‘Xin lỗi, em chỉ là… phụ huynh!
- Phù…! Cuối cùng thì ta cũng đã trở thành vĩ nhân, chỉ sau một đêm thức trắng!
- … Tân hôn?
- Không, còn “linh thiêng” hơn thế: Xếp hàng mua đơn dự tuyển cho con vào trường Thực Nghiệm!
- Và chiến thắng đã đến vào giờ quyết định: Cánh cổng trường sụp đổ (do chen lấn), còn phụ huynh thì thừa thắng xông lên?
- Ồ, chị cũng theo dõi vụ này sao? Ba nhóc nhà chị có đứa nào năm nay vào lớp 1 đâu nhỉ?
- Nhưng ít nhiều thì trong thâm tâm, tôi cũng đã từng bị cả xã hội thôi miên rằng: Giờ đây chỉ có danh tiếng những trường tốt mới cứu vớt được con mình khỏi nguy cơ tị nạn giáo dục…
- Vậy hóa ra chị cũng từng có chân trong đội quân “ôm lòng đêm” đứng xếp hàng trước cổng trường Thực Nghiệm sao?
- Của đáng tội, cái đức làm mẹ của tôi nó không cao cả đến thế, nên rốt cuộc, các con tôi đều học “trường làng”, đúng tuyến, ngay đầu ngõ! Vì ba lý do:
1 - Tranh đua không phải là dòng máu chảy trong người tôi. Nếu phải đua với ai, tôi xin từ bỏ ngay, vì không cần con mình dứt khoát phải cao hơn con hàng xóm, ăn nhiều hơn, giỏi hơn con bạn bè mình, ra đời thành đạt hơn mình và càng không muốn con mình phải nhìn thấy mình trong hình ảnh đang ganh đua giẫm đạp với đám đông.
2 - Vì dạy con và cho con đi học theo tôi là cả một hành trình dài, ít nhất 20 năm, nên còn quan trọng hơn chuyện chọn trường nào cho con, là câu hỏi: Mình có sẵn sàng "đi học cùng con" không? Có thực sự quan tâm đến tâm trạng của con trong môi trường giáo dục đó hay không?...
- Điều đáng nói là ngày “xả đơn” của trường Thực Nghiệm năm nay tình cờ trùng vào Ngày của Mẹ nhé, đám đông vì thế thành biểu tượng!
- Đúng là có con rồi mới hiểu lòng cha mẹ! Cha mẹ luôn muốn thứ tốt nhất cho con, nhưng chẳng biết bấu víu vào tiêu chí nào, đành chỉ biết chạy theo ngọn hải đăng trong đêm tối mang tên gọi là "trường điểm". Bởi lẽ hơn ai hết, chính những người đạp rào, đội sương, thức đêm chờ xếp sổ mua đơn cho con học ấy, là những người ít muốn đánh bạc với tương lai của con mình nhất!
- Hãy tưởng tượng chị là… Thượng đế, vén mây nhìn xuống, thấy một hàng dài phụ huynh rồng rắn, Thượng đế sẽ cười hay… khóc?
- Thượng đế sẽ khóc vì xúc động, nhưng cũng sẽ cười vì mừng thầm: Màn tập dượt ấy rồi đây sẽ còn giúp các bậc phụ huynh có thêm kinh nghiệm chiến đấu khi con vào THCS, khi con bệnh, khi con thi đại học, khi con đi xin việc…
Và dẫu sao thì những bậc phụ huynh này cũng làm Thượng đế cảm thấy lạc quan hơn là khi nghe Thiên Tào Bắc Đẩu rỉ tai rằng, bây giờ người ta toàn dùng tiền để xếp hàng hộ thôi. Những người xếp hàng bằng tiền, mà ta không thấy mặt, chẳng nhẽ không đáng lo ngại sao?
- Chị nghĩ thỏi nam châm nào ở cổng trường Thực Nghiệm đã hút người ta đến thế?
- Đương nhiên ai cũng biết là trường Thực Nghiệm đã được “thơm lây” nhờ người học trò cũ danh tiếng Ngô Bảo Châu. Nhưng tôi nghĩ, trong số những lá đơn giơ cao sáng qua, chắc chắn không phải ai cũng đủ tự tin để mơ con mình trở thành Ngô Bảo Châu đâu! Mà đơn giản, họ chỉ cần mong con mình không phải đi… “liếm ghế” (như ở một trường THCS tại Hà Tĩnh) mà thôi!
- Thế thì có gì là không chính đáng?
- Vấn đề là trường tốt chắc gì đã là lựa chọn tốt nhất cho con mình? Trường tốt là nơi mà phụ huynh, giáo viên và học sinh mơ mộng nhất trên đời, nhưng giấc mơ giáo dục ấy có mang lại tương lai tốt đẹp cho những đứa trẻ không?
Ta không biết, vì ta không thể vơ đũa cả nắm, nhưng thử nghĩ xem: Ở trường điểm, nơi người ta bắt trâu chạy thi với ngựa, thì trâu có hạnh phúc không? Trâu có tiến bộ được không? Con bạn là trâu hay ngựa? Hay nhất thiết con bạn phải là ngựa nòi, ngựa đua, ngựa giống, phải chạy nhanh hơn con nhà khác?
- Một xã hội coi trọng việc học là thế mà không đáng mừng sao?
- Trái lại, tôi cho rằng đó là bi kịch của một nền giáo dục không mang lại cảm giác an tâm cho các bậc phụ huynh bởi một số không ít những người có trách nhiệm không hề có cảm xúc mừng hay lo trước hiện tượng chạy trường, chọn trường, trái tuyến, thi đầu vào lớp 1...
- Chị muốn nói gì với những bậc phụ huynh vừa mua được đơn và cả không mua được đơn hôm qua?
- Tôi chia sẻ với những bậc phụ huynh mãn nguyện trong hành trình chạy đua vào trường tốt, và tôi cũng muốn nói rằng: Không sao, dù đến đích hay không, các bác vẫn là những người cha, người mẹ thương con nhất. Và vì có bố mẹ ở bên, nên con các bác sẽ rất ổn, cho dù học trường nào!
- Hình ảnh những cánh cổng trường sụp đổ (vì chen lấn) gợi lên trong chị cảm tưởng gì?
- Tôi chỉ muốn đưa ra 4 gạch đầu dòng:
1 - Những trường tốt nhất thế giới là những trường có cánh cổng trường thân thiện, mở ra chào đón người học và mọi vấn đề của người học sẽ được giải quyết ở trong văn phòng, giáo vụ, phòng tiếp đón, phòng quản lý... chứ không phải ở cánh cổng sắt.
2 - Những trường tốt nhất Việt Nam nên gia cố cổng sắt cho vững chắc hơn (làm thêm rào kẽm gai càng tốt), để đảm bảo không bị thiệt hại vật chất mỗi mùa tuyển sinh.
3 - Mở lớp luyện thi vượt rào cấp tốc, vượt chướng ngại vật cho phụ huynh trước mùa mua đơn tuyển sinh vào các cấp.
4- Còn nếu như không muốn những cánh cổng sắt bị xô đổ, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có giải pháp xử lý nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, cải cách lối giáo dục theo thành tích, bỏ khái niệm "trái tuyến, đúng tuyến", hoặc đơn giản nhất là "cho lên mạng download đơn xin học, đăng ký vào trường online để xét tuyển".
Nhưng vì nỗi, mọi giải pháp đều là xa vời, nên may ra, chỉ có mỗi việc chăng kẽm gai là có thể làm nhanh nhất!
- Vậy, túm lại, “xin lỗi, em chỉ là con... tốt, hay con... nợ” của một nền giáo dục lắm hoang mang, nhiều định hướng?
- “Xin lỗi, em chỉ là… phụ huynh”! Các bác nói gì thì nói, hễ cổng trường đổ là em cứ xông vào!
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí mật về mức điện áp 110V, vì sao Việt Nam sử dụng 220V còn Mỹ và Nhật vẫn kiên quyết dùng 110V?
Việt Nam có loài sinh vật kỳ dị bậc nhất thế giới, có khả năng khó tin, hiếm người bắt gặp được
Loài thú quý hiếm bậc nhất ngỡ đã tuyệt chủng bỗng tái xuất thần kỳ ở Việt Nam, khiến cả thế giới sốt sắng
Người đàn ông bỗng tìm thấy 'kho báu' trong sân nhà, ai ngờ là bảo vật quốc gia không tiền nào mua nổi
Sự thật ngỡ ngàng về cây gỗ hóa thạch lớn nhất Việt Nam: Nặng đến 8 tấn, quý như kim cương, triệu năm không kiếm được!
Mất 7 năm gom được hơn 15 tấn gỗ mun, vị đại gia làm được bộ bàn ghế 'để đời' giá chục tỷ: Chiếc bàn là 4 tấn gỗ qúy