Xuất khẩu đột phá vào rau quả
Liên tục bứt phá
Nếu như năm 2010, giá trị xuất khẩu (XK) rau quả chỉ mới đạt 460 triệu USD thì đến năm 2017 đã đạt 3,5 tỉ USD, tăng hơn 7 lần sau 7 năm. Còn so sánh giữa năm 2017 và một năm trước đó, XK rau quả đạt tốc độ tăng trưởng tới 40,5% và trở thành ngành có tốc độ tăng mạnh nhất trong XK nông, lâm, thủy sản. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo kim ngạch XK rau quả có thể đạt mốc 10 tỉ USD trong vài năm tới và tới năm 2025 có thể đạt tới 15 tỉ USD. Khi đó, XK rau quả sẽ mang lại giá trị lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Dù trải qua năm 2017 tăng trưởng nóng nhưng bước sang những tháng đầu năm 2018, XK rau quả vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng với kim ngạch trên 1 tỉ USD. Cụ thể, theo Hiệp hội Rau quả VN, nhiều loại trái cây chủ lực đạt kim ngạch ấn tượng như: thanh long ước đạt 345 triệu USD, nhãn đạt trên 200 triệu USD, so với cùng kỳ quý 1/2017 tăng lần lượt 31% và 22%. Không chỉ có các sản phẩm cao cấp như xoài, nhãn, thanh long, vú sữa mà nhiều mặt hàng đặc trưng của trái cây nhiệt đới như: chanh, ổi, mận, mít, tắc, chuối, đu đủ… cũng được nhiều thị trường ưa chuộng.
Điểm đáng lưu ý khác là tuy phần lớn rau quả VN vẫn XK đi Trung Quốc nhưng thị trường không ngừng được mở rộng, hiện có tới trên 60 thị trường. Ngày càng có nhiều sản phẩm rau quả VN được cấp phép vào các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… Chính sự đa dạng về thị trường cũng như chủng loại hàng hóa đã đẩy giá trị XK tăng mạnh.
Theo các chuyên gia, con số 3,5 tỉ USD chỉ chiếm khoảng 1% thị trường rau quả toàn cầu, nghĩa là dư địa của ngành này vẫn còn nhiều nếu có những chiến lược hợp lý. Đặc biệt, VN ở cạnh các thị trường tiêu thụ rau quả rất lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Đông nên lại càng thêm thuận lợi. Về chủ quan, sự phát triển của ngành rau quả hiện chủ yếu vẫn dựa trên nền sản xuất manh mún, tự phát. Nếu được quy hoạch và có chiến lược cụ thể, sẽ phát huy được giá trị cũng như tiềm năng vốn có của VN trong lĩnh vực này.
Đẩy mạnh chế biến và logistics
Dù xếp thứ hai nhưng so với thủy sản, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành rau quả gần như chưa có gì. Cuối năm 2017, trái vú sữa VN được Mỹ cấp phép nhập khẩu, tuy nhiên chính nhà XK của VN phải chủ động ngưng đưa qua thị trường này. “Nguyên nhân là chúng ta chưa có công nghệ giúp bảo quản trái vú sữa giữ nguyên chất lượng như ở VN khi sang đến Mỹ. Chúng tôi chủ động dừng XK để tìm kiếm công nghệ đủ tốt mới tiếp tục”, ông Nguyễn Đình Mười, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TM DV XNK VINA T&T - đơn vị XK nhiều sản phẩm trái cây vào Mỹ, giải thích.
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH XNK Mekong Food, chỉ ra khó khăn trong quy hoạch vùng nguyên liệu. Hiện vùng dừa nguyên liệu tại các địa phương quá manh mún, giá thành sản xuất không thể cạnh tranh nổi với dừa tươi Thái Lan. “Chúng tôi liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu gần 100 ha nhưng tỷ lệ trái thu hoạch đạt chuẩn XK mới chỉ ở mức 30%”, ông Thuật nói.
Đưa nông sản vào được các hệ thống phân phối của nước ngoài đã khó. Bảo quản, xử lý sau thu hoạch để tránh tình trạng “sáng rau chiều rác” còn khó hơn. Tại hội thảo về những cơ hội và thách thức của nông sản VN do Quỹ học bổng VN (VEF) và VietAgGlobal (nhóm các chuyên gia nông nghiệp người Việt toàn cầu) tổ chức ở Washington (Mỹ) cuối tuần trước, TS Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia nông nghiệp Úc, dẫn chứng: “Trái vải thiều của VN ngày đầu tiên vào thị trường Úc có giá đến 19 AUD/kg, sang ngày thứ 3 chỉ còn 7,5 AUD/kg và đến những ngày sau đó chỉ còn 3 AUD/kg. Sự rớt giá nhanh chóng như vậy do giảm chất lượng vì chúng ta chưa xử lý tốt ở khâu bảo quản sau thu hoạch”.
Khâu vận chuyển cũng là nút thắt lớn. Một lô hàng từ cảng ở TP.HCM đi tới Nhật, Mỹ, EU thường mất khoảng 3 tuần. Thời gian quá dài dẫn tới trái cây - rau quả dễ bị hư hỏng. Vận chuyển bằng đường hàng không thì chi phí quá lớn, không có lãi. Trong khi hạ tầng giao thông từ vùng nguyên liệu là ĐBSCL đến nhà máy trong nội vùng và tới TP.HCM còn rất hạn chế.
Giải quyết được bài toán này, rau quả sẽ thực sự là ngành hàng XK mang lại giá trị gia tăng cao cho VN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo