Xã hội

Chưa kịp thời trong rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch

DNVN - Chiều 3/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội về tiến độ di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng quá trình rà soát đánh giá thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn mang tính hình thức.

Đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu Đà Nẵng báo cáo các dự án “treo” / Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV: Đề nghị tăng lương tối thiểu vùng, kiểm soát giá xăng dầu

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 3/11, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương- Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Tại phiên chất vấn, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh), đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang), đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định), đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về các vấn đề liên quan đến biện pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giải quyết tình trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi; làm rõ trách nhiệm, giải pháp nhiều dự án nhà ở, khu đô thị xuống cấp tại Hà Nội.

Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết hướng hỗ trợ các chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên, người lao động có thu nhập thấp thời gian tới; vấn đề trả sổ hồng, sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở cho dân cư cũng như giải pháp khắc phục tình trạng hình thức trong việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về vấn đề quy hoạch.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng hình thức
trong việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.

Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...

Cho rằng tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

Về chất vấn của đại biểu đối với việc thoát nước đô thị, dù được các địa phương quan tâm nhưng vấn đề ngập úng vẫn chưa được giải quyết cơ bản, còn bất cập làm ảnh hưởng đời sống người dân.

Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên môi trường, do quy hoạch, do quá trình bê tông hóa, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dâng; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách là một trong chính sách ưu tiên và thể hiện tính ưu việt của Đảng, Nhà nước ta.

Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ về nhà ở như chương trình hỗ trợ người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung cũng đã triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công cũng ảnh hưởng và không đáp ứng được chương trình này.

Về giải pháp Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng kết chương trình hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công, người nghèo bảo đảm đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo chính sách theo hướng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng này.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận Bộ Xây dựng chưa kịp thời trong rà soát,
đánh giá thực hiện quy hoạch.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, qua thanh tra giải quyết khiếu nại cho thấy, tranh chấp nhà chung cư xuất phát từ 5 nhóm vấn đề, trong đó có cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất. Thời gian qua, Bộ đã tiến hành thanh tra xử lý hành vi vi phạm yêu cầu chủ đầu tư giải quyết tranh chấp.

Bộ sẽ rà soát hoàn thiện các quy định trong đó có sửa đổi Luật Xây dựng xác định rõ quy định chặt chẽ trong quản lý vận hành chung cư.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận quá trình rà soát đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức, việc thi hành pháp luật còn chưa được triệt để.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, chưa kịp thời hướng dẫn, xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị để bảo đảm công tác này được thực hiện chặt chẽ đúng theo quy định của pháp luật.

Bộ sẽ đề xuất sửa đổi điều chỉnh các Luật liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó dự kiến sửa đổi bổ sung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, hoàn thiện quy trình lập quy hoạch, quy trình điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Liên quan đến vấn đề về tiến độ di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học, Bộ trưởng nêu rõ, đúng như đánh giá của đại biểu, việc di dời triển khai chậm.

Nguyên nhân của chậm trễ này là các cơ quan chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, chậm xây dựng dự án di dời; nguồn ngân sách bố trí di dời và đầu tư hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế; chưa huy động nguồn lực ngoài ngân sách.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung về giám sát đôn đốc; các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể theo nhiệm vụ Chính phủ giao chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cần thúc đẩy tiến độ quy hoạch ngành quốc gia, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện; cơ chế chính sách di dời. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp của bộ ngành trong thời gian tới.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm