Tin tức - Sự kiện

Xin cấp gạo cứu đói giữa thủ đô

Gần 100 hộ dân ở xóm Ao Giàng, thôn Tân Hội, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã phải viết đơn xin cấp gạo cứu đói, cá biệt có trường hợp phải ăn chuối xanh nhiều ngày để sống.

Bà Nguyễn Thị Mai phải ăn chuối trừ bữa.

Thiếu gạo, ăn chuối trừ bữa

Trong đơn thư gửi cơ quan báo chí, người dân viết: “Trong thời gian qua, do không nhất trí với công tác quản lý đất đai của địa phương, đặc biệt là phương án dồn điền đổi thửa vào cuối năm 2013, nên chúng tôi đã buộc phải bỏ hoang hàng chục hecta đất trồng lúa. Đến nay, lượng thóc gạo tích trữ của nhiều hộ dân không đủ để ăn đến cuối năm.
 
Là người nông dân sống dựa vào việc trồng lúa chúng tôi không còn cách nào khác là nhờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết lương thực cho nhân dân chúng tôi để chúng tôi đảm bảo cuộc sống từ giờ đến cuối năm, cũng như có phương án giải quyết dứt điểm, thỏa đáng vấn đề ruộng đất để chúng tôi yên tâm chuẩn bị sản xuất vụ mới”.
 
Theo quan sát của phóng viên khi đi thực tế tại xóm Ao Giàng, hàng chục ha đất trồng lúa của người dân nơi đây đã bị bỏ hoang nhiều ngày, cỏ mọc um tùm lút đầu người, mặt ruộng chỗ thì ngập úng, chỗ thì khô cạn nứt nẻ phơi mình trong cái nắng đầu hè.
 
Chủ tịch xã Vũ Công Nam trong buổi tiếp xúc với phóng viên.
 
Bà Nguyễn Thị Yêu - một hộ dân Ao Giàng rơm rớm nước mắt: “Phải bỏ cấy vụ chiêm xuân vừa qua chúng tôi cũng xót lắm! Trong thời gian này, nhiều hộ dân không có việc làm đành phải ngồi không, nhiều người đã phải bỏ đi làm ăn xa mong qua cái đói giáp hạt”.
 
Xót xa nhất là chúng tôi phải chứng kiến trường hợp bà Nguyễn Thị Mai ăn chuối 4 ngày liền để sống. Có mặt tại nhà bà Mai, chúng tôi ái ngại không biết ngồi ở đâu, bởi nhà bà chỉ có duy nhất một chiếc giường.
 
Trong hình dáng gầy gò chưa đến 40kg, bà Mai tiều tụy hơn rất nhiều so với tuổi 56. Bà sống cùng với con trai (SN 1994) nhưng thường xuyên bỏ nhà đi để bà ở một mình. Nói về trường hợp của mình Bà Mai mếu máo: “Nhà hết gạo, tôi thường xuyên bị đứt bữa. May nhờ có hàng xóm là bà Nguyễn Thị Chính cho vài nải chuối xanh nên tôi mới có cái ăn 4 ngày nay”.
 
Bà Mai cũng cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên bà bị đứt bữa và phải ăn chuối xanh, thời gian gần đây đã nhiều lần bà rơi vào tình cảnh này, mỗi lần như vậy bà đều được những người hàng xóm tốt bụng khi thì cho vài cân gạo hay củ khoai củ sắn để ăn.
 
Đói là lỗi của dân?
 
Tìm hiểu chúng tôi được biết, việc người dân bỏ cấy vụ chiêm xuân vừa qua là do chưa đồng thuận với phương án dồn điền đổi thửa của xã Tân Tiến. Một trong những lý do được đưa ra là diện tích bình quân mỗi khẩu nhận được sau khi dồn điền đổi thửa quá ít, chưa bằng một nửa diện tích trước đây.
 
Theo các hộ dân, trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi khẩu trong xóm đều được giao cày cấy 708m2. Nhưng phương án dồn điền đổi thửa của thôn, của xã ban hành thì mỗi khẩu chỉ còn lại 304m2.
 
Tuy chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nhưng từ sau Tết Nguyên đán, Ban dồn điền đổi thửa xã Tân Tiến và Tiểu ban thôn Tân Hội vẫn đưa máy về múc kênh mương, bờ trục làm xáo trộn và biến dạng hết đất nông nghiệp của xóm. Hiện tại, công trình thi công bờ thửa bỏ dở, cầu cống không có, nhiều đoạn ruộng bị múc sâu từ 50cm đến 1m.
 
Chúng tôi đã có buổi làm việc với các phòng ban liên quan của huyện Chương Mỹ để tìm hiểu vấn đề. Chủ trì buổi làm việc với phóng viên là ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo dồn điền đổi thửa huyện Chương Mỹ. Cùng dự còn có ông Vũ Công Nam - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến.
 
Tại buổi làm việc, ông Vũ Công Nam lý giải: Phương án dồn điền đổi thửa của xóm Ao Giàng đã được UBND xã Tân Tiến phê duyệt ngày 10.1.2014. Để xây dựng phương án này, xã căn cứ vào thống kê địa chính năm 1992 của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến. Theo đó, tại thời điểm tháng 10.1992, xóm Ao Giàng có 424 nhân khẩu; tổng số diện tích đất chia cơ bản là 15,76 ha; bình quân diện tích đất chia trên đầu người là 342m2/khẩu.
 
Ông Nam khẳng định thêm, sở dĩ diện tích bình quân trên đầu người sau khi chia lại ruộng thấp hơn 1/2 so với thực tế sử dụng lâu nay là do, từ năm 1992 đến nay, xã lấy căn cứ ruộng 2 vụ lúa/năm để tính diện tích(?).
 
Lý giải của ông Chủ tịch xã Tân Tiến quá khiên cưỡng bởi trong Thông báo số 176/TB-UBND của UBND huyện Chương Mỹ ngày 16.9.2010 về việc giải quyết đơn tố cáo của một số hộ dân thôn Tân Hội, lại hoàn toàn trái ngược.
 
Thông báo này khẳng định: Việc giao ruộng ổn định lâu dài cho các hộ dân ở Tân Hội (gồm cả Ao Giàng) được thực hiện theo Nghị quyết số 05 NQ-HU ngày 10.8.1992 của Huyện ủy Chương Mỹ. Thực hiện Nghị quyết này, ngày 11.10.1992, Hội nghị đại biểu xã viên của HTX Nông nghiệp Tân Tiến đã thông qua nghị quyết về việc chia ruộng. Theo đó, diện tích đất canh tác của thôn Tân Hội là 128,2ha (bao gồm quỹ đất cơ bản là 109,3ha, quỹ đất công là 18,9ha); mỗi nhân khẩu được giao 1 sào 14,5 thước (bằng 708m2) để sản xuất nông nghiệp.
 
Theo Luật Hợp tác xã (kể cả Luật Hợp tác xã sửa đổi 2003), Hội nghị đại biểu xã viên là hội nghị quan trọng nhất của một hợp tác xã (HTX). Nghị quyết được thông qua tại hội nghị là văn bản pháp lý cao nhất. Vậy, UBND xã Tân Tiến căn cứ vào văn bản nào của HTX Nông nghiệp Tân Tiến để lập phương án chia bình quân mỗi khẩu ở Ao Giàng chỉ được 304m2? Đây là câu hỏi mà xã Tân Tiến cần phải trả lời thỏa đáng.
 
Một vấn đề đáng quan tâm là kết luận buổi làm việc ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho rằng, huyện sẽ chỉ đạo rà soát lại các văn bản mà huyện đã ban hành, trong đó có Thông báo số 176/TB-UBND ngày 16.9.2010. Ông Doanh còn cho biết thêm, việc bỏ hoang ruộng dân tới thiếu lương thực thì phần lỗi lớn nhất vẫn là của người dân.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo