Xuất khẩu gạo khó từ nội tại
Lượng gạo XK lớn nhưng giá gạo XK của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước. Việc giảm giá không làm cho gạo Việt Nam có sức cạnh tranh mà chỉ khiến cho các DN rơi vào tình trạng khó khăn hơn.
Rớt giá
Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong quý I-2013, Việt Nam đã XK được 1,451 triệu tấn gạo, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, trị giá 641 triệu USD. Tuy nhiên, giá gạo lại giảm mạnh, giá bình quân giảm 44,5 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, loại 5% tấm thấp hơn giá gạo Ấn Độ và Pakistan từ 40 - 50 USD/tấn, chỉ khoảng 395 USD/tấn. Nguyên nhân giá XK thời gian qua thấp là do nhiều thị trường chưa có nhu cầu NK, còn các thị trường XK chính lại bị ép giá.
Cụ thể, với thị trường Trung Quốc, có đặc điểm không mua gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước theo dạng hợp đồng tập trung của Chính phủ mà chủ yếu do thương nhân thu mua phân phối lại để hưởng chênh lệch nên giá thấp. Do vậy, mặc dù thương nhân Trung Quốc chào giá thấp nhưng DN Việt Nam vẫn phải chấp nhận bán vào thị trường này vì các thị trường khác không có nhu cầu. Bằng chứng là, trong gần 1,5 triệu tấn gạo XK thời gian qua, có đến 1/3 lượng gạo được xuất sang Trung Quốc với giá thấp. Đối với thị trường châu Phi, giá XK thấp, theo lý giải của VFA, là do chênh lệch về tỷ giá giữa đồng Euro và USD. Do đồng USD có xu hướng giảm so với Euro nên DN Việt Nam muốn bán vào thị trường châu Phi cũng phải giảm giá vì khu vực này liên kết chặt chẽ với khu vực đồng Euro. Hơn nữa, nhiều nước đang có xu hướng chuyển sang mua gạo của Ấn Độ, Pakistan. Họ lại có lợi thế về cước phí vận chuyển nên gạo Việt Nam dù đưa ra giá ngang bằng cũng không thể cạnh tranh được để xuất sang châu Phi.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà XK gạo lớn Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và tránh bị thị trường quay lưng, nhiều DN buộc phải bán giá thấp để đẩy mạnh XK. Điều này đồng nghĩa với việc DN bị khách hàng ép giá, đã có hiện tượng cạnh tranh phá giá. Những yếu tố này đã tác động thêm vào sự sụt giảm giá gạo XK của Việt Nam trong thời gian qua. Hiện VFA phải bỏ giá sàn gạo thường để DN hạ giá bán, kịp thời giải phóng nguồn cung trong nước.
Cái giá của sự phụ thuộc
Nguyên nhân của việc giá XK giảm thấp trong thời gian qua đã được VFA lý giải. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nguyên nhân trên chưa thỏa đáng bởi có một nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng này. Đó là, XK gạo lâu nay quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là phụ thuộc vào lượng hợp đồng tập trung. Mọi năm, hợp đồng tập trung thường chiếm tới 60-70% lượng hợp đồng đã ký. Những hợp đồng này chủ yếu nhờ vào quan hệ ngoại giao cấp Chính phủ, còn DN không phải tốn mấy công sức để kéo hợp đồng về. Nhưng năm nay, diễn biến đã khác, chúng ta thiếu lượng hợp đồng tập trung, các DN chủ yếu XK gạo dưới dạng thương mại.
Chính vì vậy, DN Việt Nam đã dần mất đi “phản xạ” cần có khi tham gia vào nền kinh tế thị trường. Đó là mất khả năng đàm phán, thiếu trình độ giao tiếp quốc tế, không phải lăn lộn đi tìm kiếm khách hàng… Với những đơn hàng thương mại, không có giá cả ổn định các DN XK gạo dường như đang mất phương hướng, có thể bán với bất kỳ giá nào để giảm áp lực tồn kho, trả lãi suất ngân hàng. Khi nhiều DN ký hợp đồng với giá thấp sẽ tạo ra mặt bằng giá chung, các nhà NK lớn nhìn vào đó để mặc cả khi đàm phán. Lúc này, DN muốn tăng giá bán cũng sẽ rất khó.
Sự bị động, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã khiến cho các DN XK gạo “lâm nguy”. Đã đến lúc DN Việt Nam cần nhìn nhận lại phương thức hoạt động. DN cần phải lấy lại sự chủ động trong việc tìm thị trường, phải sang tận nước NK chào bán, ký kết hợp đồng. Ông Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo khuyến cáo, DN không nên ngồi ở nhà chờ khách hàng sang hỏi mua, thương lái nước ngoài sang tung hoành mà phải “mục sở thị” thị trường NK để chào bán. Ví dụ như thị trường châu Phi, DN cần đem hàng sang đó chào bán chứ không nên thông qua nước trung gian. Hơn thế, trong lúc khó khăn như hiện nay, việc làm ăn nghiêm túc tránh trộn gạo thường với gạo thơm để bán giá gạo thơm gây ảnh hưởng đến uy tín chung DN cũng cần tránh.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo