Xác định rõ kinh tế Việt Nam đã thị trường đến đâu?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong cuộc trò chuyện đầu năm, đã khẳng định rằng, để tạo xung lực cho giai đoạn phát triển mới, nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về thể chế kinh tế.
Đổi mới kinh tế là quan trọng hàng đầu
PV: Thưa Bộ trưởng, gần đây, tại một số diễn đàn, Bộ trưởng đã phát biểu, cần phải đổi mới thể chế kinh tế hơn nữa để phát triển. Theo Bộ trưởng, việc đổi mới thể chế kinh tế cần phải bắt đầu từ đâu và trọng tâm của đổi mới thể chế kinh tế là gì?
Đã đến lúc chúng ta phải đổi mới thể chế kinh tế và nguyên tắc chung là phải đi theo cơ chế kinh tế thị trường với đúng thông lệ quốc tế và bản chất của nó. Sau đó, mới tìm ra cơ chế để Chính phủ, Nhà nước tham gia điều tiết.
Thực ra, đây là điều đã được nói từ lâu và trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã một lần nữa nhấn mạnh điều này.
Câu hỏi đặt ra là, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Tôi cho là, trước hết, phải đánh giá xem nền kinh tế của Việt Nam đã thị trường đến đâu rồi, còn có gì khác biệt so với chuẩn mực thị trường chung của thế giới, cái gì là tốt, cái gì không phù hợp với quy luật khách quan và đang là rào cản…
Có thể nói, hiện nay, có rất nhiều việc xét theo cơ chế thị trường thì chúng ta làm chưa đúng. Chẳng hạn, chuyện chúng ta miễn thủy lợi phí cho nông dân. Chúng ta thương nông dân, điều đó đúng. Miễn thủy lợi phí thì ban đầu, ai cũng hoan hỉ cả. Nhưng mà điều này là không đúng với kinh tế thị trường, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì phải trả tiền. Hậu quả rất rõ ràng là, sau một thời gian, người dân sử dụng nước vô tội vạ, lãng phí, trong khi hệ thống thủy nông xuống cấp mà không có tiền quay vòng để sửa chữa. Chẳng ai trả tiền nên chất lượng phục vụ kém, thế nào cũng được. Tất cả đều trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vậy cái đó thì có lợi hay không có lợi?
Chỉ 5-10 năm nữa thôi, nếu tình hình không được cải thiện, hệ thống thủy nông sẽ xuống cấp trầm trọng. Và hệ quả là, nông dân sẽ không có nước để tưới tiêu. Lẽ ra, thương nông dân phải bằng cách khác. Vẫn phải để họ trả thủy lợi phí, để công ty thủy nông có tiền trang trải kinh phí và phục vụ tốt hơn. Chúng ta phải có cách khác để hỗ trợ nông dân.
Chỉ một ví dụ thế thôi để thấy là, không theo quy luật thị trường sẽ làm méo mó nền kinh tế, phát sinh nhiều khó khăn, thậm chí cả tiêu cực.
PV: Vậy nghĩa là, theo Bộ trưởng, một trong những giải pháp để đổi mới thể chế kinh tế, đó là chúng ta phải tuân theo quy luật thị trường, thực sự là thị trường?
Kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại, thế giới đã phải trả giá rất nhiều để có được kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường hôm nay đã khác rất xa thời sơ khai của nó, không hoàn toàn là mặt trái như một thời chúng ta từng nói.
Kinh tế thị trường chính là công cụ quan trọng nhất để điều tiết, phân bổ mọi nguồn lực của đất nước, Nhà nước và xã hội vào đúng những nơi đem lại hiệu quả cao nhất. Đấy chính là bản chất của kinh tế thị trường. Không thể phân bổ nguồn lực ấy bằng ý chí chủ quan để rồi không mang lại hiệu quả.
Ví dụ trên, thậm chí, có thể nêu thêm trường hợp giá điện, không phải muốn tăng giá lúc nào cũng được, và cũng không thể mãi bán dưới giá thành, mà phải tiệm cận với giá thị trường, để thấy rằng, chúng ta phải thị trường hơn nữa, phải dùng công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế, dùng công cụ thị trường để nền kinh tế lành mạnh hơn.
Chuyện can thiệp của Nhà nước vào thị trường là việc khác, là sự hỗ trợ cho dân nghèo bằng những khoản minh bạch. Không phải lúc nào cho không cũng là tốt. Đấy chính là điều mà tôi rất lo lắng, là vấn đề then chốt mà chúng ta phải xử lý khi đổi mới thể chế kinh tế.
Một vấn đề nữa tôi cũng muốn nói tới, đó là phải xem xét lại cơ chế phân cấp giữa trung ương và địa phương. Phân cấp để dành quyền chủ động cho địa phương là đúng, nhưng nếu phân cấp mà không quản lý được thì hệ lụy sẽ rất lớn. Đây là vấn đề rất hệ trọng, phải xem xem chúng ta sẽ phân cấp quản lý tài nguyên, nguồn lực ra sao, thậm chí cả trong quản lý, sử dụng con người - tài nguyên quý giá nhất của chúng ta.
Rồi còn chuyện thị trường vốn và tài chính, cũng có nhiều vấn đề. Một nền kinh tế chỉ dựa vào ngân hàng là không lành mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngân hàng huy động vốn ngắn hạn mà lại đi cho vay những dự án dài hạn là bất ổn. Và khi tất cả doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế muốn có vốn sản xuất - kinh doanh lại không dựa vào thị trường vốn, vào thị trường chứng khoán, mà chỉ dựa vào vốn vay, thì rủi ro rất cao và không hiệu quả…
Có rất nhiều vấn đề phải xem xét như vậy khi bàn về việc đổi mới thể chế kinh tế. Nếu chúng ta xây dựng được những yếu tố của thị trường một cách đúng đắn, thì nền kinh tế của chúng ta sẽ vận hành một cách lành mạnh và ít tiêu cực.
Đã đến lúc chúng ta cần đổi mới thể chế kinh tế một cách mạnh mẽ hơn. Tất cả những động lực của đổi mới trước đây đã không còn đủ mạnh, do vậy, phải tìm động lực mới để tạo ra một cú hích, một sự đột phá cho nền kinh tế và phải bắt đầu từ thể chế kinh tế. Đây là điều rất quan trọng cho đất nước, nhất là vào thời điểm hiện nay, đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định.
Huy động sức dân và tiếp tục cải cách để phát triển
PV: Như Bộ trưởng vừa nói, tài nguyên lớn nhất của chúng ta chính là con người. Nhưng thực tế, nguồn lực này đang bị sử dụng một cách lãng phí. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể huy động được trí tuệ của nhân dân vào dựng xây đất nước, thưa Bộ trưởng?
Tài nguyên lớn nhất của chúng ta chính là con người. Nói vậy là bởi vì, những tài nguyên khác, như dầu khí, than đá, sắt…, vài chục năm nữa cũng sẽ cạn kiệt. Vậy lúc đó chúng ta dựa vào cái gì để phát triển? Chỉ dựa vào con người thôi.
Thực tế trên thế giới cũng đã chứng minh một điều rất hay, là càng những nước ít tài nguyên khoáng sản, họ càng biết khai thác tài nguyên con người và thường trở thành những nước phát triển. Hàn Quốc, Nhật Bản là ví dụ.
Trong khi đó, những nước giàu tài nguyên thiên nhiên, thì kinh tế chậm phát triển, do họ chỉ dựa vào tài nguyên là chính. Đúng là trong khó khăn làm cho con người giỏi giang lên, còn trong nhung lụa làm con người yếu đuối đi. Phát triển kinh tế cũng như vậy thôi.
Việt Nam có một nguồn lao động rất phong phú, dồi dào, chỉ số thông minh, sự năng động, cần cù không thua kém nhiều dân tộc trên thế giới. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược, trí tuệ người Việt đã phát huy hiệu quả để bảo vệ đất nước. Dân tộc Việt Nam thực sự rất vĩ đại trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Vậy trong phát triển kinh tế, chúng ta có làm được điều đó không?
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên đặt câu hỏi rằng, tại sao chúng ta không có nhiều dấu mốc về kinh tế để tự hào? Đây là điều tôi rất trăn trở, phải làm sao để giải phóng và huy động được trí tuệ, sức lực của người Việt Nam ta?
Như trong Thông điệp đầu năm, Thủ tướng đã nói, chúng ta phải phát huy dân chủ. Dân chủ ở đây được hiểu rằng, làm sao để phát huy tính sáng tạo, tạo mọi điều kiện để người dân có thể cống hiến, làm việc, phát huy trí tuệ của mình. Đây là điều vô cùng quan trọng. Nếu không làm được, Việt Nam không thể phát triển được. Tài nguyên thiên nhiên rồi cũng cạn, chúng ta không dựa vào con người thì dựa vào cái gì. Trí tuệ của con người có thể biến không thành có, làm được rất nhiều điều.
PV: Quay trở lại với kinh tế vĩ mô, thưa Bộ trưởng. Những năm gần đây, khi kinh tế Việt Nam liên tiếp tăng trưởng thấp, những cảnh báo về việc Việt Nam gặp bẫy thu nhập trung bình lại được đề cập. Theo Bộ trưởng, làm sao để Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng này?
Đây là một cảnh báo rất đúng. Thực tế cho thấy, các nền kinh tế khi chuyển từ nước có thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, nếu không có đột phá, sẽ luẩn quẩn trong vòng thu nhập này. Nguyên nhân là do các cơ chế, chính sách ở các quốc gia đó không tạo được sự đột phá cần thiết để chuyển lượng thành chất, chuyển từ phát triển mức thấp lên mức cao hơn. Việt Nam cũng vậy thôi.
Chúng ta đã bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp, nhưng bản thân nền kinh tế lại đã bộc lộ nhiều yếu kém. Nếu không có đột phá mạnh mẽ, thì kinh tế Việt Nam không những không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, mà có khi còn tụt hậu, thua kém các nước khác. Myanmar hiện là quốc gia đang phát triển kém Việt Nam, nhưng 10-15 năm nữa, nếu chúng ta không có bước đột phá, thì họ sẽ vượt lên.
Việt Nam đang đối mặt với việc này và thực tế là trong khu vực đã có trường hợp của Philippines. Quốc gia này đã từng có thời điểm phát triển rất mạnh mẽ, nhưng rồi không thoát được bẫy thu nhập trung bình, nên loanh quanh tăng trưởng thấp nhiều năm. Chỉ gần đây, với các chính sách đột phá, quốc gia này mới tăng trưởng mạnh trở lại.
Có thể nói, Việt Nam có rất nhiều bài học nhãn tiền. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra không. Hoặc là chúng ta nhận ra rồi, nhưng có đổi mới được không, có vượt qua được rào cản không?
PV: Nhưng thực tế là thời gian qua, chúng ta vẫn có những đổi mới, thưa Bộ trưởng?
Đúng là có đổi mới và liên tục đổi mới. Chúng ta cũng đã xác định 3 đột phá chiến lược, là thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhưng chúng ta làm chưa được nhiều, chưa thực sự trở thành đột phá, thành xung lực cho giai đoạn phát triển mới, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về thể chế kinh tế như tôi vừa nêu. Đây chính là vấn đề then chốt nhất.
Doanh nghiệp Việt phải đứng vững trên đôi chân của mình
PV: Thưa Bộ trưởng, có một câu hỏi liên quan đến khu vực đang tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế hiện nay - khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Gần đây có nhiều quan điểm trái chiều về những đóng góp của khu vực FDI. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
Đúng là hiện nay có một luồng ý kiến cho rằng FDI đang lấn sân, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Điều này chỉ đúng một phần thôi, còn cơ bản tôi chưa đồng tình. Tôi muốn nói rằng, chúng ta không nên phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, dù tất nhiên có những sự khác nhau giữa hai loại hình doanh nghiệp này, nhất là trong thời điểm hiện nay. Không có khu vực FDI, chúng ta khó mà có được mức tăng trưởng kinh tế, sự cải thiện về cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu như thời gian qua. Do vậy, phải nhận diện cho đúng về vai trò của khu vực này. Các nước trên thế giới cũng không quá nặng nề việc phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.
Mỗi loại hình doanh nghiệp có những chính sách ưu đãi khác nhau và tôi có thể nói rằng, doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng những ưu đãi không thua kém doanh nghiệp FDI. Đúng là có một số chính sách ưu đãi, chúng ta dành nhiều hơn cho FDI, nhưng đó là điều chúng ta phải làm nếu muốn họ đứng chân lâu dài ở Việt Nam, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.
Với tư cách là bộ quản lý nhà nước về vấn đề này, tôi cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hoạt động và đóng góp cho Việt Nam.
PV: Vậy còn các doanh nghiệp trong nước, thưa Bộ trưởng?
Chúng ta sẽ phải tiếp tục tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong nước phát triển, bởi nếu khu vực này phát triển mạnh mẽ, thì sẽ có những thương hiệu của riêng Việt Nam. Cà phê Trung Nguyên chẳng hạn. Còn Samsung, dù là trên sản phẩm của họ ghi “made in Vietnam”, nhưng họ vẫn là thương hiệu của Hàn Quốc.
Tất cả các doanh nghiệp đều phải bình đẳng trước pháp luật. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự hiểu rằng, giờ là thời đại hòa nhập quốc tế, không thể có chuyện đóng cửa lại để tạo điều kiện cho anh phát triển. Dòng chảy cạnh tranh là vô cùng khốc liệt. Do vậy, doanh nghiệp phải tự nỗ lực vươn lên. Nhà nước sẽ có hỗ trợ, tạo động lực để doanh nghiệp trong nước phát triển, nhưng sau đó, doanh nghiệp phải tự đứng bằng đôi chân của mình.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải không ngừng đổi mới, về công nghệ, quản trị kinh doanh, xây dựng thương hiệu… Phải hiểu rằng, sự xuất hiện của khu vực FDI cũng chính là động lực để khu vực doanh nghiệp trong nước vươn lên. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam năng động và vươn lên, chúng ta cũng không nên nuối tiếc những doanh nghiệp trì trệ, không chịu đổi mới.
PV: Đầu năm mới Giáp Ngọ, Bộ trưởng muốn gửi thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư?
Doanh nghiệp chính là chiến sĩ trong thời bình, là lực lượng tiên phong tạo ra giá trị cho đất nước, tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế. Chính vì thế, các doanh nghiệp hãy hiểu đúng vai trò của mình, phải hiểu rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên để cạnh tranh trên thị trường, phải sống trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt này.
Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, nhưng các doanh nghiệp phải cố gắng vươn lên. Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không ngừng đổi mới, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Còn với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi khẳng định, Việt Nam coi trọng và đánh giá cao đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục có những chính sách ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo