Xử lý đốt vàng mã mùa lễ hội: Đốt ở nơi hóa sớ thì cũng chịu!
“Giảm nhiệt” tại đền Bà Chúa kho
Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Xuân Phúc đánh giá mùa lễ hội 2014 nhiều chuyển biến “tiêu cực hầu như giảm đáng kể: Chen lấn xô đẩy, gây tai nạn, ùn tắc giao thông, các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc giảm rất nhiều”. Tuy nhiên, nói đến xử lý đốt vàng mã tại lễ hội, ông Phúc nói vẫn thiếu chế tài, bởi luật chỉ quy định đốt đồ mã không đúng nơi quy định mới bị xử phạt, đốt ở nơi hóa sớ thì cũng chịu.
Bộ giao Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng đề án nghiên cứu về việc đốt vàng mã tại đền Bà Chúa kho, từ đó đề xuất giải pháp. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh nói mùa lễ hội năm nay cần tập trung giải quyết điểm nóng đền Bà Chúa kho: “Không phải khó mà buông. Khó như khai ấn đền Trần còn làm được”.
Bà Từ Thị Loan quyền Viện trưởng cho biết, bước đầu khảo sát, phỏng vấn dân địa phương, 31,4% người dân được hỏi cho rằng đốt vàng mã nhiều, 16,1% cho rằng quá nhiều. Vào mùa lễ hội, lò hóa vàng mã nơi này luôn đỏ lửa, tính ra mỗi ngày hàng chục triệu đồng hóa tro.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Ninh Nguyễn Văn Ảnh cho biết, việc đốt vàng mã tại đền Bà Chúa kho có giảm so với trước, nhưng thực chất họ đốt một phần, còn lại nhà đền nhập kho, phân phát cho người đi lễ mang về đốt tại gia. Thanh tra không ít lần kêu khó vì hoạt động này mang tính tâm linh, chủ yếu dựa vào tuyên truyền chứ chưa thể xử lý hành chính.
Về phủ Tiên Hương thuộc quần thể di tích Phủ Dày (Nam Định), hỏi thủ nhang Trần Thị Duyên về việc đốt đồ mã, bà chỉ ngay cái lò hóa vàng mã rất to xây mấy năm nay-“tất cả đem hết ra đó hóa thôi”. Là một trong những điểm thực hành nghi lễ hầu đồng lớn nhất nước, kèm theo việc cúng mã, đốt mã không thể tránh khỏi. “Vẫn phải có mã chứ, nhưng trước đây nếu làm năm mã, thì bây giờ mợ chỉ bảo làm một thôi”, bà Duyên nói.
Các chuyên gia Viện VHNT Quốc gia Việt Nam dù vậy mới chỉ dừng lại ở việc nêu hiện tượng, chưa đề xuất cụ thể. “Do tiếp cận việc đốt vàng mã như là hiện tượng văn hóa, xã hội, một hình thức thực hành nghi lễ của người dân, khi có những sai lệch, cần phải điều chỉnh bằng các giải pháp mang tính đồng bộ, từ pháp luật, kinh tế, tuyên truyền giáo dục”, bà Loan nói.
Vẫn khó cấm đổi tiền lẻ
Mùa lễ hội 2014 bước đầu thực hiện không sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội. Bộ VHTT&DL hôm 12/1 gửi thêm công văn số 71 tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng tiền lẻ trong mùa lễ hội 2015. Theo đó, Giám đốc Sở VHTT&DL, lãnh đạo các BQL di tích phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra. Rà soát không để dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch tồn tại trong khuôn viên di tích và lễ hội.
Ngày 15/1, Bộ tiếp tục có công văn số 72 gửi Ngân hàng Nhà nước: Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các chi nhánh của các ngân hàng tại các tỉnh, thành phối hợp cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có ý thức bảo vệ, tôn trọng đồng tiền quốc gia, thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc sử dụng đồng tiền Việt Nam.
Trong các báo cáo của lãnh đạo Sở địa phương, dịch vụ đổi tiền lẻ, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ có chuyển biến tích cực, song vẫn diễn ra ở nhiều lễ hội như Phủ Dày (Nam Định), chùa Hương, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình). Hiện tượng cài tiền vào tay tượng, tay phật, ném tiền xuống giếng, rải tiền trong di tích, lấy tiền xoa và miết vào phật, tượng, đồ thờ tự vẫn xảy ra ở nhiều nơi như Bái Đính, đền Trần, động Hương Tích (chùa Hương), đền Bảo Hà (Lào Cai).
Ngày 19/1 về một số đền, phủ trong quần thể di tích Phủ Dày như Tiên Hương, Vân Cát, thấy người vào lễ được dân bán hàng quanh đó mời đổi tiền lẻ. Tiền mệnh giá 500, 1.000, 2.000, 5.000 đồng chia thành các tệp xếp trong khay gỗ mặt kính như bán thuốc lá. Hỏi một nhóm người có tuổi ngồi trước cửa phủ Tiên Hương rằng có biết thông báo cấm đổi tiền lẻ tại di tích. “Có biết chứ, nhưng người dân vẫn có nhu cầu, với lại còn bao nhiêu tiền lẻ đây đổi hết thì thôi”, một bà nói. Có phóng viên chụp ảnh, một bà cụ ngả nón che mặt khay lẩm bẩm: “Cũng phải để cho dân kiếm sống với chứ”.
Đặt vấn đề với các trụ trì, thủ nhang tại các di tích, đền phủ đều nhận được câu trả lời, nhà đền có hướng dẫn khách thập phương vào lễ. Thủ nhang Trần Thị Duyên bảo, thay vì khách nhét tiền khắp nơi, nay được hướng dẫn cho vào hòm công đức. Thủ nhang Trần Văn Cường (phủ Vân Cát, Nam Định) nói: “Chúng tôi có nhắc nhở, vận động những người bán hàng, đổi tiền lẻ trong di tích”.
Tuy thế, ông Cường cũng than khó, vì những người đổi tiền này đều là dân địa phương mưu sinh. Câu chuyện dùng tiền mệnh giá nhỏ tại các nơi thờ tự dù giảm, nhưng chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Thay vì rải tiền khắp nơi, hầu như ở các chùa, đền, phủ có các pho tượng được đặt trong tủ kính vẫn trở thành nơi nhét tiền lẻ của khách đi lễ. Chỉ có điều nửa dưới hòm được sơn hoặc dán giấy mờ đi để không quá lộ tiền lẻ chen chỗ tượng phật.
Lễ hội 2015 sẽ đông đúc hơn
Bộ VHTT&DL dự báo năm 2015 nhiều ngày lễ, kỷ niệm của đất nước với quy mô lớn. Thời gian nghỉ tết, lễ lớn kéo dài, nhiều điểm di tích và lễ hội sẽ đông hơn, đòi hỏi có kế hoạch đón đầu đảm bảo các hoạt động diễn ra văn minh, trật tự. Bên cạnh đó, do lễ hội đem lại nguồn lợi kinh tế, một số nơi tận dụng khai thác triệt để về kinh tế, chưa chú trọng gìn giữ giá trị văn hóa của lễ hội, nên tính thiêng của lễ hội có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo