Khơi thông nguồn lực để thu hút đầu tư
DNVN - Khơi thông nguồn lực xã hội để thu hút đầu tư là một trong những nội dung quan trọng trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội” của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Việt Nam hoan nghênh các tập đoàn của Ấn Độ mở rộng đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí / Xin ý kiến xây dựng 10 triệu ha vùng trồng chuẩn VietGAP tận dụng đầu tư các nước WTO
Đánh giá về tác động của dịch bệnh COVID-19 đến phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 và năm 2021, Chính phủ nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế cả 2 năm 2020-2021 ở mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây, suy giảm ở cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ; ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong năm 2021. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng trong năm 2020 và năm 2021, nhất là trong nhóm ngành dịch vụ. Dịch bệnh không chỉ làm suy kiệt dòng tiền, mà có thể ảnh hưởng dài hạn đến lao động, chuỗi cung ứng sản xuất và thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp.
Riêng về thu hút đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 tăng 4,9%, năm 2021 tăng 3,2%. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021 ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020; tuy nhiên giải ngân vốn FDI chỉ đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020.
Khơi thông nguồn lực xã hội để thu hút đầu tư là một trong những nội dung quan trọng trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”
Chính phủ khẳng định: Nếu không có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 5,4%/năm, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra (6,5-7%/năm); nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Nhấn mạnh về giải pháp chủ yếu trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”, Chính phủ dành một đề mục quan trọng cho việc thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực đầu tư xã hội, qua đó, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài về quỹ đất sạch, nhân lực, hạ tầng phục vụ sản xuất; bám sát khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để kịp thời tháo gỡ; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy nhanh cấp phép đầu tư đối với các dự án FDI lớn (quy mô đăng ký đầu tư 1 tỷ USD trở lên).
Để thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI, Chính phủ xác định phải đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư đối với các dự án lớn; tăng cường xúc tiến đầu tư trực tuyến, xúc tiến tại chỗ, phát huy hiệu quả của các kênh xúc tiến thông qua tổ chức, doanh nghiệp tư vấn quốc tế để chủ động tiếp cận và vận động Chính phủ các nước, các tập đoàn lớn nhằm thu hút các dự án lớn, quan trọng.
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021, bao gồm cả vướng mắc của nhà đầu tư trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cùng với đó, tập trung xử lý tồn tại của một số dự án thuộc 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả; triển khai quyết liệt phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến năm 2025.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành và địa phương trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xúc tiến, kêu gọi đầu tư đối với một số tập đoàn đa quốc gia lớn; báo cáo Chính phủ trong trường hợp thu hút đầu tư đặc biệt; chuẩn bị sẵn sàng phương án về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, lao động, hạ tầng kết nối đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.
Bộ Ngoại giao cần theo dõi, tổng hợp kinh nghiệm, các thông lệ tốt về mở cửa, phục hồi kinh tế và xã hội của các nước.
Đồng thời, chủ trì, thúc đẩy đàm phán công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine” phục vụ phát triển kinh tế; phát huy tối đa vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong phát hiện, dự báo các xu hướng mới, vấn đề mới về kinh tế và quản trị kinh tế toàn cầu.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo