Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh: Vừa mừng vừa lo
Xuất khẩu tăng nhưng vẫn nhập siêu
Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1/2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 3,7 tỷ USD, tăng tới 106% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng hơn 1,9 tỷ USD). Như vậy, Trung Quốc tạm vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018 có trên 10 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Không chỉ điện thoại và linh kiện, mà rau củ, gạo, cao su, hạt điều, gỗ, thuỷ sản... Trung Quốc cũng luôn đứng trong top đầu về thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là việc Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điều đáng mừng hay đáng lo?
Chia sẻ với BizLIVE, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, thông tin này vừa mừng vừa lo. Mừng vì chúng ta luôn mong muốn đưa được nhiều hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, điều này sẽ giúp chi phí xuất khẩu rẻ hơn so với các thị trường khác.
Tuy nhiên, đáng lo là chúng ta chưa xuất khẩu được những mặt hàng có hàm lượng gia tăng cao, chưa tìm và phát huy lợi thế đưa nhiều hàng hóa vào thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ.
Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng việc Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất là điều bình thường và tự nhiên vì Trung Quốc là nước láng giềng với Việt Nam, nền kinh tế lớn nên nhu cầu lớn. Thêm nữa, Trung Quốc đang tái cơ cấu kinh tế rất mạnh nên nhập khẩu rất nhiều hàng hóa thấp cấp từ Việt Nam như hàng dệt may.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, điều đáng lo là xuất khẩu có tăng nhưng Việt Nam vẫn luôn nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Nhập siêu không những qua kênh chính thức mà còn nhập qua kênh tiểu ngạch, buôn lậu. Số liệu thống kê chênh lệch giữa hải quan Việt Nam và hải quan Trung Quốc cũng lớn.
Đồng quan điểm, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, dẫn lại câu chuyện cách đây mấy năm, con số nhập siêu từ Trung Quốc do cơ quan thống kê Trung Quốc công bố lớn hơn con số mà Việt Nam đưa ra tới 20 tỷ USD.
Dẫn tới vị chuyên gia này nghi ngờ, năm 2017 chúng ta cứ bảo mình xuất siêu nhưng chúng ta có tính thêm 20 tỷ USD không thống kê được của Trung Quốc không. Nếu như vậy, chúng ta vẫn nhập siêu.
Trên thực tế, số liệu thống kê chính thức cho thấy, Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc. Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1/2018, cả nước chi gần 5,8 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Như vậy, nước ta vẫn đang nhập siêu khoảng 2,1 tỷ USD từ thị trường láng giềng này trong 1 tháng, con số này có giảm nhẹ 46 triệu USD so với mức nhập siêu 2,1 tỷ USD trong tháng 1/2017.
Xuất khẩu chính ngạch
Thị trường Trung Quốc lâu nay luôn bị cảnh báo là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều hàng hóa bị trả về, bị ép giá. TS. Lê Đăng Doanh cho biết, thị trường Trung Quốc có đặc điểm là bên cạnh các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch có rất nhiều thương lái của Trung Quốc có quan hệ với cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.
Theo đó, thương lái thâm nhập thị trường, mua, nâng giá, có hành động lũng đoạn thị trường. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã bị hớ, bị lừa, cứ thấy họ trả giá cao là sẵn sàng gom sản phẩm để bán, kể cả những sản phẩm như móng trâu bò, rễ hồ tiêu.
Muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bền vững, doanh nghiệp cần cố gắng đi vào xuất khẩu chính ngạch, có ký hợp đồng, biết rõ đối tác của chúng ta là người thế nào, TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị.
Về vấn đề này, TS. Phạm Tất Thắng lưu ý, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn nhưng do không nắm bắt kỹ đối tác nên nhiều doanh nghiệp, thương nhân Việt bị phía đối tác thương lái lừa.
Theo ông Thắng, nguyên nhân là do chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch. Do thương nhân quen làm ăn buôn bán trao tay, có nghĩa khi phía doanh nghiệp Việt gom được ít hàng, thương lái đẩy giá lên cao nhưng khi có nhiều hàng họ lại hạ giá xuống để kiếm lời.
Bởi vậy, doanh nghiệp Việt phải hiểu biết hơn nữa nhu cầu thị trường nội địa Trung Quốc cần gì, Việt Nam có thế mạnh nào để đáp ứng cho họ.
"Chúng ta cần phải thống nhất quan điểm là thị trường Trung Quốc rất quan trọng, phải có thông tin về nó và cần phải bỏ dần, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch, cần phải xây dựng mối quan hệ làm ăn lâu dài giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc để đưa hàng hóa Việt Nam vào trong hệ thống phân phối Trung Quốc", ông Doanh cho biết.
"Vào nhà sạch phải bỏ dép"
Đi kèm với thị trường Trung Quốc cần phải đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU).
Theo Tổng cục Hải quan, nhiều năm qua và cả năm 2017, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng trong tháng 1/2018, trị giá kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia này đạt 3,6 tỷ USD, chỉ tăng 624 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái và không giúp cho thị trường truyền thống này duy trì được vị thế số một về xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, TS. Doanh lưu ý, hiện nay Hoa Kỳ mới chỉ đánh thuế nhập khẩu cao với mặt hàng sắt thép, Việt Nam hãy cố gắng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Xuất khẩu thế nào để bổ sung cho nền kinh tế Hoa Kỳ, ít cạnh tranh với nền kinh tế Hoa Kỳ.
"Hoa Kỳ là thị trường rộng lớn và bổ sung hoàn toàn cho Việt Nam. Trong buôn bán với Hoa Kỳ không có vụ mua bán móng trâu bò, rễ cây hồ tiêu, không chụp giật, quỵt tiền... giá trị thu về rất cao. Tại sao chúng ta không cố gắng đẩy mạnh", ông Doanh khuyến nghị.
Cho rằng rào cản thương mại mà phía Hoa Kỳ và EU dựng lên là tất yếu nên chúng ta phải hiểu rõ chuyện đó, PGS.TS. Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, để vượt qua các rào cản này, chúng ta chỉ có cách duy nhất là phải biết, tìm hiểu, nắm rõ diễn biến hàng rào kỹ thuật trong thương mại của từng thị trường.
Cùng với đó, thay đổi cách sản xuất, đừng nói kiểu "anh phải chiếu cố cho tôi, tại sao bắt chẹt tôi bằng yêu cầu cao vì đó là tiêu chuẩn của họ giống như vào nhà người sạch sẽ phải bỏ dép bên ngoài".
Để không vướng vào rào cản kỹ thuật mà đối tác đưa ra, doanh nghiệp cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, đầu tư cho con người để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao. Đồng thời Nhà nước, hiệp hội cần thông tin cho doanh nghiệp để họ biết được các rào cản đó diễn biến ra sao.
"Khi hàng hóa bị điều tra, có nguy cơ bị phạt, chúng ta cần đồng lòng với nhau để có thể chứng minh rằng mình đáp ứng được, chứ không đi xin xỏ. Thời đại hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 mà xin xỏ là nước đang phát triển nên cần được châm chước sẽ không ổn và không được chấp nhận", ông Thắng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững