Xóm chài cuối cùng ở Sài Gòn
Xóm chài nằm lọt thỏm giữa cầu Bình Lợi, nhưng chọn phần đất thuộc phường 13, quận Bình Thạnh để neo đậu. Có 3 hộ gia đình với hơn 10 người, sống trên con thuyền nhỏ, không điện, không nước sạch, lũ trẻ ra đời không được học hành tới nơi tới chốn,…
Họ là người gốc miền Bắc, vào miền Nam từ năm 1954, miền đất mới đưa họ đến với nghề “đâm hà bá”. Công việc và cuộc sống của họ cũng bập bềnh theo con nước của dòng sông nơi này.
Long đong phận người
Chúng tôi đến xóm chài một buổi chiều dịu mát, khói bếp nhóm bằng củi bay lên, một vài người dân đang ngồi câu cá, không gian yên bình và dễ chịu. Con nước bỗng chốc dâng lên, làm ngập ngụa hết con đường nhỏ vốn lầy lội. Chiếc thuyền của cụ Ngô Thị Liêm, cư dân nhiều tuổi nhất của xóm chài, cũng chìm trong nước vì hư hỏng.
Tài sản quý giá nhất của người dân xóm chài là những chiếc thuyền cũ nát, che chở họ lúc nắng mưa. Công việc hằng ngày của họ gắn liền với những tấm lưới chài, nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, thuốc than nhờ cả vào nó. Ở đây, người dân sợ nhất là giông gió, có những lúc phải bỏ thuyền chạy lên bờ ở nhờ nhà dân gần đó.
Ngày xưa xóm chài khá đông đúc, bây giờ nhiều hộ có điều kiện đã lên bờ thuê nhà trọ sống. Xóm chài chỉ còn lại 3 hộ gia đình, vỏn vẹn chỉ hơn 10 người. Điều đặc biệt là họ cùng quê, có họ hàng thân thiết với nhau. Họ di cư từ Vĩnh Phúc vào Sài Gòn đã gần 60 năm. Cụ Lê Thị Liêm năm nay hơn 80 tuổi, cư dân nhiều tuổi nhất của xóm chài, vẫn bám trụ với cảnh sông nước nơi đây cùng con trai và đứa con dâu.
“Nghề chài lưới kiếm sống cũng không vất vả lắm đâu. Tôi quen công việc này 50 năm nay rồi. Việc tuy kiếm ít tiền nhưng được cái không bon chen, giành giựt với ai cả”, ông Nguyễn Văn Chúc cười nói,"những lúc nước cạn là lúc nhiều cá nhất. Việc đi chài vì vậy cũng theo con nước, có khi đi nửa đêm, lúc thì chiều, lúc sáng. Mình cứ đi khắp con sông Sài Gòn này thả lưới, hôm nào may mắn thì cũng kiếm được kha khá. Bây giờ môi trường, nước sông ô nhiễm quá nên cá cũng ít theo. Cuộc sống vì vậy khó khăn hơn nhiều”.
Ông Chúc cho biết thêm: “Tôi có 5 đứa con gái, 3 đứa đã lập gia đình, 2 đứa còn lại đã đi làm và thuê nhà ở trên bờ luôn. Tụi nó cứ bảo ba mẹ lên trên bờ sống. Nhưng mình còn sức khỏe, còn làm việc được thì cố, mai mốt già, làm không nổi thì hẵng hay. Lúc trước có đứa cháu ngoại sống chung, tối ngủ cứ sợ nó rớt xuống nước. Giờ nó học lớp một nên gửi nó ở trên bờ luôn rồi”.
Lao đao chốn ở
Vì ở dưới chân cầu Bình Lợi nên ông Nguyễn Văn Chúc gắn luôn với nghiệp vớt xác cứu người. Vợ ông Chúc, cô Nguyễn Thị Hinh tự hào về chồng, nói: “Cứ có ai nhảy cầu tự tử là người dân gọi ổng, tuy không cao to, nhưng ổng bơi giỏi lắm. Mình cứu được một mạng người như xây bảy tòa tháp, nhiều người vì nông nổi nên làm liều, xong chuyện thì quay lại cám ơn. Thấy họ vui và tiếp tục sống là mình cũng vui theo”.
Ở đây, người xóm chài phải xài ké điện, nước của những người dân trên bờ. “Nhà tôi thắp điện cách đây 3 năm. Trước đây không có điện, buổi tối hiu hắt lắm. Hồi đó nước sông còn sạch, còn dùng để giặt dũ, giờ thì xài nước trên bờ, tuy tốn kém nhưng sạch sẽ”, ông Nguyễn Minh Chứng chia sẻ.
Theo các ngư dân ở xóm chài, chuyện họ sống chung với ô nhiễm từ khi nào thì không ai nhớ rõ. Những căn bệnh do ô nhiễm gây ra vẫn cứ thường xuyên “ghé thăm” làng chài cuối cùng này. Nước sông ngày càng bẩn, nên cá cũng không còn nhiều, quăng lưới cũng không kiếm được bao nhiêu. Tuy cuộc sống còn khó khăn đủ bề, nhưng những người dân chài ở đây gắn bó với nhau, san sẻ cho nhau từng chén cơm, ly nước.
Ông Chứng cho biết : “Cây cầu Bình Lợi 2 đã hoàn thành, nghe nói người ta sẽ di dời chỗ này, gắn bó với xóm chài này mấy chục năm nay, giờ phải chuyển đi chỗ khác, không biết mưu sinh làm sao. Nhưng còn ở được ngày nào, còn vui với cái nghề sông nước này ngày nào thì cứ vui ngày đó”.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo