Tin tức - Sự kiện

Xâm phạm bản quyền bức ảnh “Non nước Ba Vì“: Hành trình tìm công lý của nhà báo 75 tuổi

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quốc Ân (SN 1940) - từng là phóng viên Báo Hà Tây (cũ) và hiện là hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội - đã gửi đơn tố cáo siêu thị Lực Tiến Plaza vi phạm bản quyền bức ảnh “Non nước Ba Vì” của mình. Thế nhưng, hành trình đi tìm công lý của nhà báo già vấp phải sự thách thức của bên vi phạm, cũng như sự thờ ơ từ chính cơ quan chức năng.

 Bức ảnh gốc “Non nước Ba Vì” của ông Nguyễn Quốc Ân được cấp chứng nhận quyền tác giả.

Thản nhiên vi phạm bản quyền

Trong sự nghiệp nhiếp ảnh, ông Ân (tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã dành được nhiều giả thưởng về ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí từ năm 1995 - 2005.
 
Bức ảnh “Non nước Ba Vì” tuy không nằm trong số những ảnh được giải, nhưng là một trong những bức ông Ân cho rằng “là tác phẩm để đời” vì được in trong nhiều ấn phẩm về Hà Tây cũ, được Huyện ủy và UBND huyện Ba Vì phóng to làm quà tặng cho Thủ tướng Marocco, Tổ chức Nhà thờ thế giới…
 
Ông Nguyễn Quốc Ân cho biết: “Bức ảnh “Non nước Ba Vì” tôi sáng tác năm 2002 trong trại hồ Suối Hai, và được công bố ngày 16.1.2003. Tháng 6.2014, Cục Bản quyền tác giả đã cấp Giấy đăng ký quyền tác giả số 3263/2014/QTG cho bộ ảnh “Non nước Ba Vì”. Tháng 9.2014, tôi phát hiện ở Trung tâm thương mại Lực Tiến (tại Phố Mới, xã Chu Minh, huyện Ba Vì) bán nhiều bức tranh đá các cỡ từ 3,5 đến hơn 8 triệu đồng mỗi bức, lấy nguyên bản gốc bức ảnh “Non nước Ba Vì” của tôi nhưng lại không đề tên tác giả, đồng thời mỗi bức tranh đều gắn mã vạch Lực Tiến Plaza. Rõ ràng DN này dùng bức ảnh của tôi để sản xuất hàng loạt tranh đá bán ra thị trường là vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu được Nhà nước bảo hộ”.
 
Ông Ân đã đến siêu thị Lực Tiến chụp lại các bức tranh đá bày bán và hỏi nguồn gốc thì được biết: Lực Tiến Plaza đã thuê thợ chụp ảnh tới nhà ông Nguyễn Thanh Lịch - nguyên Trưởng đài Truyền thanh huyện Ba Vì - chụp lại rồi sao chép bức ảnh rồi bán ra thị trường. Việc này đã được ông Lịch xác nhận.
 
Ngày 31.10, phóng viên báo Lao Động đã tới Lực Tiến Plaza, DN này thừa nhận trước đây có bày bán 4 bức tranh đá giống với bức ảnh của ông Nguyễn Quốc Ân nhưng là do “khách họ đặt làm”. “Mới đây, ông Lực Tiến gọi tới và bảo là không được bán tranh Non nước Ba Vì nữa, bởi vi phạm bản quyền. Hiện, chúng tôi đã cất hết đi rồi…” - ông Hưng đại diện DN cho biết.
 
Lời “bào chữa” từ phía Lực Tiến Plaza rõ ràng không thuyết phục, theo ông Ân “phía Lực Tiến Plaza còn thách thức tôi là không đủ tiền để thưa kiện”. Ông Ân cho biết, quyết định kiện Lực Tiến Plaza không phải vì tiền mà muốn một số tổ chức, cá nhân phải bị xử lý theo pháp luật để hạn chế tình trạng vi phạm quyền tác giả tràn lan như hiện nay.
 
Vi phạm trắng trợn, thanh tra nói: “Chuyện nhỏ”?
 
Ông Nguyễn Quốc Ân đã báo cáo sự việc lên BCH Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội (HNANTHN). Ngày 12.9.2014, HNANTHN đã có công văn số 16/HNAHN khẳng định: “Sau khi nghiên cứu các đơn và tài liệu kèm theo, thường trực Hội đối chiếu với các điều của Công ước Berne, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ… và nhận thấy: “Tổ chức Lực Tiến Plaza sao chép bức ảnh “Non nước Ba Vì” khi tác giả chưa cho phép để sản xuất tranh đá quý để bán ra thị trường là vi phạm bản quyền tác giả, vi phạm pháp luật có tổ chức. Việc vi phạm của Lực Tiến Plaza, các cơ quan chức năng phải xử lý theo pháp luật”.
 
Ngày 8.10.2014, HNANTHN có công văn đề nghị giải quyết việc vi phạm quyền tác giả gửi Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục bản quyền Bộ VHTTDL, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm - trong đó có vụ Lực Tiến Plaza xâm phạm quyền tác giả với quy mô thương mại - nhằm ngăn chặn những sự việc tương tự trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
 
Ngày 9.10, Cục Bản quyền có Công văn 282/BQTG-QLQTGQLQ gửi ông Nguyễn Quốc Ân, cho rằng: “Thẩm quyền vụ việc thuộc Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền sẵn sàng phối hợp khi có yêu cầu”.
 
Ngay sau khi nhận được công văn, ông Nguyễn Quốc Ân đã lặn lội từ Ba Vì đến gặp ông Nguyễn Quốc Hiệp - cán bộ thuộc Tranh tra Bộ VHTTDL - người tiếp nhận tiếp nhận hồ sơ của ông Ân từ cuối tháng 9.2014.
 
Ông Ân cho biết: Khi gặp, ông Hiệp đã gọi cho Lực Tiến Plaza và tôi đã thắc mắc “muốn biết thêm tình hình thì ông phải gọi cho người có trách nhiệm của phòng VH-TT huyện Ba Vì chứ sao lại gọi cho bên vi phạm?” Ông Hiệp trả lời: “Tôi gọi cho Lực Tiến để kiểm tra sự việc ông khiếu nại”. Sau khi trao đổi với Lực Tiến Plaza, ông Hiệp nói: “Việc của bác quá nhỏ. Bác nên về gặp họ”. Tôi thắc mắc: “Tôi là người bị đánh cắp bản quyền, bị đánh cắp danh dự sao các anh lại bảo tôi phải đến gặp kẻ cắp?” Ông Hiệp trả lời: “Tùy bác, tôi vừa nói chuyện với Lực Tiến Plaza, họ nói là bác vu khống họ. Những bức tranh bày bán ở siêu thị, họ đã bỏ hết không bán nữa. Chúng tôi có về thanh tra thì cũng không giải quyết được việc gì vì không có bằng chứng. Vụ việc này coi như xong, bác về đi”.
 
Như vậy, lá đơn của người bị hại lẫn các công văn của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Cục Bản quyền đã được giải quyết bằng một câu ráo hoảnh của cán bộ thanh tra Bộ VHTTDL: “Việc quá nhỏ” rồi “đuổi” người vi phạm về.
 
Ngày 26.10, ông Nguyễn Quốc Ân đã chính thức nộp đơn khởi kiện Lực Tiến Plaza - về việc họ vi phạm tác quyền - lên Tòa án Nhân dân huyện Ba Vì.
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo