Xuất khẩu thủy sản khó phục hồi trong 2 tháng cuối năm
Theo Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep), trong quý 3/2015, xuất khẩu thủy sản vẫn chưa có tín hiệu hồi phục và tiếp tục tăng trưởng âm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 4,8 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu hạ và biến động giảm giá của các đồng ngoại tệ so với USD đã tác động mạnh đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng sâu nhất là mặt hàng tôm (XK tôm liên tục giảm 27 – 30 % trong 9 tháng đầu năm nay).
Vasep cho biết, bước sang tháng 10, xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các mặt hàng chính với mức độ giảm sâu hơn so với những tháng trước. Theo đó, tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 10 ước đạt 604 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm gần 33%, cá tra giảm gần 30%, cá ngừ giảm 11% và mực, bạch tuộc giảm 28%.
Nguyên nhân xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm mạnh được Vasep lý giải là do thị trường tiêu thụ kém và biến động tỷ giá tiền tệ khiến cho thủy sản Việt Nam bị cuốn trong vòng xoáy giảm giá trên thị trường thế giới suốt từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, làn sóng mất giá và thả nổi giá nội tệ so với USD ở các thị trường và các nước sản xuất chính khiến cho không chỉ XK tôm mà cả các mặt hàng khác khó cạnh tranh tại thị trường NK, nhất là thị trường Mỹ cũng làm cho xuất khẩu thủy sản giảm sút.
Ngoài ra, việc các nhà nhập khẩu tìm cách ép giá, các nước đối thủ đẩy mạnh xuất khẩu khiến cho XK cá tra vốn trong tình trạng kém sôi động từ 2 năm nay, lại thêm áp lực từ thuế chống bán phá giá giai đoạn rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR 10) và POR11 với mức thuế cao, nên không còn cơ hội để tăng trưởng trở lại. XK cá ngừ, mực, bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác đều giảm trước những khó khăn chung của thị trường thế giới.
Theo Vasep, tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm ước đạt 5,45 tỷ USD, giàm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm đạt khoảng 2,4 tỷ USD, giảm 28%, cá tra 1,3 tỷ USD, giảm 12%, cá ngừ 383 triệu USD, giảm 6%, mực bạch tuộc giảm 13% đạt 345 triệu USD. Chỉ có các mặt hàng cá biển khác tăng gần 4% đạt 863 triệu USD.
Vasep cho biết, XK thủy sản sang các thị trường chính đều giảm mạnh (từ 6- 26%), trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, gần 27%, EU giảm 19% và Nhật Bản giảm 15%. Tuy nhiên, XK sang 2 thị trường ASEAN và Đài Loan tăng lần lượt 9,4% và 29% có thể do sự chuyển hướng của DN thủy sản khi các thị trường lớn khó tiêu thụ.
Theo dự báo của Vasep, trước những thách thức về nhu cầu sụt giảm, vòng xoáy giảm giá XK nông thủy sản nói chung, XK trong 2 tháng cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ so với những tháng đầu năm và vẫn thấp hơn 20 – 25% so với năm 2014. Với xu hướng tăng trưởng âm như hiện nay, dự báo tổng XK thủy sản năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,6 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2014.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mắc nhiều vi phạm trong đợt huy động vốn, CIENCO4 C4G bị phạt gần 700 triệu đồng
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu
Giá heo hơi ngày 2/11/2024: Tăng, giảm trái chiều tại miền Bắc và miền Nam
Giá ngoại tệ ngày 2/11/2024: USD tăng lên mốc 104,32 điểm
CEO Adsota gợi ý 'chìa khóa' giúp các chiến dịch marketing du lịch thành công
Giá nông sản ngày 2/11/2024: Vì sao cà phê và hồ tiêu đồng loạt giảm giá?