chức, kinh doanh, bán hàng đều khó khăn dù cử nhân thất nghiệp đầy ra.
Cử nhân điều dưỡng cũng thất nghiệp nhiều, nhưng khi thử việc trải cái ga giường không xong, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc không được, tiêm sai vị trí…
Tất cả phải đào tạo lại. Doanh nghiệp mất tiền, đến khi có được nhân viên tốt rồi nhân viên lại ra đi, tìm chỗ có lợi hơn. Với tôi, những nhân viên này không có kỹ năng sống, sẽ không có được sự tôn trọng.
Là người có lý lịch nhảy việc khá "hoành tráng", sao ông lại tỏ ra khắt khe với những người nhảy việc như vậy?
- Tôi từng nhảy việc trong vòng 14 năm, với trung bình 2 năm thay đổi công việc một lần, vì muốn đi tìm chính bản thân. Cho đến khi bắt tay vào làm Phòng khám Hoàn Mỹ tôi mới biết đây chính là điều mình cần: tự xây nên một thế giới khám, chữa bệnh theo ý mình. Tìm được bản thân rồi mới cống hiến được cho xã hội.
Nhưng tôi thấy rằng tỉ lệ người nhảy việc để đi tìm mình ít hơn nhiều so với nhảy việc vì đời sống cá nhân.
Có nhảy đi đâu thì cũng phải có mục tiêu. Cái nhận được chính là hiệu quả cuối cùng của một quá trình phấn đấu ghê gớm vượt qua trở ngại bản thân.
Còn cái kém nhất, yếu đuối nhất của tuổi trẻ hiện nay là đòi hỏi cho bản thân chứ không vì người khác. Họ không tìm cách vượt qua khó khăn, mà từ chối vượt khó khăn.
Ví dụ, một bác sĩ đang làm việc ở thành phố mà nhận nhiệm vụ đi tỉnh là sợ lắm, ngay lập tức lên tìm giám độc bệnh viện xin ở lại với đủ lý do con ốm vợ sắp sinh phòng khám không người trông nom…
Sở dĩ xảy ra điều này do thanh thiếu niên Việt Nam chưa tìm ra lý tưởng sống. Mà theo tôi, lý tưởng sống đó phải hướng về tổ quốc, quê hương đất nước. Có như vậy mới hình thành nhân cách con người.
Người tốt là người biết yêu thương, đóng góp cho đất nước. Khi đó vật chất tự nhiên lùi về phía sau, không phải điều quan trọng nhất. Tuổi trẻ đang thiếu một cách trầm trọng điều này.
Lý tưởng này phải do các em tự hướng tới, hay sẽ cần người khác chỉ cho, thưa ông?
- Điều này phải có trong mỗi con người.
Nếu lý tưởng bị hướng dẫn sẽ không phải là lý tưởng được tự do phát triển. Nếu bóp méo, hướng dẫn mà người được hướng dẫn không muốn sẽ dẫn đến sự phản kháng.
Xin cảm ơn ông.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam
Cột tin quảng cáo