Xử lý vấn đề tài chính phát sinh từ Southern Bank sẽ làm giảm lợi nhuận Sacombank
Theo tài liệu phục vụ Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 11/7 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) vừa công bố, ngoài những thuận lợi về tăng quy mô, tài sản, tăng vốn, nhân sự…thì việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank sẽ có những khó khăn không thể tránh khỏi.
Thứ nhất là việc xử lý vấn đề tài chính phát sinh từ Southern Bank ảnh hưởng đến hoạt động của NHSN, đặc biệt lợi nhuận sẽ giảm trong ngắn hạn và tỷ lệ nợ xấu có thể tăng, đòi hỏi phải có thời gian để tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.
Thứ hai là phải giải quyết về quyết xung đột về văn hóa doanh nghiệp của ngân hàng sau sáp nhập; Thứ ba là phải ứng phó với các phản ứng tiêu cực của thị trường; Và thứ tư là tích hợp hệ thống kế toán và CNTT.
Tuy nhiên, ngân hàng sáp nhập (NHSN) cũng nhận định rằng với năng lực quản lý hiện tại của Ban Lãnh đạo Ngân hàng cùng với sự hỗ trợ tích cực của NHNN sẽ giúp cho NHSN có thể giải quyết tốt các khó khăn và thách thức nêu trên. Sáp nhập mang lại lợi thế về quy mô và uy tín, nhưng trong giai đoạn đầu NHSN vừa phải ổn định tổ chức, hoạt động vừa vẫn tiếp tục chịu những áp lực kinh doanh, thanh khoản; đặc biệt còn một số tồn động tài chính cần tập trung khắc phục.
Ngoài ra, NHSN cũng chuẩn bị các phương án xử lý hoặc ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong quá trình sáp nhập, đặc biệt đối với phản ứng tiêu cực của khách hàng gửi tiền. Khi đó, NHSN rất cần sự quan tâm và hỗ trợ của NHNN thông qua việc ổn định tâm lý thị trường, tạo điều kiện cho NHSN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, thông qua lộ trình xử lý các tồn đọng tài chính, giảm các tỷ lệ dự trữ bắt buộc…Trong đó, rất cần sự hỗ trợ về cơ chế xử lý đối với các tồn tại trước khi sáp nhập để giúp NHSN có thể triển khai thành công các mục tiêu đã nêu trên.
Sacombank đã dự kiến về kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập, cụ thể lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ); năm 2016 là 1.132 tỷ (sau thuế 883 tỷ) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ sau thuế).
So với những gì đang diễn ra ở Saombank từ nay trở về trước thì kết quả kinh doanh dự trù nói trên khá thấp, chỉ bằng hơn 30% so với mục tiêu ban đầu đặt ra cho năm 2015 (3.000 tỷ đồng, trong quý 1 đã đạt hơn 800 tỷ).
Lợi nhuận giảm, theo đề án sáp nhập, chủ yếu do nguồn dự phòng rủi ro, trong đó năm 2015 ngân hàng dự kiến trích lập hơn 1.800 tỷ đồng dự phòng, năm 2016 là 3.109 tỷ đồng và năm 2017 sẽ trích lập trên 5.200 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, xử lý dứt điểm nợ xấu và đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% ngay từ năm đầu tiên sáp nhập. Hiện tại, nợ xấu của Sacombank chưa đến 1,5% trên tổng dư nợ trong khi nợ xấu của ngân hàng Phương Nam là gần 6%.
Mặc dù sáp nhập nhưng ngân hàng cũng dự kiến tỷ lệ cổ tức chi trả từ nay đến 2017 ở mức 3%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt ra các giải pháp tài chính cụ thể như tăng vốn điều lệ, tổng tài sản bình quân mỗi năm 10%; tăng vốn huy động 11%/năm; tăng tín dụng 17%/năm; thu nhập từ hoạt động tăng gần 30%/năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo