Xem lại quan điểm DN FDI chèn ép DN Việt
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, DN có vốn FDI tại Việt Nam là DN của Việt Nam và là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Việt Nam đã nhận thức cần phải đổi mới theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và có sự bảo hộ của Chính phủ Việt Nam với những nhà đầu tư làm ăn chính đáng, nghiêm túc.
Đó là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ về việc định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.
Thưa Bộ trưởng, gần đây xuất hiện ý kiến cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chèn ép đầu tư trong nước và đã đến lúc Việt Nam không nên quá tập trung vào vốn FDI để dồn sức cho thu hút đầu tư nội địa. Quan diểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Quan điểm này cần phải xem lại. Cần phải khẳng định rằng, các doanh nghiệp (DN) có vốn FDI tại Việt Nam là DN của Việt Nam và là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Điều quan trọng là, chúng ta cần phải tổ chức quản lý các DN này như thế nào để đảm bảo lợi ích của cả nhà đầu tư và của Nhà nước Việt Nam.
Khi đầu tư vào Việt Nam, họ phải có lợi nhuận và khi có lợi nhuận họ phải đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam theo pháp luật hiện hành. Tình trạng chuyển giá để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế đang diễn ra ở một số DN FDI là điều cần phải ngăn chặn… Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đó chỉ là một bộ phận nhỏ, còn hầu hết các nhà đầu tư đến Việt Nam đều tạo ra công ăn việc làm, đóng thuế, tạo ra giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp vào chuyển giao công nghệ và tham gia vào quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam. Vậy thì tại sao chúng ta phải hạn chế?
Hiện nay, không chỉ có chúng ta, mà các quốc gia lân cận và các quốc gia phát triển như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ đều phải thực hiện chính sách mở cửa để thu hút FDI. Đó là xu hướng tất yếu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Với DN trong nước, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát triển, vì DN trong nước tạo ra nhiều lợi thế khác, như tạo các thương hiệu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, DN trong nước phải ý thức rằng họ phải nỗ lực cạnh tranh theo cơ chế thị trường và cạnh tranh với các DN nước ngoài khác để đủ sức vươn lên tại thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng có thể chia sẻ những đánh giá về vai trò FDI với nền kinh tế?
Năm 2013, dù kinh tế Việt Nam và thế giới rất khó khăn, nhưng chúng ta đạt được kết quả rất khả quan trong thu hút FDI. Cụ thể, thu hút FDI của Việt Nam năm 2013 đạt gần 22 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 54% so với năm 2012; vốn giải ngân đạt cao, lên đến 11,5 tỷ USD.
Nhưng điều đặc biệt hơn là năm 2013, chúng ta đã thu hút nhiều dự án đầu tư chất lượng công nghệ cao vào Việt Nam và hạn chế những dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Khối DN FDI hiện đóng góp hơn 20% giá trị sản xuất công nghiệp và 60% giá trị xuất khẩu.
Thông qua chính sách thu hút FDI, Việt Nam đã chọn lọc tạo ra định hướng đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo. Các DN FDI đã tạo ra nhiều làm việc với lương bình quân khá cao. Một phần nào đó, họ đóng góp vào đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị trong các DN Việt Nam và tạo ra sự cạnh tranh giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài. Tôi cho rằng, sự đóng góp đó là rất tích cực và cần thiết cho sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Để nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013. Đây được đánh giá là một Nghị quyết quan trọng đối với việc hoàn thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về FDI, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao hiệu quả nguồn vốn này vào Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết, sau 4 tháng triển khai Nghị quyết này, chúng ta đã làm được gì và nhiệm vụ ưu tiên sắp tới là gì?
Nghị quyết 103 là tổng hợp nhiệm vụ, giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực để chấn chỉnh những mặt hạn chế và nâng cao năng lực quản lý, thu hút FDI. Ở đây có nhiều nhiệm vụ, nên trong 4 tháng chưa thể có một đánh giá đầy đủ. Nhưng có thể nói, đây là khoảng thời gian chúng ta rà soát lại toàn bộ công tác quản lý đầu tư, trên cơ sở đó, xác định chúng ta cần phải khẩn trương hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với FDI.
Theo tôi, nhiệm vụ ưu tiên sắp tới và quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý trong Nghị quyết đã nêu ra như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật DN 2005; xem xét lại phân cấp cho địa phương đến đâu, những dự án nào phải báo cáo lên Trung ương; lộ trình phải ban hành các thông tư hướng dẫn để thành quy trình, quy phạm là tư tưởng chỉ đạo.
Trong nhiều diễn đàn gần đây, Bộ trưởng cho rằng, yêu cầu đổi mới thể chế kinh tế đang đặt ra hết sức bức bách, là điều kiện để tăng trưởng nhanh và bền vững. Đối với lĩnh vực FDI, vấn đề đổi mới thể chế được hiểu như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Thể chế kinh tế là vấn đề rất lớn, nhưng cụ thể chính là luật pháp, chính sách về đầu tư, kinh doanh, trong đó có nhiều vấn đề như bình đẳng giữa các DN, bình đẳng giữa DN nhà nước và DN tư nhân, DN trong nước và DN FDI, vấn đề kiên định giá theo cơ chế thị trường, bình đẳng trong tiếp cận với tài nguyên, nguồn lực... Đây là những vấn đề hết sức quan trọng và liên quan mật thiết.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài than phiền Việt Nam có quá nhiều thủ tục, DN đọc, nhưng không hiểu và phải “bôi trơn”... Không minh bạch trong thủ tục là một lực cản lớn. Một thể chế tốt, phù hợp thông lệ quốc tế, minh bạch, dễ hiểu sẽ ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng. Do đó, cần phải cải thiện căn bản thể chế kinh tế nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, dễ hiểu, dễ vận dụng để DN có thể nhanh chóng tiếp cận được.
Nhưng để thay đổi tư duy trì trệ đã lâu và sự bất cập trong phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai FDI là điều không đơn giản?
Không đơn giản, nhưng cần phải làm. Một khi chúng ta đã thống nhất được nhận thức từ Trung ương đến địa phương và DN, thì đây là thời điểm khởi động một cách mạnh mẽ để làm sao các bộ, ngành, các địa phương và DN phải cùng một mục tiêu.
Nếu chúng ta không tạo ra được sự đồng thuận để đổi mới mà tiếp tục níu kéo các thủ tục, quy định, thể chế đã cũ, lạc hậu, thậm chí cản trở, thì chúng ta sẽ gặp khó khăn không chỉ trong thu hút đầu tư, mà còn gặp khó khăn lớn trong phát triển kinh tế những năm tới và như vậy, chúng ta sẽ không tạo được sự phát triển nhanh và bền vững như mong muốn.
Trước thềm Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng muốn chia sẻ gì với các nhà đầu tư?
Thông điệp tôi muốn gửi đến các nhà đầu tư là “Việt Nam đã nhận thức cần phải đổi mới và phải đổi mới theo hướng minh bạch. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào Việt Nam làm ăn chính đáng và nghiêm túc”.
Muốn vậy, cần cụ thể hóa Nghị quyết 103 bằng những giải pháp và hành động cụ thể. Điều tôi mong muốn là hội thảo phải đưa ra được góp ý cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư những giải pháp để thực hiện những mong muốn này.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo