Xuất khẩu có dấu hiệu giảm tốc
Với 482 triệu USD xuất siêu trong quý I này, nền kinh tế đã có bước khởi động suôn sẻ, tạo đòn bẩy “tâm lý” quan trọng trên lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong năm kế hoạch 2013.
Tuy nhiên, thách thức vẫn ở phía trước bởi trên thực tế, thành tích xuất siêu này là nhờ sự đóng góp chủ lực của khối ngoại trong khi khối nội với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, thủy sản lại đang đau đầu giải “bài toán ba giảm” là giá giảm, lượng giảm còn thị trường bị thu hẹp.
"Tảng băng chìm"
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu quý I này ước đạt 29,68 tỉ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương tăng 4,88 tỷ USD) nhưng xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm tốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đưa ra cảnh báo như vậy tại giao ban trực tuyến sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương sáng 1-4.
Bày tỏ sự lo lắng về “tảng băng chìm” đằng sau thành tích xuất siêu quý I, ông Khánh chỉ rõ: Xuất khẩu của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động của Công ty Samsung Việt Nam bởi nếu loại trừ kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ra khỏi kim ngạch chung thì con số tăng trưởng xuất khẩu quý I chỉ còn 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái và kim ngạch xuất khẩu tháng 3 giảm mạnh so với 2 tháng đầu năm”. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, thủy sản cũng giảm rất mạnh so với cùng kỳ 2012. Điều này cho thấy, xuất khẩu có những dấu hiệu suy giảm. Vì vậy, 3 quý còn lại phải nỗ lực hết sức triển khai các giải pháp quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu cả năm, nhất là trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng do khó khăn kinh tế, ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết: Cả hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và cá tra của Cần Thơ cũng như của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác đang gặp nhiều khó khăn. Do gặp khó khăn về đầu ra nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn đang phải “ôm” lượng gạo tồn kho rất lớn. Trong khi đó, chính sách tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ trong thời gian qua lại chỉ có tác dụng nhất thời giúp thị trường gạo trong nước sôi động hơn ở thời điểm ngắn nhưng chưa phải là chính sách “thấu tình đạt lý” bởi không mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho người nông dân mà chỉ làm lợi chủ yếu cho thương lái và các khâu trung gian mua bán.
Theo ông Toại, trong ba tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo trầm lắng, trong đó cho dù giá giá gạo xuất gạo của Việt Nam đã thấp nhất thế giới (chỉ từ 380-400 USD/tấn), thấp hơn 50 USD/tấn so với Ấn Độ và một số nước ASEAN nhưng vẫn khó tiêu thụ. Vì vậy, doanh nghiệp thu mua thóc của nông dân với giá cũng thấp theo, khiến đời sống nông dân càng thêm khó khăn.
Cùng “cảnh” với người trồng lúa, người nuôi cá tra ở Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long cũng liêu xiêu vì giá cá tra bán ra rớt chỉ còn 21 nghìn/kg khiến người nuôi cá tra bị lỗ vốn khoảng 4.000 đồng/kg. Trong tình trạng này, người nuôi cá không thể đủ khả năng tiếp tục nuôi cá, thậm chí thua lỗ nặng nề phải bán đất, bán nhà trả nợ ngân hàng. Hiện diện tích nuôi cá tra của đồng bằng sông Cửu Long bị thu hẹp 1/3 so với trước đây. Tuy nhiên, vấn đề đáng báo động hơn cả là xu hướng tăng sử dụng chất tăng trọng trong chăn nuôi cá tra nhằm hạ giá thành sản xuất để cạnh tranh. Đây là vấn đề nguy hiểm bởi sẽ làm mất dần uy tín chất lượng cá tra Việt Nam, ông Toại cảnh báo.
Chính sách phải đồng bộ và linh hoạt hơn
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Toại khẳng định: Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong quản lý từ các khâu đầu tiên là chọn giống, nuôi trồng đến các khâu tiếp theo là chế biến, bảo quản… để đảm bảo chất lượng cá tra xuất khẩu. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng phụ trách xuất khẩu cần có cuộc họp trực tiếp với lãnh đạo 13 Sở Công Thương đồng Bằng sông Cửu long để ghi nhận các kiến nghị trực tiếp từ các bên, từ đó có thể đề ra các giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn cho xuất khẩu thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Trong khi các nước đang có xu hướng kiện bán chống phá giá, tăng bảo hộ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở trong nước lại cũng cạnh tranh không lành mạnh hòng xuất khẩu bằng mọi cách. Vì vậy, giải pháp lúc này có thể phải đặt ra giá sàn xuất khẩu cá tra để buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu, ông Khánh đề xuất.
Đối với gạo, việc quy hoạch đầu mối xuất khẩu gạo là cần thiết nhưng với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có sản phẩm đặc biệt (như gạo đồ của Công ty xuất khẩu Vĩnh Hoàn) và có đầu ra ở các thị trường mới như Pakixtan, Nigieria thì Chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được phép xuất khẩu cũng như không tính họ vào các đầu mối xuất khẩu gạo hiện nay, ông Khánh gợi ý.
Ghi nhận các kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu các vụ chức năng tiếp tục triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 1 nhằm tìm kiếm, mở rộng, khai thông thị trường đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản và các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu; phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng như cà phê, gạo, thủy sản và các doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình, kiến nghị từ các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để có hướng giải quyết phù hợp. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ và các ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu; cũng như có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Cùng với việc thúc đẩy đàm phán các Hiệp thương mại tự do để tạo thị trường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan để ngăn chặn gian lận thương mại và trốn thuế; xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu biên mậu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu quý I này không được lợi về giá khi giá bình quân xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản và tất cả các mặt hàng thuộc nhóm nhiên liệu, khoáng sản đã giảm mạnh và rất mạnh khiến kim ngạch xuất khẩu 2 nhóm này bị giảm 456 triệu USD. Trong khi đó, do tình hình thời tiết không thuận lợi, hạn hán xảy ra ở khu vực phía Nam nên một số mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, chè đều có sản lượng xuất khẩu giảm./.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo