Pháp luật

Xử phúc thẩm đại án 9.000 tỷ: Câu nói bất ngờ của Phạm Công Danh

"Tôi xin lỗi ông Thanh vì đã nói ra sự thật nhưng muốn được đối chất trực tiếp tại tòa để làm rõ bản chất sự việc”, Phạm Công Danh nói về số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của cha con Tân Hiệp Phát tại VNCB.

Ngày 30/12, phiên phúc thẩm "đại án" Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và các đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tiếp tục, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM. 

Theo hồ sơ, năm 2013, ba cá nhân thuộc nhóm bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quý Thanh - Công ty Tân Hiệp Phát) đã gửi tiền bằng hình thức sổ tiết kiệm tại VNCB. Sau đó dùng chính sáu sổ tiết kiệm này thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. 

Phạm Công Danh tại phiên xử. Ảnh PLO.

Tuy nhiên trong khi ba cá nhân chưa ký vào hợp đồng vay thì Mai Hữu Khương (giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) đã thực hiện chuyển khoản 300 tỉ đồng tiền vay vào tài khoản của họ rồi tự ý chuyển sang tài khoản cho ông Danh. Tại tòa, ba cá nhân khẳng định các sổ tiết kiệm trên không được bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào nên VNCB phải trả lại sổ tiết kiệm.

Cạnh đó, bà Trần Ngọc Bích yêu cầu VNCB hoàn trả 5.190 tỉ đồng cả tiền lãi phát sinh theo pháp luật; không thu hồi các khoản vay ngày 21/6/2013 do đã trả hết nợ cho VNCB; VNCB trả lại tám sổ tiết kiệm; yêu cầu giải tỏa bất động sản tại Vũng Tàu. “Thu hồi tiền của tôi và ông Trần Quý Thanh mà không thu hồi người khác là không công bằng…” - bà Bích nói.

Còn ông Danh tha thiết : “Quan hệ giữa tôi và ông Thanh là vay mượn nhiều năm, nhiều lần. Tại nơi làm việc của ông Thanh có mặt bà Bích, ông Thanh là người gửi tiền rất lớn vào ngân hàng, nên khi ông Thanh có nhu cầu vay tiền thì chúng tôi đã thể hiện rõ quan điểm chăm sóc khách hàng.

Trong cuộc họp HĐQT thì tôi có chỉ đạo nhân viên ngân hàng ưu tiên cho nhóm này nhưng không yêu cầu bất cứ ai cho nợ chứng từ. Xin HĐXX xem xét lại mối quan hệ vay này. 

Tôi và ông Thanh đã vay mượn rất nhiều lần nên tôi mới tin tưởng. Tại CQĐT cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, tôi bàng hoàng sửng sốt. Tôi khẳng định tôi chưa bao giờ chỉ đạo bất kỳ hình thức nào cho ai về việc cho nợ chứng từ. Mối quan hệ vay mượn với ông Trần Quý Thanh xuất phát từ niềm tin. Tôi đặt niềm tin vào ông Thanh”. 

 

Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) cũng khẳng định 300 tỉ đồng mà ông Danh đã tiêu sạch thực chất là Danh vay của ông Thanh. Đáng chú ý tại tòa, ông Danh còn nói: “Tôi xin lỗi ông Thanh vì đã nói ra sự thật nhưng muốn được đối chất trực tiếp tại tòa để làm rõ bản chất sự việc”.

Trước đó như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, sáng 30/12, phiên tòa phúc thẩm vụ án 9.000 tỉ đồng tại ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB) do Phạm Công Danh và đồng phạm gây nên tiếp tục diễn ra. Tại phiên tòa này HĐXX xét hỏi, làm rõ về khoản tiền 300 tỉ đồng bị rút ra khỏi VNCB với hình thức vay, cầm cố bằng 6 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích (giám đốc Tân Hiệp Phát).

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo có mặt tại tòa đại diện cho 03 cá nhân: Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục (nhóm Trần Ngọc Bích) kháng cáo trả lại số tiền 300 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của 3 cá nhân trên vì không liên quan đến các khoản vay của bất kỳ tổ chức cá nhân nào.

Theo nội dung vụ án, trung tuần tháng 11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.

Danh chỉ đạo lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại 63 tỷ đồng; thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng cho VNCB.

 

Bị cáo Danh cùng các đồng phạm rút 5.190 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay của nhóm này.

Số tiền này sau đó được chuyển cho ông Trần Quí Thanh cùng với số tiền lời hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra Danh cùng thuộc cấp còn rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.

Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng hơn 30 bị cáo khác cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng (trong đó có 12 công ty của Phạm Công Danh lập nên, đưa tài xế, người rửa xe, bảo vệ lên làm giám đốc).  Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần. Theo dự kiến, phiên xử phúc thẩm sẽ kéo dài đến 25/1/2017.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo