Xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung phát triển năng động
Xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%/năm giai đoạn đến năm 2015 và khoảng 9%/năm giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 80 triệu đồng, tương đương 3.600 USD bằng khoảng 1,1 - 1,2 lần mức bình quân đầu người của cả nước.
Phát triển các ngành công nghiệp gắn với biển
Về phát triển công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung sẽ tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế gắn với biển như cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Phát triển công nghiệp hóa dầu trở thành một trong các trụ cột công nghiệp của Vùng và là một trong các trung tâm hóa dầu lớn nhất của cả nước, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong nội bộ Vùng. Từng bước phát triển ngành điện tử và công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác phát triển; đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến; ngành dệt may, giầy da.
Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm công nghiệp lớn ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Phát triển các cụm công nghiệp dọc các tuyến đường ngang nối liền các tỉnh trong Vùng với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên nhằm cung ứng các sản phẩm tiêu dùng cho vùng Tây Nguyên và tiếp nhận nguyên liệu từ nông, lâm nghiệp, phục vụ cho công nghiệp chế biến; gắn phát triển công nghiệp với hình thành các điểm đô thị ở khu vực nông thôn.
Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương. Phát triển tiểu thủ công nghiệp theo hướng khuyến khích các ngành nghề truyền thống như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm.
Phấn đấu thành Vùng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn
Bên cạnh công nghiệp, vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung cũng sẽ phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng sẵn có của các địa phương trong Vùng để phát triển các lĩnh vực có nhiều lợi thế như: Du lịch, dịch vụ cảng biển, vận tải biển, hàng hải quốc tế...
Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 trở thành Vùng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, kết nối được với hệ thống điểm du lịch trong nước và của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... và là điểm đến thường xuyên của các tour du lịch quốc tế.
Đồng thời, tập trung khai thác các di sản văn hóa, địa danh lịch sử, du lịch sinh thái biển, đặc biệt là những cảnh quan thiên nhiên ở dải ven biển gắn với các di sản thế giới như các di sản văn hóa kiến trúc cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn và văn hóa Chàm (Đà Nẵng, Quảng Nam) cùng các di sản thiên nhiên trên trục đường Huế - Lăng Cô - Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà - Bà Nà - Đà Nẵng, dải ven biển từ vịnh Nam Ô đến đô thị cổ Hội An.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin
Cột tin quảng cáo